Cập nhật COVID-19 ngày 3/4: Chuyên gia Mỹ nói SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua nói chuyện, hơi thở

Ngày 03/04/2020 14:30 PM (GMT+7)

Chuyên gia Mỹ cho biết virus corona chủng mới có thể lây lan qua khí dung giao sinh học (bioaerosol) được tạo ra từ hơi thở của người bệnh.

Chuyên gia Mỹ cảnh báo SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua nói chuyện hoặc hơi thở

Theo CNN, Tiến sĩ Harvey Fineberg, chủ tịch Ủy ban Thường trực về Các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia đã gửi một lá thư tới Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ tại Nhà Trắng, trong đó nói rằng nghiên cứu cho thấy virus corona chủng mới có thể lây lan không chỉ khi người bệnh hắt hơi hoặc ho, mà còn có thể lây thông qua nói chuyện hoặc thậm chí chỉ cần thở.

Cập nhật COVID-19 ngày 3/4: Chuyên gia Mỹ nói SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua nói chuyện, hơi thở - 1

Ảnh minh họa.

Chuyên gia này cho hay những nghiên cứu hiện tại cho thấy chủng virus corona mới này có thể lây lan qua khí dung giao sinh học (bioaerosol) được tạo ra từ hơi thở của người bệnh. Trong lá thư, ông có giải thích rõ rằng nghiên cứu tại một bệnh viện ở Trung Quốc cho thấy virus có thể lơ lửng trong không khí khi các bác sĩ và y tá tháo đồ bảo hộ, hoặc khi sàn nhà được làm sạch hoặc khi nhân viên di chuyển xung quanh.

Tuy nhiên, thời gian tồn tại của virus SARS-CoV-2 trong không khí phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm số lượng virus mà một người nhiễm bệnh phát ra khi thở hoặc nói chuyện, và cả lượng virus lưu thông trong không khí. Tiến sỹ Fineberg cũng khẳng định virus SARS-CoV-2 không lây nhiễm như bệnh sởi hoặc bệnh lao.

Phát hiện mới về sự lây nhiễm virus SARS CoV -2 từ người sang người

Tiền Phong đưa tin, người dương tính với virus SARS - CoV -2 bài tiết “hàm lượng lớn” virus SARS - CoV -2 ở tuần nhiễm đầu tiên. Điều đó có nghĩa là người mắc COVID-19 có nguy cơ làm lây sang người khác trong vòng tám ngày đầu tiên.

Cập nhật COVID-19 ngày 3/4: Chuyên gia Mỹ nói SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua nói chuyện, hơi thở - 2

Một bệnh nhân ở Jerusalem, Israel, tử vong ngày 1/4 vì coronavirus (nguồn: YONATAN SINDEL/FLASH90)

Kết luận này được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu chín người Anh ở tuổi thanh niên và trung niên mắc triệu chứng COVID-19 tương đối nhẹ và làm lây sang người khác. Mẫu bệnh phẩm của mỗi bệnh nhân được lấy từ nhiều nơi trên cơ thể họ như họng, phổi, đờm (nước nhầy trong phế quản), phân, máu, và nước tiểu.

Trong số các vị trí lấy mẫu, mũi và họng có hàm lượng virus cao nhất trong tuần đầu tiên của người có triệu chứng nhiễm bệnh. Đến ngày thứ tám của triệu chứng, lượng virus vẫn rất lớn, có nghĩa là bệnh nhân vẫn có khả năng lây cho người lành vào ngày này.

Hai trong số bệnh nhân được nghiên cứu tiến triển nặng với triệu chứng viêm phổi thì duy trì hàm lượng virus cao đến tận ngày thứ 10 và 11. Từ đó, các nhà khoa học băn khoăn liệu trong những ngày cuối cùng dài đằng đẵng ấy họ có thể tiếp tục làm lây virus sang người khác hay không.

Để móng tay dài hay làm nail trong mùa dịch COVID-19 sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh

Theo Báo Giao thông, trong cuộc phỏng vấn với Insider, Tiến sĩ Neha Pathak, biên tập viên thuộc WebMD, một bác sĩ nội khoa và y học lối sống cho hay móng tay có thể chứa vi trùng nhưng vì hiện tại các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 nên chưa thể kết luận được chủng virus này sẽ tồn tại trên móng và da trong bao lâu.

Cập nhật COVID-19 ngày 3/4: Chuyên gia Mỹ nói SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua nói chuyện, hơi thở - 3

Ảnh minh họa

Điều đó có nghĩa là, móng tay chắc chắn có khả năng chứa vi trùng và chúng có thể góp phần làm lây lan các loại virus. Bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người nên cắt móng tay thường xuyên với độ dài không vượt quá khỏi đầu ngón tay. 

Pathak cũng khuyên mọi người nên tẩy sơn móng tay đã bị hư hỏng đi, bởi: “Sơn móng tay bị sứt mẻ, hư hỏng cũng cho phép virus ẩn náu bên trong các vết nứt và kẽ hở, vậy nên cần dành sự chú ý đặc biệt tới những khu vực đó và tẩy hết sơn móng tay nếu đã bị hư hỏng là điều quan trọng không kém”.

WHO tái cảnh báo trẻ em cũng có nguy cơ mắc COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhắc lại lời cảnh báo đưa ra trước đó rằng trẻ em cũng có thể bị mắc bệnh COVID-19 vốn đã cướp đi sinh mạng của một số người trẻ tuổi.

"Ý kiến cho rằng COVID-19 chỉ ảnh hưởng đến người cao tuổi là hoàn toàn sai lầm", người đứng đầu văn phòng WHO tại châu Âu, ông Hans Kluge nói trong buổi họp báo trực tuyến ngày 2.4, theo AFP.

Các trường hợp mắc COVID-19 nặng đã được ghi nhận ở thanh thiếu niên, với một số trường hợp cần được chăm sóc đặc biệt và một số ca tử vong, ông Kluge nói.

Khoảng 10-15% bệnh nhân dưới 50 tuổi mắc COVID-19 ở mức độ từ trung bình đến nghiêm trọng, theo WHO.

Hỏi-đáp về COVID-19 (P4): Người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh có thể tái nhiễm không?
Căn bệnh COVID-19 còn mới mẻ nên có không ít những vấn đề mà nhiều người thắc mắc. Một trong số đó là việc liệu người đã khỏi bệnh sau khi mắc...
Hoàng Dương (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19