Tìm đường đưa hàng Việt sang Nga

Ngày 03/10/2015 06:48 AM (GMT+7)

Đoàn doanh nghiệp TP HCM đã tổ chức chuyến khảo sát thị trường Nga để tìm đường xuất khẩu hàng sang thị trường tiềm năng này

Vừa trở về cùng đoàn doanh nghiệp (DN) TP HCM, ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May túi xách Miti, cho biết đang xúc tiến các bước tiếp theo về nghiên cứu thị trường, thị hiếu và nhu cầu các sản phẩm cặp học sinh, ba lô, túi xách… để có thể sớm xâm nhập thị trường Nga.

Lớn nhưng không dễ

Trong thời gian ở Nga, ông Kiên cùng một số DN đã khảo sát từ các chuỗi siêu thị đến chợ truyền thống và thấy rằng thị trường rất lớn. Nhiều sản phẩm tiêu dùng của người dân Nga như giày dép, quần áo, thực phẩm đều nhập khẩu sẽ là cơ hội cho hàng ngoại xâm nhập. Bước đầu, ông Kiên đã làm việc với một chuỗi siêu thị có khoảng 300 cửa hàng để tìm hiểu sản phẩm, thị hiếu người tiêu dùng nhằm đưa hàng Việt sang. “Mặt hàng ba lô, túi xách ở Nga chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Nếu so về giá bán, mẫu mã, kiểu dáng và chất lượng, hàng Việt sẽ cạnh tranh tốt với hàng Trung Quốc” - ông Kiên tự tin.

Tìm đường đưa hàng Việt sang Nga - 1

Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đang được tiêu thụ mạnh tại thị trường Nga Ảnh: NGỌC TRINH

Sau một thời gian đưa ra thị trường mặt hàng trứng ăn liền, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt bắt đầu nhắm đến thị trường Nga. Ông Trương Chí Thiện, giám đốc công ty, cho biết qua khảo sát thị trường, sản phẩm trứng ăn liền đã có nhà cung cấp đến từ Đài Loan, Nhật Bản nhưng giá rất cao. “Nếu sản phẩm của Vĩnh Thành Đạt thay đổi một chút về khẩu vị, bao bì là có thể tìm được chỗ đứng ở thị trường Nga nhờ giá rẻ hơn. Ngay trong chuyến đi, chúng tôi đã kết nối được một số DN và sẽ xúc tiến các bước tiếp theo” - ông Thiện chia sẻ.

Cũng có mặt trong chuyến đi, ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may Thắng Lợi, cho biết một số DN sản xuất phân hữu cơ công nghệ nano, gạch bông, gạo, thủy sản… đã ký hợp đồng trực tiếp với đối tác Nga. Riêng lĩnh vực dệt may, dù được xem là có lợi thế rất lớn khi hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) có hiệu lực (gần 90% các mặt hàng tiêu dùng xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga được miễn, giảm thuế) nhưng ông Hòa cho rằng rất khó để hàng dệt may có chỗ đứng ở thị trường này. “Khách hàng Nga khi xem những sản phẩm của Thắng Lợi giới thiệu, họ rất thích. Nhưng khi tôi ra thị trường, lại thấy hàng may mặc Trung Quốc ngập chợ với giá rẻ hơn rất nhiều. Do đó, muốn đưa hàng dệt may sang Nga sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc” - ông Hòa nói.

Lo về thanh toán, rủi ro tỉ giá

Nhiều DN trong lĩnh vực dệt may, giày dép, túi xách, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, gạo, bán lẻ đã tham gia đoàn khảo sát thị trường Nga với kỳ vọng tìm kiếm đối tác. Theo các DN, động lực thúc đẩy nhu cầu làm ăn, đưa hàng Việt sang Nga xuất phát từ FTA giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á - Âu được ký kết hồi cuối tháng 5, sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2016. Trong khi đó, thị trường Nga rất ưa chuộng sản phẩm tiêu dùng đến từ các nước châu Á do giá rẻ và chủng loại phong phú. Hiện Nga vẫn được xem là thị trường “dễ tính” hơn các nước EU, Mỹ hay Nhật Bản.

Thị trường trong nước ngày càng cạnh tranh khốc liệt, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, hàng ngoại từ các nước tràn vào đang làm “miếng bánh” thị phần của DN nội nhỏ lại. Theo ông Nguyễn Trí Kiên, đã đến lúc DN phải chủ động vươn ra bên ngoài tìm cơ hội mới, nắm bắt thời cơ từ các FTA với ưu đãi thuế suất. Có điều cơ quan nhà nước cần đẩy nhanh việc triển khai nội dung từ các FTA để DN có thể tận dụng và cần một đầu mối đứng ra kết nối cho các DN “chân ướt chân ráo” xâm nhập thị trường. Như với túi xách Miti, cơ hội đưa hàng vào Nga là rất lớn nhưng lại lo khâu phân phối, kho bãi để lưu hàng, thời gian vận chuyển mất từ 45-60 ngày nên không hề đơn giản. Tiêu chí của nhà nhập khẩu là “nhanh, rẻ, đẹp và cần là có” nhưng DN không thể đưa cả container hàng qua đó vì rủi ro cao.

Theo ông Trương Chí Thiện, khó khăn lớn nhất có lẽ là khâu thanh toán bởi các đối tác Nga không thanh toán phổ biến qua ngân hàng như mở thư tín dụng (L/C) mà chuộng tiền mặt nên rất rủi ro cho DN; cộng thêm đồng rúp mất giá mạnh thời gian qua cũng là mối lo của DN.

Theo Thái Dương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan