Cập nhật COVID-19 ngày 6/4: Vì sao Việt Nam phát hiện rất ít số ca dương tính trong cộng đồng?

Ngày 06/04/2020 10:51 AM (GMT+7)

Tại Việt Nam, đến thời điểm này, trong tổng số 88.555 mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm mới phát hiện 245 ca dương tính với SARS-CoV-2 (Covid-19).

Vì sao Việt Nam phát hiện rất ít số ca dương tính trong cộng đồng?

Lý giải vì sao số ca mắc của Việt Nam liên tục giảm trong 2 ngày gần đây (từ ngày 5 đến 18h30 ngày 6/4, chỉ phát hiện 5 ca dương tính). Đặc biệt, trong các mẫu xét nghiệm thì số ca dương tính được phát hiện trong cộng đồng rất ít (tổng số mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm trong cộng đồng bằng kỹ thuật PCR ở Hà Nội là 8.886 mẫu, chưa có mẫu nào dương tính với SARS-CoV-2 (Covid-19), PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, bước đầu các ca mắc mới giảm vì Việt Nam đã tập trung giám sát các ca bệnh nhập cảnh. Đến nay, số người nhập cảnh đã giảm hẳn và số ca mắc được ghi nhận trong nhóm này cũng giảm.

Tuy nhiên, PGS. Trần Đắc Phu cho biết, hiện giờ vẫn chưa thể đánh giá được tình hình. Các ca trong cộng đồng bây giờ mới là mối cần quan tâm. Vì thế, cần phải xem diễn biến dịch bệnh trong cộng đồng như thế nào. Bởi thời gian qua, đã có một số ca trong cộng đồng đáng lo ngại như trường hợp bệnh nhân số 237, người Thụy Điển có tiếp xúc với rất nhiều người tại nhiều địa phương.

Cũng theo PGS. Trần Đắc Phu, trong thời gian quyết định này, số ca mắc trong cộng đồng đã giảm, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, vẫn phải giữ vững tinh thần "chống dịch như chống giặc". Người dân phải ý thức được tình hình, thực hiện giãn cách xã hội.

“Giai đoạn này là quyết định. Nếu không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như ở các nước khác. Do đó, cần sự tự giác, trách nhiệm của từng cá nhân, từng gia đình, từng cơ quan. Bởi lẽ, trong cộng đồng chúng ta đang không biết ai nhiễm bệnh, ai không. Nguy cơ mầm bệnh vẫn còn trong cộng đồng”, PGS. TS Trần Đắc Phu lo ngại.

Nghiên cứu mới phát hiện virus corona chủng mới có thể tồn tại trên khẩu trang 1 tuần

Theo SCMP, nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet hôm thứ 2/4. Leo Poon Lit-man - người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Khoa Y tế cộng đồng cho biết họ đã phát hiện SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên giấy in và khăn giấy chưa đầy 3 giờ, trên gỗ và vải đã qua xử lý thì khoảng 2 ngày.

Cập nhật COVID-19 ngày 6/4: Vì sao Việt Nam phát hiện rất ít số ca dương tính trong cộng đồng? - 1

Leo Poon Lit-man - người đứng đầu nhóm nghiên cứu.

Trên kính và tiền giấy, virus vẫn có thể tồn tại tới ngày thứ 4, còn trên thép không gỉ và nhựa, nó vẫn xuất hiện trong khoảng 4-7 ngày. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết vẫn có một mức độ virus ở lớp ngoài của khẩu trang y tế sau 7 ngày.

"Đây là lý do tại sao khi đeo khẩu trang y tế, bạn không nên chạm vào mặt bên ngoài", Malik Peiris, nhà virus học lâm sàng - một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết. "Vì nếu chạm vào, bạn có thể khiến tay bị nhiễm virus và khi đưa tay lên mắt, mũi, miệng, bạn có thể truyền virus vào cơ thể."

Nghiên cứu cũng cho biết trên tất cả các bề mặt, nồng độ của virus giảm khá nhanh theo thời gian. Họ cũng phát hiện ra rằng các chất khử trùng thông thường trong gia đình, bao gồm cả thuốc tẩy cũng có hiệu quả trong việc tiêu diệt virus này.

Con hổ trong sở thú ở New York được phát hiện dương tính với COVID-19

CNN đưa tin Nadia, một con hổ tại sở thú Bronx ở New York, Mỹ đã dương tính với COVID-19. Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã cho biết con hổ cái 4 tuổi thuộc giống hổ Malaya đã xét nghiệm dương tính sau khi nó và 5 con hổ cùng một con sư tử khác có các triệu chứng của bệnh hô hấp. 

Cập nhật COVID-19 ngày 6/4: Vì sao Việt Nam phát hiện rất ít số ca dương tính trong cộng đồng? - 2

"Mặc dù chúng đã giảm cảm giác thèm ăn, nhưng những con hổ tại sở thú Bronx vẫn hoạt động tốt khi được chăm sóc thú y", đại diện sở thú cho hay. "Người ta không biết căn bệnh này sẽ phát triển như thế nào ở những con hổ vì các loài khác nhau có thể phản ứng khác nhau với các bệnh nhiễm trùng mới, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chúng chặt chẽ và dự đoán chúng sẽ hồi phục."

Được biết, con hổ đã bị nhiễm bệnh từ một nhân viên sở thú "mắc COVID-19 không triệu chứng" trong khi chăm sóc chúng. Sở thú Bronx sau đó đã đóng cửa kể từ ngày 16/3.

Chuyên gia phát hiện virus gây nên dịch COVID-19 tại Việt Nam đã biến đổi
Qua nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy virus SARS-CoV-2 gây nên đại dịch COVID-19 đã biến đổi so với virus ban đầu xuất hiện tại Vũ Hán.
Hoàng Dương (Dịch từ SCMP)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19