TP HCM: Xuất hiện bệnh thủy đậu tại hai trường học

Ngày 23/09/2015 06:00 AM (GMT+7)

Thuỷ đậu vốn là một bệnh nhẹ nhưng nếu không được phát hiện sớm, không được chăm sóc chu đáo, không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ nặng, và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng (Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP HCM) cho biết, trong tuần vừa qua xuất hiện hai chùm ca thủy đậu bùng phát tại các trường học. Chùm ca bệnh thủy đậu đầu tiên bùng phát tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (Phường Hiệp Thành, quận 12) với 19 học sinh mắc bệnh tại 8 lớp. Chùm ca bệnh thứ hai xuất hiện tại trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) với 4 học sinh mắc thủy đậu.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng đã phối hợp với y tế địa phương tại hai trường này điều tra dịch tễ, vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường học. Số học sinh nhiễm bệnh được cho tạm nghỉ học, cách ly, điều trị, hạn chế nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng.

Bác sĩ cho hay, nhận biết bệnh thủy đậu dựa vào một số đặc điểm như bệnh khởi phát đột ngột, sốt nhẹ. Sau đó xuất hiện ban phỏng nước, không có mủ, nếu không bị nhiễm khuẩn. Ban mọc không tuần tự nên trên một vùng da ban mọc thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng từ 3 - 4 ngày.

Bệnh thủy đậu diễn tiến thường lành tính, bệnh rất hay lây, 90% người nhạy cảm có thể bị lây bệnh sau khi tiếp xúc. Bệnh thủy đậu xảy ra ở khắp nơi, bệnh có khả năng gây thành đại dịch. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Phụ nữ có thai trong những tháng đầu của thai kỳ nếu mắc thuỷ đậu có thể gây dị dạng bào thai; nếu trước sinh một tuần lễ người mẹ bị thủy đậu, trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong.

Thủy đậu vốn là một bệnh nhẹ nhưng nếu không được phát hiện sớm, không được chăm sóc chu đáo, không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ nặng, và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng tại các nốt đậu, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm gan, viêm não. Những đối tượng nguy cơ cao với biến chứng: trẻ sơ sinh, người lớn, phụ nữ có thai, người bị suy giảm hệ thống miễn dịch (ung thư, HIV/AIDS, suy tủy…)

Khi phát hiện trẻ bị bệnh cần cách ly tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch, cắt móng tay trẻ. Áo quần, khăn mặt... người bệnh cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng, ủi. Phụ nữ mang thai không được thăm nom hay chăm sóc người bệnh.

TP HCM: Xuất hiện bệnh thủy đậu tại hai trường học - 1

Khi bị thủy đậu tuyệt đối không làm vỡ các nốt phỏng nước

Phụ huynh tuyệt đối không làm vỡ các nốt bỏng nước, khi tắm cần phải rất nhẹ nhàng. Khi có bỏng nước bị vỡ cần bôi xanh Methylene để sát khuẩn. Ngoài ra cũng cần chú ý vệ sinh răng miệng, thường xuyên súc miệng bằng nước sát trùng, trong trường hợp trẻ không ăn được cần đi khám để được tư vấn. Khi có nhiều phỏng nước vỡ hoặc có dấu hiệu bất thường, cần cho trẻ đi bệnh viện để được điều trị đề phòng nhiễm khuẩn, nhiễm độc và biến chứng nguy hiểm.

Hiện tại, trên địa bàn TP HCM, ngoài thủy đậu, sốt xuất huyết và tay chân miệng đang là hai căn bệnh có diễn biến phức tạp, số người mắc bệnh tăng lên theo từng ngày. 

Diệu Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự