Giọt nước mắt “héo mòn” của người mẹ quyết tìm lại sự sống cho con

Ngày 20/03/2017 09:56 AM (GMT+7)

Chỉ cần cậu con trai bị liệt nửa người mắc chứng động kinh còn thở, người mẹ ấy luôn tâm niệm sẽ chiến đấu hết mình để con được quay lại với cuộc sống bình thường.

Hình ảnh người phụ nữ tuổi xế chiều bà Lê Thị Thu Đông (59 tuổi - Đăk Nông) gắng đẩy chiếc xe lăn đưa cậu con trai bị liệt lên phòng vật lý trị liệu vào mỗi sáng quá đỗi thân thuộc với các bác sĩ tại Bệnh viện (BV) Y học Cổ truyền TP.HCM. 

Một số bệnh nhân cho hay, hai mẹ con người đàn bà ấy đã ở đây từ rất lâu. Ngày ngày, họ chỉ thấy duy nhất người mẹ chăm sóc, đút cho cậu con trai đã từng sống thực vật từng thìa nước, miếng cơm.

Ngất xỉu khi thấy con nằm trong phòng cấp cứu

Năm 2011, anh Hữu Nghĩa (26 tuổi) - con trai út của bà Đông bị tai nạn giao thông. Nhận tin báo, bà khá bình tĩnh vì nghĩ rằng Nghĩa chỉ bị xây xát nhẹ. Nào ngờ, xuống tới bệnh viện, bà vừa nhìn thấy con trong phòng cấp cứu thì ngất xỉu.

Nhìn thấy thằng út mặt sưng, toàn thân tím tái, tôi đã xỉu ngay tại chỗ. Tỉnh lại, tôi dần định thần được con bị làm sao và xin bác sĩ cứu giúp. Họ bảo, tỉ lệ sống của nó rất ít, không qua nổi 4 ngày. Thậm chí, gia đình tôi nên chuẩn bị sẵn tâm lý lo chuyện hậu sự. Nghe vậy, tôi như chết lặng. Nhưng, nhìn con nằm bất động trên giường bệnh, tôi không cho phép mình ngục ngã”, bà Đông tâm sự.

Giọt nước mắt “héo mòn” của người mẹ quyết tìm lại sự sống cho con - 1

Lúc đó dù biết Nghĩa không qua khỏi nhưng người mẹ vẫn không ngừng cầu nguyện và điều kỳ diệu đã xảy ra: Ngày thứ 5, Nghĩa còn thở dù não đã chết.

Sau 29 ngày nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, con út của bà Đông được chuyển lên phòng trên. Tuy nhiên, anh rơi vào tình trạng sống thực vật và có triệu chứng sốt liên tục. Bà Đông nhớ lại: “Thằng út sốt kéo dài không biết nguyên nhân. Bác sĩ tiến hành CT nhiều lần mà không ra bệnh. Họ lấy tủy đem xét nghiệm và phát hiện não bị nhiễm trùng huyết. Lúc đó, tôi không biết phải làm gì, bất lực nhìn thằng út lên cơn sốt ”.

Bán nhà, bán đất chi trả viện phí trị bệnh cho con

Sống thực vật, Nghĩa bị viêm phổi nặng, được chuyển xuống khoa hô hấp. Từ đây, người phụ nữ tuổi xế chiều ấy phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tháng ngày đó, bà cùng con trai thứ 3 đỡ Nghĩa qua phòng dưới. Nhiều bữa, bà không còn sức để dìu con nhưng vẫn cố gắng gồng mình. Bà bảo, bà là chỗ dựa duy nhất của Nghĩa lúc này nên không được phép bỏ cuộc. Thậm chí, để có tiền chữa trị cho con tỉnh lại, bà đã quyết định bán nhà, bán đất ở quê.

Năm trời trị bệnh không tiến triển, bác sĩ khuyên bà Đông đưa Nghĩa về nhà giúp tinh thần thoải mái hơn. Họ đưa cho bà toa thuốc đặc biệt để điều trị. Sau 4-5 tháng kiên trì truyền thuốc, Nghĩa đã tỉnh lại và nhận thức được mọi thứ. Tuy nhiên, anh không nói được, chỉ biết diễn tả bằng tay.

Có lẽ, khoảnh khắc nhìn thấy con trai út tỉnh lại sau gần 1 năm sống thực vật khiến người mẹ già hạnh phúc nhất.

Thấy nó tỉnh, tôi bật khóc vì quá vui mừng. Cuối cùng, mọi cố gắng của tôi và các con đã thành công. Nhưng, nó vừa diễn tả được suy nghĩ thì bất chợt lên cơn động kinh rất lâu. Tôi hoảng loạn, chỉ biết run khóc và gắng ôm con vào lòng an ủi: Có mẹ ở đây rồi!”.

Giọt nước mắt “héo mòn” của người mẹ quyết tìm lại sự sống cho con - 2

Miệt mài chạy khắp các viện để con đứng dậy được

Sau khi Nghĩa được đưa đến BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), bác sĩ yêu cầu bà Đông làm thủ tục nhập viện để điều trị chứng động kinh. Hàng ngày, bà đưa Nghĩa lên phòng vật lí trị liệu để tập đứng và nói.

Qua quá trình tập luyện, bác sĩ phát hiện Nghĩa bị gãy cổ xương đùi, không thể đứng vững. “Bác sĩ bảo, nếu lắp sọ cho thằng út thì không dám mổ phần chân. Họ khuyên tôi đưa con xuống BV Chấn thương chỉnh hình sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhưng chi phí ở đó rất cao, tôi không thể xoay tiền nổi, đành cắn răng nhìn thằng út bị cơn đau hành hạ”, bà Đông nói.

Giọt nước mắt “héo mòn” của người mẹ quyết tìm lại sự sống cho con - 3

Không khuất phục, bà Đông dành thời gian tìm hiểu chữa bệnh cho con theo phương pháp Đông y. Bà chuyển Nghĩa vào BV Y học Dân tộc và xin ở nội trú. Bà kể, để có tiền điều trị cho con, bà chỉ ăn mì tôm. Bữa nào đói lả người, bà mới bỏ ra chục nghìn mua cơm trắng về ăn.

Nhờ sự chăm sóc ân cần của người mẹ già, Nghĩa khỏe hơn rất nhiều. Lúc này, bác sĩ đề nghị bà Đông đưa anh xuống BV Chấn thương chỉnh hình cắt gân chân để can thiệp những bài tập khó hơn.

Bà Đông nghẹn ngào: “Trước khi mổ, tôi hi vọng đôi chân của thằng út có thể lành lặn. Ngờ đâu, phẫu thuật xong, nó không thể đứng lên được, đụng một cái là rỉ máu. Bữa đó, tôi khóc đến lịm người, không còn chút sức nào để bước tiếp”.

Giọt nước mắt “héo mòn” của người mẹ quyết tìm lại sự sống cho con - 4

 “Tôi sẽ chiến đầu cùng con đến hơi thở cuối cùng…”

Nhìn lại quãng thời gian dài “ôm” con chạy khắp các viện, bà Đông đã khóc: “6 năm qua, mẹ con tôi xem bệnh viện là nhà. Tôi cũng không nhớ, bao lâu  rồi chưa được ăn một bữa cơm đoàn viên. Có những đêm, tôi giật mình tỉnh giấc nghĩ tới con mà buồn tủi. Giá như, ngày ấy, thằng út không bị tai nạn, nó đã đi làm, được tự do bay nhảy trên chính đôi chân của  mình”.

6 năm con trai tàn tật, bà Đông làm đủ mọi việc để có tiền trang trải cuộc sống. Bà cho hay, trước kia, bà đi dọn dẹp nhà cho người ta, mỗi lần được khoảng 40 nghìn đồng. Giờ, sức khỏe yếu dần, bà không thể làm những việc đó. Do vậy, bà chuyển qua đan len, móc khăn bán. Thi thoảng, bà giặt đồ, bóp chân tay thuê giúp các bệnh nhân trong viện. Tuy nhiên, số tiền ít ỏi kiếm được không đủ để trả tiền giường bệnh cho Nghĩa. Bởi vậy, bà phải chắt chiu, tiết kiệm từng nghìn đồng tiền lẻ.

“Vài tháng nay, mẹ con tôi được một nhà thờ cho cơm từ thiện vào bữa trưa. Hôm nào đói quá, tôi sẽ ăn hết phần cơm. Mọi khi, tôi chỉ dám ăn một nửa, nửa còn lại dành đến bữa tối. Chỉ như vậy, tôi đã tiết kiệm được khoảng 12 nghìn đồng/ngày”, bà Đông nói.

Từ một ca bệnh tưởng chừng rơi vào vô vọng, khả năng phải sống đời thực vật, vậy mà, giờ Nghĩa đã nói và di chuyển được. Các bác sĩ tại BV đã gọi đó là một phép màu diệu kì xuất phát từ tình yêu vô bờ bến của người mẹ.

Giọt nước mắt “héo mòn” của người mẹ quyết tìm lại sự sống cho con - 5

Nhắc tới câu chuyện sau này, bà Đông hướng ánh mắt buồn về phía cậu con trai đang nằm trên chiếc xe lăn và nói: “Tôi sẽ chiến đấu cùng con đến hơi thở cuối cùng. Chỉ cần thằng út còn sống, tôi sẽ làm tất cả để nó được quay lại với cuộc sống thường ngày. Dù có chuyện gì xảy ra, tôi vẫn luôn ở bên cạnh cùng nó vượt qua khó khăn. Tôi tin rằng, mọi nỗ lực của tôi và con sẽ được chúa cứu giúp”.

Dẫu có ra sao, người mẹ già ấy vẫn sẽ đưa đôi bàn tay gầy guộc, sạm đen nắm lấy tay cậu con trai liệt nửa người dìu những bước đi, miệng a…a dạy con nói từng chữ khó khăn. Có lẽ, trên thế gian này, không ai có thể lấy đi được tình yêu của bà Đông dành cho cậu con trai.

Tường Anh, Ảnh: Thục Quyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự