Bác sĩ tư vấn: Lựa chọn thực phẩm và chế biến bữa ăn dặm cho trẻ

Ngày 28/12/2018 18:00 PM (GMT+7)

Bài viết theo chuyên môn của BS Đào Thị Yến Thủy – Trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Quốc Tế Hạnh Phúc.

Khi trẻ bắt đầu tập ăn dặm, hãy lựa chọn một số thức ăn đầu tiên:

- Chuối hoặc đu đủ, xoài chín mềm nạo bằng muỗng thật nhuyễn

- Một miếng khoai lang hoặc khoai tây nhỏ nấu chín mềm, tán nhuyễn trộn với vài muỗng sữa (đã pha nước) mà bé đang bú.

- Một muỗng bột ăn liền của trẻ em pha loãng với nước chín, ấm hoặc sữa.

- Vài muỗng nước cơm chắt ra hòa với sữa.

- Tán nhuyễn vài muỗng bí đỏ, bí xanh từ nồi canh gia đình, lưu ý chỉ nêm ít nước mắm

- Vài muỗng tàu hũ nước dừa…

Bác sĩ tư vấn: Lựa chọn thực phẩm và chế biến bữa ăn dặm cho trẻ - 1

Ảnh minh họa

Tập cho bé ăn dặm như thế nào?

- Lựa một trong các món trên cho bé nếm thử từng chút một. Nếu bé chịu ăn có thể tăng dần lên từ 1-3 muỗng nhỏ. Nên tập lúc bụng đói, ngay sau ăn vẫn cho bú bình thường cho đủ no.

- Bé cần 3-5 ngày để làm quen với một loại thức ăn mới.

- Khi bé đã quen với một loại thức ăn này, hãy cho bé nếm loại mới với cách như trên. Dần dần bé đã quen với nhiều mùi vị, độ đặc khác nhau của thức ăn.

- Nên tập từ ít đến nhiều, từ loãng đến sệt rồi đặc hơn… để bé dần dần thích nghi hơn.

Bữa ăn dặm như thế nào là đủ chất?

Có đến 50-60 chất dinh dưỡng khác nhau trong thiên nhiên, được phân loại ra thành 4 nhóm dinh dưỡng chính:

- Chất bột đường: bao gồm bột, gạo, bún, mì, nui, bánh phở… là những chất cung cấp năng lượng và chất đường cần thiết.

- Chất béo: là dầu ăn, mỡ động vật, bơ…, cung cấp năng lượng ở dạng đậm đặc nhất, giúp cho da tốt và cung cấp các vitamin tan trong dầu mỡ, phát triển tế bào não và hệ thần kinh trẻ.

- Chất đạm: là thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu hũ… để xây dựng cơ thể và tổng hợp kháng thể bảo vệ cơ thể.

- Rau và trái cây: Cung cấp các vitamin và chất khoáng giúp điều hòa các hoạt động trong cơ thể, đặc biệt giàu chất xơ chống táo bón và các bệnh lý khác.

Bác sĩ tư vấn: Lựa chọn thực phẩm và chế biến bữa ăn dặm cho trẻ - 2

Trong chén bột hoặc cháo, cơm của trẻ phải có đủ 4 nhóm chất này thì mới đủ chất dinh dưỡng. Bé phải được cho ăn cả phần cái (phần xác) của thực phẩm thì mới nhận được đủ các chất dinh dưỡng, còn phần nước hầm xương, nước luộc thịt, nước rau… thì hầu như không có chất dinh dưỡng, nhưng có vị ngọt như gia vị để thay đổi khẩu vị. Mẹ hãy thay đổi món thường xuyên cho bé trong từng bữa ăn, bé được ăn đa dạng thực phẩm sẽ không bị ngán và không sợ thiếu các vi chất dinh dưỡng.

Cách chế biến bữa ăn dặm cho trẻ

Trẻ nhỏ không có đủ răng để nhai, cắn, nghiền nát, hệ tiêu hóa còn yếu kém, vì vậy mẹ cần cắt nhỏ, băm nhuyễn, nấu chín mềm thức ăn cho trẻ nuốt được và tiêu hóa hấp thu được.

Với thịt, cá, tôm, cua, … cắt lát mỏng rồi băm nhỏ, cho thịt cá đã băm vào chén có ít nước sạch, dùng muỗng tán tan thịt cá sống trong nước, sau đó cho vào nồi nấu chín (hoặc hòa chung nửa chén cháo đặc nấu sẵn rồi nấu chín), dùng muỗng khuấy liên tục, nước sôi thịt sẽ chín và bong tơi ra không bị vón cục. Thịt chín cho lá rau băm nhỏ vào, nước sôi lại một chút là rau chín, sau đó cho ra chén sạch, để nguội một chút rồi cho bột vào khuấy chín, cho dầu ăn và 1-2 giọt nước mắm cho trẻ em vào cuối cùng, trộn đều lên là trẻ có thể ăn được ngay.

Ở trẻ trên 1 tuổi, có thể tập ăn bún, nui, phở, … có thể thêm ít nước mắm cho trẻ em để thức ăn được thơm ngon và tăng cường dinh dưỡng, gia tăng thêm chất đạm. Trẻ trên 2 tuổi có thể ăn cơm với thức ăn của gia đình.

Do hệ tiêu hoá của trẻ còn non yếu và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện trong những năm đầu đời, vì vậy mẹ nên lưu ý khi chọn thực phẩm cho con nên chọn những sản phẩm tự nhiên hoặc được sản xuất dành riêng cho bé, giúp con phát triển một cách khoẻ mạnh trong những năm đầu đời, làm nền tảng sức khoẻ thể chất và trí não của con sau này.

Bác sĩ tư vấn: Lựa chọn thực phẩm và chế biến bữa ăn dặm cho trẻ - 3

Nguồn: [Tên nguồn].