Câu chuyện bất ngờ phía sau những bức ảnh y tế ấn tượng nhất thập kỷ qua

Ngày 26/01/2020 00:14 AM (GMT+7)

Sau 1 thập kỷ, hai trang tin lớn là CNN và National Geographic đã lựa chọn ra những bức ảnh y tế ấn tượng nhất và ẩn sau mỗi bức hình là những câu chuyện đầy ý nghĩa.

Năm 2020, chúng ta đón chào một thập kỷ mới. Nhìn lại 10 năm qua, đã có rất nhiều những thay đổi trong cuộc sống từ các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và cả y tế.

Kết thúc một thập kỷ cũ, hãy cùng nhìn lại những bức ảnh y tế được các tạp chí lớn lựa chọn là hình ảnh ấn tượng nhất trong 10 năm qua.

CNN: Cable News Network 

Trong thập kỷ qua, CNN đã lựa chọn rất nhiều những hình ảnh đáng nhớ, trong đó có 2 bức hình về y tế gây ấn tượng nhất.

Bức ảnh em bé mắc Zika

Câu chuyện bất ngờ phía sau những bức ảnh y tế ấn tượng nhất thập kỷ qua - 1

Đây là Jose Wesley, một em bé sinh ra với chứng đầu nhỏ (microcephaly) chào đời vào tháng 1/2016 ở Bonito, Brazil. Microcephaly là một rối loạn thần kinh dẫn đến trẻ sơ sinh có đầu nhỏ và phát triển não bất thường. Một đợt bùng phát của virus Zika có liên quan đến sự gia tăng của các em bé bị dị tật bẩm sinh.

Trong thập kỷ qua, virus Zika đã khiến toàn bộ ngành y tế thế giới vô cùng hoang mang và phải chạy đua với thời gian để tìm hiểu về loại virus này.

Virus Zika là một loại bệnh nhiệt đới hiếm gặp, được đặt tên theo khu rừng Zika ở Uganda, nơi nó được phát hiện lần đầu tiên. Vào tháng 3/2015, Brazil đã báo cáo một đợt bùng phát lớn của bệnh phát ban, sớm được xác định là nhiễm virus Zika.

Vào tháng 10/2015, Brazil đã báo cáo về mối liên quan giữa virus Zika và hội chứng microcephaly. Sau đó, căn bệnh nhanh chóng bùng phát và sớm xuất hiện trên khắp Châu Mỹ, Châu Phi và các khu vực khác trên thế giới. Đến nay, tổng cộng 86 quốc gia và vùng lãnh thổ đều có bệnh nhân nhiễm Zika do muỗi truyền. 

Zika lây sang người qua vết cắn của muỗi cái nhiễm virus, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus. Chúng cùng loài với muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, chikungunya và sốt vàng da, theo Reuters.

Nhiễm virus Zika khi mang thai là một nguyên nhân của hội chứng microcephaly và các bất thường bẩm sinh khác ở thai nhi và trẻ sơ sinh đang phát triển. Nhiễm Zika trong thai kỳ cũng dẫn đến các biến chứng thai kỳ như thai chết lưu và sinh non.  

Nhiễm virus Zika cũng là tác nhân gây ra hội chứng Guillain-Barré, bệnh thần kinh và viêm tủy, đặc biệt ở người lớn và trẻ em.

Không có phương pháp điều trị nhiễm virus Zika hoặc các bệnh liên quan. Phụ nữ mang thai sống trong khu vực có người nhiễm virus Zika hoặc phát triển các triệu chứng nhiễm virus Zika nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế để kiểm tra.  

Cô gái phẫu thuật ghép mặt 

Câu chuyện bất ngờ phía sau những bức ảnh y tế ấn tượng nhất thập kỷ qua - 2

Katie Stubblefield chụp bức ảnh chân dung này vào tháng 11/2016 khi tới Phòng khám Cleveland để được ghép mặt. Cô gái trẻ đã tự bắn mình vào năm 2014 khi cô 18 tuổi vì khủng hoảng tâm lý và đối mặt với nhiều rối loạn cảm xúc. 

Việc tự sát ấy đã phát nát gương mặt của cô gái trẻ, hơn nữa còn gây tổn thương não, dây thần kinh thị giác và tuyến yên (làm rối loạn hormone và lượng muối trong cơ thể). 

Katie trở thành người trẻ nhất ở Mỹ được ghép mặt năm 21 tuổi. Ca phẫu thuật thử nghiệm dài 31 tiếng này được thực hiện năm 2017, với mục tiêu tái tạo cấu trúc gương mặt của Katie và các chức năng như nhai, thở và nuốt. Đó là lần đầu tiên trong y học bệnh nhân được ghép toàn bộ gương mặt từ người hiến tặng.

Ghép mặt toàn bộ và một phần là quy trình y học trong đó thay thế toàn bộ hoặc một phần gương mặt bằng các mô hiến tặng, gồm da, xương, dây thần kinh và mạch máu.

Cuộc phẫu thuật sẽ cấy ghép cho Katie phần da đầu, trán, mí mắt trên, mí mắt dưới, nhãn cầu, mũi, má, cằm trên, nửa cằm dưới, hàm răng, một phần dây thần kinh mặt, cơ và da - gần như thay thế toàn bộ mô mặt của Katie.

Qua trải nghiệm của chính mình, Katie hy vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức về tác hại lâu dài của tự tử và giá trị quý giá của cuộc sống.

National Geographic

Trong 10 năm qua, các nhiếp ảnh gia của trang National Geographic đã ghi lại được 21.613.329 hình ảnh nhưng sau 1 thập kỷ, chỉ có 15 bức ảnh được trang tin lựa chọn là ấn tượng nhất và chỉ có duy nhất 2 bức ảnh y tế được lọt vào danh sách. 

"Mặt nạ tử thần"

Câu chuyện bất ngờ phía sau những bức ảnh y tế ấn tượng nhất thập kỷ qua - 3

Tấm ảnh có vẻ ghê rợn này là một câu chuyện liên quan tới chính bức ảnh cô gái ghép mặt ở phía trên. Đây chính là hình ảnh gương mặt của người hiến tặng sẽ được ghép vào mặt của Katie Stubblefield. Bức ảnh được nhiếp ảnh gia Lynn Johnson chụp trong phòng phẫu thuật.

Hình ảnh ghi lại khoảnh khắc ngay sau khi các bác sĩ đã trải qua 16 giờ đồng hồ để thực hiện công đoạn gỡ bỏ khuôn mặt của người hiến tặng - Adrea Schneider, một phụ nữ 31 tuổi chết vì sốc ma túy ba ngày trước đó. Trong ảnh là khuôn mặt nằm trên khay phẫu thuật với đôi mắt trống rỗng, vô hồn và khuôn miệng mở. Phút chốc bức ảnh khiến người xem có cảm giác như đang nhìn vào một chiếc mặt nạ tử thần của thế kỷ 19.

Mặc dù trông có vẻ ghê rợn nhưng đó quả thực là một câu chuyện cảm động, giúp mọi người cảm nhận được tấm lòng vĩ đại với người đã hiến tặng khuôn mặt. Cô ra đi nhưng đã mang tới một cuộc sống mới cho người khác.

Cuộc phẫu thuật lịch sử đã đem đến cho Katie một cuộc sống mới, giúp cô thoát khỏi khủng hoảng, chứng minh sự tiến bộ vượt bậc về y học và nhắc nhở tất cả mọi người vè giá trị của cuộc sống.

Xác chết bất tử

Câu chuyện bất ngờ phía sau những bức ảnh y tế ấn tượng nhất thập kỷ qua - 4

Trong ảnh là xác chết đóng băng của Susan Christina Potter - một nhà hoạt động vì quyền lợi của người khuyết tật và là người hiến tặng cơ thể cho Dự án con người hữu hình (Visible Human Project -VHP). Năm 2000, Susan đăng ký tham gia VHP, bà là người thứ 3 tham gia dự án nhưng là người sống đầu tiên tự nguyện hiến cơ thể để trở thành “xác chết bất tử”.

Potter qua đời vào ngày 16/2/2015 - sau 15 năm cống hiến, ủng hộ cho giáo dục y tế. Cơ thể của Susan đã được đông cứng ở -26ºC, được cắt làm bốn phần vào ngày 9 tháng 3 năm 2017 và sau đó cắt thành 27.000 lát, sau đó được hồi sinh và số hóa lại với độ phân giải cao nhất để giảng dạy sinh viên y khoa.

Susan Potter đã cống hiến cơ thể mình cho khoa học, xác chết của bà đã trở thành bất tử, đánh dấu sự khởi đầu đáng kể của Dự án con người hữu hình cũng như sự phát triển một cách khoa học, nhân văn của y học giải phẫu.

6 trường hợp y tế kỳ lạ và cực hiếm năm 2019: Cậu nhỏ hóa thạch, máu trắng như mỡ
Dưới đây là 6 ca y tế kỳ lạ nhất năm 2019 được ghi nhận trong các tạp chí y học trên thế giới do Live Science tổng hợp lại.
Hoàng Dương (Nation
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác