Thời khốn khó của gia đình tổng thống Putin trong Thế chiến II

Ngày 01/05/2015 22:28 PM (GMT+7)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã viết về câu chuyện về cha mẹ của mình vượt qua thời khắc gian khổ trong Thế chiến II, cùng người anh trai đã mất của mình trong một bài viết mới đây.

Trong bài viết được đăng trên một tạp chí của Nga, Tổng thống Putin kể lại rằng, cha của ông là ông Vladimir đã gia nhập một đội quân du kích của Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD), có nhiệm vụ phá cầu và đường sắt gần thành phố Saint Petersburg. Trong số 28 thành viên của đội, 24 người đã hi sinh khi chiến đấu chống lại quân phát xít ở gần Saint Petersburg.

Có một lần, lính Đức đã truy đuổi đội du kích trong rừng. Cha của ông Putin sống sót được là nhờ ẩn mình trong một đầm lầy trong nhiều giờ. Tổng thống Nga kể lại: “Cha tôi nói rằng, khi lặn xuống bên dưới đầm lầy và dùng một ống thở bằng cây sậy, ông nghe thấy tiếng lính Đức đi qua cùng với tiếng chó sủa chỉ cách chỗ của ông vài bước chân”.

Thời khốn khó của gia đình tổng thống Putin trong Thế chiến II - 1

Người cha đã mất của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cha của ông Putin cũng nói về vết thương đã đi theo cả cuộc đời của mình do phải sống với nhiều mảnh lựu đạn trong chân.

Lúc đó, ông đang thực hiện một nhiệm vụ ở phía sau phòng tuyến của Đức Quốc xã cùng các đồng đội của ông. Tuy nhiên, họ bất ngờ bắt gặp một tên lính Đức. Theo lời của cha ông hồi tưởng lại, “hắn ta nhìn về phía mình một cách cẩn thận, sau đó hắn lôi một quả lựu đạn, rồi hai quả và ném về phía toàn đội”.

Khi ông Vladimir tỉnh lại, ông không đi được và phải tìm cách quay trở về nơi đội du kích của ông đóng quân tại bờ bên kia sông Neva, lúc đó đã đóng thành băng. Tổng thống Nga viết: “Lúc đó, sông Neva được canh phòng rất nghiêm ngặt với rất nhiều pháo và súng máy hạng nặng. Gần như không có cách nào để có thể sang được bờ bên kia”.

Tuy nhiên, tình cờ ông Vladimir đã gặp được một người quen biết, người này đã đưa ông tới một bệnh viện trong thành phố dưới làn đạn của kẻ thù. Mảnh lựu đạn vẫn còn nằm trong chân ông và các bác sĩ quyết định để nó ở đó để tránh ảnh hưởng đến khả năng đi lại.

Người bạn của ông Vladimir đã chờ ông trong bệnh viện, sau khi nghe tin ông được phẫu thuật thành công ông đã nói rằng: “Được rồi, giờ thì anh sẽ tiếp tục sống, còn tôi thì phải đi chết đây”.

Tuy nhiên, cả hai đều sống sót sau chiến tranh, nhưng ông Vladimir đã tưởng vị ân nhân của mình đã chết trong nhiều năm. Mãi đến những năm 60, họ tình cờ gặp lại nhau trong một cửa hàng nhỏ và hai người đã khóc khi nhận ra nhau.

Thời khốn khó của gia đình tổng thống Putin trong Thế chiến II - 2

Ông Putin cùng mẹ của mình khi còn nhỏ.

Tổng thống Nga cũng kể về người anh trai sinh ra trong Thế chiến II của mình. Người anh của ông đã được chính quyền sơ tán đến một nhà nuôi dưỡng. “Anh ấy ngã bệnh tại đây và đã không thể qua khỏi. Mẹ tôi nói anh mất vì bệnh bạch hầu. Người ta không nói cho gia đình tôi nơi anh ấy được án táng”.

Mãi đến năm ngoái, Tổng thống Putin mới tìm được những thông tin về nơi chôn cất của người anh của mình. Ông Putin viết. “Không những địa chỉ gốc của anh ấy, mà cả tên, họ và ngày tháng năm sinh đều trùng khớp. Anh được chôn tại nghĩa trang Piskarevsky ở Saint Petersburg”.

Ngoài ra, nói về người mẹ của mình, Tổng thống Putin kể lại, khi mẹ của ông chỉ còn lại một mình, xa cách cả chồng lẫn con trai, bà bị ốm rất nặng. Các bác sĩ tưởng rằng bà sắp chết và đưa bà đi cùng nhiều thi thể những người khác để mai táng. May thay, cha của ông đã kịp thời quay về bệnh viện.

“Khi cha tôi tới bệnh viện, ông nhìn thấy y tá đang dưa đi nhiều xác chết. Ông đột nhiên thấy vợ của mình và đến gần, và ông nhận ra rằng bà vẫn còn sống. “Cô ấy còn sống!”, ông hét lên”.

Thời khốn khó của gia đình tổng thống Putin trong Thế chiến II - 3

Điều kỳ lạ là cha mẹ của ông Putin không ghét lính Đức.

Các y tá một mực nói rằng bà sắp chết, nhưng ông không nghe họ và tấn công họ bằng nạng của mình. “Sau đó ông đã chăm sóc bà. Bà ấy sau đó đã tiếp tục sống”, Tổng thống Putin viết.

Cha mẹ ông đã qua đời vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Theo ông Putin, điều kỳ lạ là mặc dù gia đình nào cũng đã mất người thân trong cuộc chiến, nhưng gia đình ông lại không ghét kẻ thù. "Thành thật mà nói, tôi vẫn không thể hiểu tại sao lại như thế”, ông viết.

Tổng thống Nga nhớ lại lời nói của mẹ mình. Bà bảo bà không ghét lính Đức, bởi họ “cũng là những người bình thường và cũng phải mất mạng trong chiến tranh”.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.

Theo Anh Tuấn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự