Axit amin đóng vai trò quan trọng với dinh dưỡng cho mẹ và bé

Ngày 16/08/2019 16:00 PM (GMT+7)

Ngày 12/8, tại TP. Đà Nẵng, Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị khoa học chuyên ngành Sản phụ khoa và Nhi khoa, cập nhật kiến thức trong lĩnh vực sản – nhi, trong đó có chủ đề dinh dưỡng axit amin cho mẹ và bé với những kiến thức mới về sử dụng glutamate dưới dạng bột ngọt.

Cập nhật vai trò mới của glutamate

Dưới sự chủ trì của GS. TS. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế cùng hơn 400 đại biểu là các lãnh đạo, cán bộ thuộc mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của Bộ Y tế trên toàn quốc đến từ các Sở Y tế, các Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng từ các bệnh viện sản – nhi trên toàn quốc, Hội nghị cung cấp nhiều kiến thức khoa học lâm sàng và ứng dụng quan trọng trong lĩnh vực sản phụ khoa và nhi khoa.

Một trong những chủ đề của hội nghị được nhiều đại biểu quan tâm là Dinh dưỡng axit amin cho mẹ và bé do PGS. TS. Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia trình bày. Phần trình bày đã cập nhật ứng dụng của một số axit amin điển hình như cystein, theanine, glutamine và glutamate dưới dạng bột ngọt trong dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

Axit amin đóng vai trò quan trọng với dinh dưỡng cho mẹ và bé - 1

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, PGS. TS. Lê Bạch Mai trình bày về dinh dưỡng axit amin cho mẹ và bé tại Hội nghị.

Cysteine và theanine khi được sử dụng kết hợp có thể giúp tăng cường chức năng miễn dịch và đề kháng của trẻ em. Một axit amin khác là glutamine cũng hỗ trợ cải thiện chức năng miễn dịch, đặc biệt ở trẻ em mắc các bệnh lý về máu như bệnh bạch cầu.

Axit amin đóng vai trò quan trọng với dinh dưỡng cho mẹ và bé - 2

Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 400 đại biểu là các lãnh đạo, cán bộ thuộc mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của Bộ Y tế trên toàn quốc.

Về việc sử dụng glutamate dưới dạng bột ngọt, bài trình bày của PGS. TS. Lê Bạch Mai cho thấy, không chỉ có khả năng mang lại vị umami – vị ngon hay vị ngọt thịt cho món ăn, những nghiên cứu khoa học cho thấy bột ngọt có những vai trò sinh lý dinh dưỡng quan trọng khác như hỗ trợ tăng tiết nước bọt, dịch vị từ đó hỗ trợ quá trình tiêu hóa thực phẩm tốt hơn; đồng thời, bằng cách kết hợp muối ăn và bột ngọt với một liều lượng hợp lý sẽ giúp duy trì vị ngon cho chế độ ăn giảm muối.

Glutamate giúp duy trì chế độ ăn giảm muối

Nghiên cứu của Yamaguchi năm 1984 cho thấy khi sử dụng kết hợp muối và bột ngọt ở liều lượng hợp lý, có thể giảm tới 50% lượng muối và 31,5% lượng natri ăn vào đồng thời vẫn giữ nguyên mức độ chấp nhận vị và vị ngon tổng thể của thực phẩm.

Cách thức giảm tiêu thụ muối bằng cách sử dụng kết hợp muối và bột ngọt này hiện nay đã được nhiều cơ quan y tế và sức khỏe trên thế giới đề cập như một giải pháp hiệu quả và thiết thực. Tại Mỹ, từ năm 2010, Ủy ban Chiến lược Giảm tiêu thụ muối thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ đã khuyến nghị việc sử dụng bột ngọt trong chế độ ăn giảm muối. Tại Việt Nam, “Hướng dẫn điều trị dinh dưỡng lâm sàng” của Bộ Y tế năm 2015 cũng đã đưa ra hướng dẫn việc sử dụng bột ngọt để tăng vị ngon của những thực phẩm ít muối và hỗ trợ duy trì chế độ ăn tốt cho sức khỏe này. Chế độ ăn giảm muối đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ phù, tăng huyết áp v.v ở phụ nữ mang thai cũng như duy trì một thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ và phòng ngừa nhiều bệnh mãn tính trong tương lai.

Bột ngọt là một gia vị có lịch sử lâu đời, được phát minh ra vào năm 1908 bởi một giáo sư người Nhật Bản là TS. Kikunae Ikeda, đưa đến sự ra đời của sản phẩm bột ngọt đầu tiên trên thế giới là bột ngọt AJI-NO-MOTO của Tập đoàn Ajinomoto vào năm 1909, với ước vọng là cải thiện dinh dưỡng cho người dân Nhật Bản lúc bấy giờ thông qua những món ăn ngon.

Chuyển hóa glutamate (bột ngọt) ở trẻ em

Không chỉ được các tổ chức chuyên sâu về y tế và sức khỏe trên thế giới như Ủy ban các Chuyên gia về Phụ gia thực phẩm của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (JECFA), Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm của Mỹ, Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung Châu Âu, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản kết luận là một phụ gia thực phẩm an toàn với liều dùng hàng ngày không xác định, các thông tin khoa học về quá trình chuyển hóa bột ngọt trong cơ thể người lớn và trẻ em cũng đã được PGS. TS Lê Bạch Mai chia sẻ.

Axit amin đóng vai trò quan trọng với dinh dưỡng cho mẹ và bé - 3

Glutamate tồn tại phổ biến ở nhiều loại thực phẩm trong tự nhiên và đặc biệt dồi dào trong sữa mẹ.

Theo đó, ngoài bột ngọt, glutamate còn tồn tại trong các thực phẩm như thịt, hải sản, rau củ quả, sữa và các sản phẩm từ sữa v.v. Cơ thể người không phân biệt các nguồn glutamate này và chuyển hóa như nhau, đồng thời cơ thể trẻ em có thể chuyển hóa glutamate tương tự như người trưởng thành. Glutamate từ bột ngọt hay thực phẩm không ảnh hưởng đến chức năng và hoạt động của não bộ nhờ các cơ chế kiểm soát chặt chẽ tại ruột (ruột chuyển hóa glutamate như nguồn năng lượng) và não (nhờ cơ chế hàng rào máu – não). Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú sử dụng bột ngọt không ảnh hưởng đến bào thai và trẻ bú mẹ.

Như vậy, các axit amin như cysteine, theanine, glutamine và glutamate dưới dạng bột ngọt có nhiều ứng dụng trong hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Báo cáo trên giúp các bác sĩ, cán bộ y tế và chuyên gia dinh dưỡng có thêm cơ sở để vận dụng các axit amin một cách phù hợp trong các chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

Nguồn: [Tên nguồn].