Giúp mẹ đối phó với chứng rối loạn tiêu hoá nhẹ ở trẻ nhỏ

Ngày 28/12/2015 14:00 PM (GMT+7)

Không nên căng thẳng khi con gặp phải các vấn đề rối loạn tiêu hoá nhẹ.

Một nghiên cứu mới đây tiến hành khảo sát trên 100 bà mẹ có con nhỏ trong độ tuổi từ 0 đến 5 tuổi ở 4 thành phố lớn tại Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ), cho thấy có tới 93% các bà mẹ nhận thấy trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có những triệu chứng rối loạn tiêu hóa thông thường vào những năm đầu đời.

Mặc dù đa số các trẻ sẽ vượt qua được các vấn đề đó theo quá trình phát triển, tuy nhiên các bà mẹ cũng cần có những giải pháp tức thời, giúp bé phòng ngừa hoặc giải quyết các vấn đề tiêu hóa càng sớm càng tốt. Sau đây là một số lời khuyên cho mẹ:

Không nên căng thẳng khi con gặp phải các vấn đề rối loạn tiêu hoá nhẹ

Giúp mẹ đối phó với chứng rối loạn tiêu hoá nhẹ ở trẻ nhỏ - 1

Thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra bé có xu hướng bắt chước tâm trạng căng thẳng của bố mẹ, qua việc nhịp tim bé tăng lên khi rơi vào trạng thái căng thẳng. Tâm trạng của mẹ càng căng thẳng, tâm trạng của bé cũng phản ứng lại tương ứng. (Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này bắt nguồn từ việc bé bị tác động bởi giọng nói, mùi cơ thể, và biểu lộ nét mặt của bố mẹ, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi tâm trạng căng thẳng). Do đó, việc mẹ mất bình tĩnh càng khiến tâm lý của bé căng thẳng, có thể khiến tình trạng của bé không tốt hơn.

Thay vào đó, mẹ có thể thay đổi một số thói quen trong khi ăn của trẻ, giúp trẻ tập trung ăn uống và tiêu hoá tốt hơn. Bố mẹ cần loại bỏ càng nhiều sự xao lãng càng tốt trong khi cho bé ăn – không điện thoại thông minh, máy tính bảng hay TV. Hãy chọn một không gian yên tĩnh, thoải mái, thư giãn và tập trung cho bé. Tận hưởng những giây phút ấm áp giữa mẹ và bé.

Và trên hết, mẹ hãy nhớ rằng dù mẹ có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa, rối loạn tiêu hóa nhẹ ở trẻ vẫn sẽ có thể xảy ra do hệ tiêu hóa còn khá non nớt của trẻ. Hãy tới bác sĩ kiểm tra thường xuyên để nhận được lời khuyên đảm bảo nhất. Bác sĩ sẽ giúp tư vấn các lựa chọn dinh dưỡng phù hợp, dựa trên sự phát triển và các triệu chứng của bé.

Cung cấp cho bé một chế độ dinh dưỡng phù hợp

Để bảo vệ hệ tiêu hóa non nớt của trẻ luôn cần giữ vệ sinh cho bé, rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc, cho trẻ bú và sau khi thay tã vệ sinh cho trẻ. Các dụng cụ dùng cho trẻ như: thìa, cốc, bình sữa,… phải được nấu sôi trong nước sạch 10 phút để tiệt trùng.

Cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt. 3 ngày sau khi sinh, mức độ vi khuẩn đường ruột của trẻ sẽ phát triển cao, trong đó có nhiều vi khuẩn gây hại. Trong khi đó, sữa mẹ chứa các lợi khuẩn như Bifidus, B. lactis aerogenes, B. acidofilus và các loại men beta lactoza,… rất tốt cho sự phát triển của các vi khuẩn đường ruột có lợi và ức chế Ecoli, một loại vi khuẩn gây nên tình trạng nhiễm trùng sơ sinh chiếm tỉ lệ khá cao khoảng 80% các trường hợp.

Tuy nhiên, trong các giai đoạn phát triển về sau, hoặc trong trường hợp mẹ không thể cho bé dùng sữa mẹ hoặc mẹ cần bổ sung các sản phẩm dinh dưỡng cho bé vì những lý do khác, mẹ cần lưu ý lựa chọn loại sữa cho bé phù hợp. Với trẻ có hệ tiêu hóa nhạy cảm mẹ nên chọn dòng sữa có chứa thành phần đạm whey: casein phù hợp và được thủy phân một phần, cùng với hàm lượng lactose được loại bớt vừa đủ giúp cơ thể trẻ hấp thu hiệu quả hơn. Đặc biệt, mẹ có thể lựa chọn loại sữa bổ sung thêm hàm lượng DHA theo khuyến nghị của FAO/WHO để giúp bé phát triển trí não tốt hơn.

Giúp mẹ đối phó với chứng rối loạn tiêu hoá nhẹ ở trẻ nhỏ - 2

Một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh đóng vai trò rất lớn không chỉ cho sự phát triển thể chất, tạo ra năng lượng hoạt động cho cơ thể mà còn ảnh hưởng đến khả năng tư duy và ghi nhớ của não bộ. Vì vậy, mẹ cần có những giải pháp giúp hỗ trợ hệ tiêu hoá non nớt của bé, giúp bé tiêu hoá và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn cho một sự phát triển toàn diện sau này.

Hoàng Hải.
Nguồn: [Tên nguồn].