Nhọc nhằn tuổi xế chiều mùa ốc chân nơm

Ngày 10/05/2015 14:00 PM (GMT+7)

Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn nhiều nhưng đến mùa ốc chân nơm các cụ già quê ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) lại cùng nhau đi bắt để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Những “thân cò” tuổi xế chiều ấy phải lặn lội, mò mẫm cả ngày dưới những bãi bồi với bao nỗi lo rình rập sức khỏe và cả tính mạng.

Dầm mình dưới sông mong có tiền

13 giờ trưa, dưới dòng sông Trường Giang có hàng chục người đội chiếc nón lá lụp xụp mò mẫm lượm ốc chân nơm. Đây là loài thân dài nhọn một đầu, được dùng để chế biến món ăn và làm vôi. Cứ đến mùa nước cạn, ốc chân nơm sinh sản, phơi lộ ra trên bãi bồi thu hút rất đông người đi bắt. Đa số họ là các cụ già trên 70 tuổi nhưng vẫn miệt mài mưu sinh. 

Nhọc nhằn tuổi xế chiều mùa ốc chân nơm - 1

Con ốc chân nơm được mua với 5 ngàn đồng/kg

Mặc cho cái nắng trưa gay gắt xồng xộc hắt vào mặt, chúng tội lội bùn tiến về bãi bồi giữa sông để tìm hiểu. Cụ Phan Thị Nhệ (72 tuổi, quê xã Tam Hải) đang dầm mình dưới sông lấy chiếc cào kéo đất vào rổ 7-8 lần rồi đứng dậy sàng cho đổ đất. Thấy chúng nhìn tò mò, cụ nói: “Mắt già nay đã kém, không có ở trên bãi bồi mà lượm từng con được nên phải xuống dưới nước cào cho nhanh. Mình cào mấy lượt cho lẫn đất với ốc vào rổ rồi sàng lại dưới nước cho đất rớt hết đi chỉ còn lại ốc to thì lấy.”

Cụ Nhệ cho biết thêm, làm nghề lượm ốc đã được hơn 30 năm, chính dòng sông đã giúp cụ nuôi được gia đình mình trong những lúc khó khăn, đói kém. Chồng cụ tuổi cao lại đang mắc bệnh lao phổi, các con lấy vợ lấy chồng xa nên ít về thăm. Mỗi mùa nước cạn có ốc chân nơm thì cụ đi lượm về bán mua thuốc, đong gạo hai vợ chồng nuôi nhau, còn những ngày thường thì đi chặt củi bán.

Nhọc nhằn tuổi xế chiều mùa ốc chân nơm - 2

Dụng cụ để bắt ốc chân nơm là chiếc cào nhỏ tự chế và thùng, bao để đựng

Cách đó không xa, cụ Nguyễn Thị Mùng (70 tuổi, quê xã Tam Giang) cũng lặng lẽ dầm mình dưới nước cào đất vào rổ rồi sàng. Sau khi sàng xong, ốc được bao nhiêu trên rổ thì đi vào bờ đổ vào bao. Chúng tôi quan sát, mỗi lần cào rồi sàng ra không được bao nhiêu, vì cào đất để sàng mong được ốc lẫn vào nên may mắn thì được nắm tay, không thì bỏ phải làm lại. Cụ Mùng lấy vạt áo lau giọt mồ hồi trên trán, tâm sự: “Ngày nào may mắn thì già cào được hơn 5kg. Mỗi kg ốc chân nơm thu mua 5 ngàn đồng, bán ra cũng được khoảng 25-30 ngàn để mua cá mắm. Nếu chẳng may được ít thì đủ tiền đò về, coi như mất công nửa ngày".

Ngoài cụ Nhệ và cụ Mùng, dưới dòng sông chúng tôi quan sát thấy nhiều cụ già cũng đang mò mẫm, dầm mình trong cái lạnh để cào ốc chân nơm. Còn ở trên các bãi bồi nước đã cạn khô, nhiều “thân cò” lầm lũi lựa nhặt nhạnh ốc trong con mắt nhíu mày vì nhìn kém của tuổi xế chiều. Đa số các cụ già chọn bắt ốc chân nơm trên bãi vì tuổi đã cao, sức khỏe lại không chịu được cái lạnh khi dầm mình dưới nước liên tục. Ốc được chọn mua là loại to nên trên bãi phải mò mẫm lựa, nếu không sẽ được trả lại.

Nhọc nhằn tuổi xế chiều mùa ốc chân nơm - 3

Sau khi dầm mình dưới sôn, cụ Mùng lên bờ sàng, lượm ốc to để bán

Cụ Trần Thị Xa (75 tuổi, quê xã Tam Giang) cho biết: “Nhớ khi còn trẻ, già thường bắt loài móng tay, sìa, hàu để lo bữa ăn gia đình và bán nhưng giờ các loài đó không còn bao nhiêu, khó bắt. Thấy loài ốc chân nơm đang được mua nên già đi bắt bán phụ thêm lon gạo đắp đổi qua bữa. Sức khỏe giờ yếu đi nhiều, ngồi tí lại đau lưng, mắt kém nên mò mẫm nhìn cho kĩ không nhanh tay được nhưng đi bắt được chừng nào hay chừng đó, bởi đi mới có đồng tiền để lo miếng ăn.”

Cụ Xa nhíu mày, lê từng đoạn trên bãi bồi, mắt mò mẫm từng con ốc chân nơm, nắm được con nào thì lại đưa ra xa quan sát to thì mới bỏ vào thau do mắt kém. Hơn 2 tiếng đồng hồ, cụ bắt được nửa rổ tre, chúng tôi nhẩm đoán cũng được hơn 2kg, được 10 ngàn đồng.

Hơn 30 năm theo nghề bắt ốc, cụ Xa tâm sự, số tiền bắt ốc tuy không thấm thoát bao nhiêu, chỉ vài chục ngàn trong ngày nhưng giúp lo được miếng ăn đã là một niềm may mắn vì không dựa vào con cháu.

Nhọc nhằn tuổi xế chiều mùa ốc chân nơm - 4

Các cụ già không thể ra sông dầm mình cào ốc thì mò mẫm trên bãi nhặt nhạnh

Nguy hiểm rình rập tuổi già

Do ốc chân nơm bắt theo cơn nước, có khi bắt ban ngày hoặc ban đêm, lại mò mẫm dưới bùn, dòng sông nên hiểm nguy luôn rình rập. Đã có những cái chết do bất cẩn vì con ốc chân nơm với những cụ già làm nghề này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây không lâu, cụ bà tên Hùng hơn 70 tuổi, quê thôn 4, xã Tam Giang đi bắt ốc chân nơm ban đêm, chẳng may bị trượt chân sụp hố chết do mắt kém, quan sát không rõ. Mọi người trong chuyến đi không thấy cụ đâu chia nhau tìm kiếm mới đau lòng phát hiện. Một trường hợp nữa là cụ Nguyễn Thị Hồng, thôn 1, xã Tam Hải cũng vì dầm mình dưới nước sông lâu, đói bụng khiến mệt mỏi, trúng gió rồi mất cách đây hơn một tháng.

Nhọc nhằn tuổi xế chiều mùa ốc chân nơm - 5

Mỗi buổi bắt ốc chân nơm cho thu nhập khoảng 30-40 ngàn, tuy số tiền không lớn nhưng rất nhiều cụ già đi bắt vì mưu sinh

Để bắt được con ốc chân nơm, các cụ già ở đây đều phải lội bùn và mò mẫm dưới nước liên tục nên chân tay tím tái, tê cóng vì lạnh. Ngồi gập người liên tục nên thường đau đầu, đau lưng, đau khớp chân. Do con ốc chân nơm có hình nhọn nên ai cũng thường xuyên bị đâm vào tay chảy máu, bị hàu hay các vật nhọn trôi nổi dưới sông cắt vào chân…

Dẫu biết biết ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nhưng với niềm mong mỏi kiếm thêm đồng tiền lo cuộc sống hằng ngày mà khi tuổi đã ngả về chiều, các cụ vẫn cố gắng mưu sinh.

Văn Luận
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot