Cứu bệnh nhân ngừng tim, xuất huyết âm đạo giữa đường

Ngày 08/07/2015 11:00 AM (GMT+7)

Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, khi vào viện, bệnh nhân H. đã ngất lịm, người xanh tái, không biết gì, máu từ âm đạo chảy ra xối xả, ướt đẫm quần áo.

Bị xuất huyết vùng kín giữa đường

Bệnh nhân đặc biệt này là chị N.T.H (ở Quảng Ninh), chia sẻ với phóng viên, chị H. cho biết, chị bị nhiễm vi rút HIV sau khi lấy chồng. Chồng chị đã mất cách đây 11 năm cũng vì căn bệnh này.

Ngày 4/7, chị cùng con trai 12 tuổi đi ô tô khách từ Quảng Ninh (nơi chị đang sống cùng nhà chồng) về Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội) thăm quê ngoại. Đi tới đoạn Phố Nối, Hưng Yên, chị thấy có hiện tượng xuất huyết âm đạo và bị ngất xỉu.

Con trai chị vội gọi điện báo cho cô ruột của cháu đang làm tại Hà Nội. Khi xe khách tới Hà Nội, chị được con và em chồng đưa ngay vào phòng Cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Cứu bệnh nhân ngừng tim, xuất huyết âm đạo giữa đường - 1

Chị H và mẹ chồng tại BV Phụ sản Hà Nội.

Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, khi vào viện, bệnh nhân H. đã ngất lịm, người xanh tái, không biết gì, máu từ đường âm đạo chảy ra xối xả, ướt đẫm quần áo.

“Vào đến phòng cấp cứu, tôi thấy, các bác sĩ chạy lao tới, chỉ 1, 2 phút sau, mấy chục người áo trắng, áo xanh khác chạy hối hả vào phòng. Tôi biết, tất cả bác sỹ đang trực tại viện được huy động để cứu chị”, người nhà chị H. kể lại.

Cắt bỏ tử cung, truyền 4 lít máu

Chia sẻ về ca cấp cứu đặc biệt này, BS. Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa đẻ, người trực tiếp phẫu thuật ca bệnh cho biết, tình trạng bệnh nhân H. khi đưa vào phòng cấp cứu rất nguy kịch: thở ngáp cá, da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập.

“Nếu chỉ chậm 1, 2 phút, bệnh nhân sẽ không qua khỏi. Bệnh nhân được ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức cấp cứu ngay tại phòng khám, không kịp di chuyển vào phòng phẫu thuật. Nếu đưa vào phòng phẫu thuật, tim ngừng đập lần 2, bệnh nhân sẽ tử vong”, BS Khai chia sẻ về giây phút gành lại sự sống cho bệnh nhân.

Sau khi cấp cứu và có dấu hiệu của sự sống, tim đập trở lại, máu từ âm đạo bệnh nhân lại tiếp tục phun thành dòng và các bác sĩ phẫu thuật phải tiến hành cắt toàn bộ tử cung để cầm máu.

Cứu bệnh nhân ngừng tim, xuất huyết âm đạo giữa đường - 2

BS Khải đang thăm hỏi bệnh nhân.

“Tử cung đã bị hoại tử, không thể bảo tồn. Nếu không cắt bỏ, khả năng bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng huyết và tử vong là không tránh khỏi. Lượng máu trong người bệnh nhân đã kiệt. Tổng quá trình phẫu thuật, phải truyền 4 lít máu cho bệnh nhân”, BS Khai cho biết.

“Đây là ca mổ đặc biệt, trong một trường hợp đặc biệt. Lúc đó, chúng tôi không còn đủ thời gian để trù trừ, để mặc thêm những bộ áo và đeo kính phòng vệ cho bản thân hay đưa bệnh nhân lên phòng phẫu thuật.

Trước chúng tôi là một mạng người yếu đuối, sự sống nằm trong tay chúng tôi, một tích tắc chậm chạp, e ngại của người thầy thuốc sẽ tước đi quyền sống của họ. Chúng tôi chỉ biết hành động theo bản năng người thầy thuốc”, BS Khải nói.

Theo BS. Khải, đối với những bệnh nhân có HIV, mang thai, phải phẫu thuật, mổ đẻ, đó là điều bình thường với các bác sĩ bởi trong viện có khoa truyền nhiễm dành cho những người mang HIV.

“Trường hợp bệnh nhân N.T.H nhập viện trong tình trạng tim đã ngừng đập, trụy tim mạch, máu phun ra ào ạt, sinh mạng chỉ tính theo tích tắc, từ nơi xa chuyển đến, phải phẫu thuật ngay tại phòng cấp cứu, không đủ thời gian để đưa vào phòng phẫu thuật; 18 y, bác sĩ và phẫu thuật viện được huy động bất chợt xuống phòng khám cấp cứu. Bản năng của người bác sĩ khi đó tước tiên là cứu người”, BS Khải chia sẻ.

Cuối cùng, BS Khải cho biết, quá trình phẫu thuật diễn ra rất nhanh, sau phẫu thuật, kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân mới có. Bệnh nhân bị nhiễm HIV. Khi đó, 18 người gồm bác sĩ cấp cứu, phẫu thuật và y sỹ phục vụ mới lo lắng nghi ngờ có thể cả e kíp cũng có thể bị phơi nhiễm HIV. 

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những ca bệnh đặc biệt