Bệnh viện cho động vật quý ở Củ Chi

Ngày 24/06/2013 14:09 PM (GMT+7)

Hàng ngàn động vật hoang dã quý hiếm đã được Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi cứu sống, nuôi dưỡng và thả về với thiên nhiên.

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ chi (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP HCM) ra đời từ năm 2006 do Chi cục Kiểm lâm TP HCM quản lý và Wildlife At Risk (WAR-một tổ chức phi chính phủ) tài trợ hoạt động.

Những số phận bi đát

Tất cả các loài động vật thu giữ từ những vụ buôn bán trái phép đều được đưa về Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. Hiện tại, nơi đây đang cứu hộ trên 30 loài động vật với tổng cộng 116 cá thể, tất cả đều thuộc danh mục đặc biệt quý hiếm cần được bảo tồn.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn cứu hộ, ông Lê Xuân Lâm, đại diện WAR, chỉ con gấu chó trong khu vực bán hoang dã, nói: “Đây là một trường hợp đặc biệt được cứu hộ thành công. Trước đó, một người dân ở tỉnh Bình Dương nuôi 5 con gấu ngựa để lấy mật. Sau một thời gian nuôi nhốt, 1 con bị cụt 1 chân, con khác thì mù 1 mắt nên đã trao tặng cho trung tâm để cứu hộ. Theo ông Lâm, 2 con gấu này đã được cứu sống nhưng vẫn không thể thả về rừng vì chúng sẽ không tự kiếm được thức ăn hoặc bị các loài khác tiêu diệt. “Hiện 2 con gấu này chỉ để nuôi nhằm mục đích bảo tồn và giáo dục là chính” - ông Lâm nói.

Bệnh viện cho động vật quý ở Củ Chi - 1

Con gấu chó bị thương nặng đang được chăm sóc ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi

Trước đó, bà Trần Thị Ánh Nguyệt (ngụ huyện Củ Chi) cũng bàn giao Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi 1 con gấu chó nuôi từ năm 1999 nhưng đến nay chỉ được 25 kg. Khi mới nhận về, hàm dưới và chân trước của con gấu đã bị hoại tử, mù 2 mắt. “Chúng tôi phải phân công canh chừng con gấu, thậm chí không dám ngủ mới duy trì được cuộc sống cho nó” - anh Alý, nhân viên cứu hộ, cho biết.

Hầu hết các loài động vật được đưa về Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đều ở trong tình trạng nguy kịch, có nhiều trường hợp chết trên đường vận chuyển do bị người dân nhốt lâu ngày hoặc dính bẫy nên bị thương nặng. “Nếu không được giải cứu kịp thời thì hàng trăm cá thể động vật quý hiếm rất khó giữ tính mạng” - ông Lâm cho biết.

Trước đó, một hộ dân cũng trao tặng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi con vượn má vàng ở trong tình trạng kiệt sức, không tự vận động được do bị nuôi nhốt lâu ngày. “Nay con vượn má vàng đã trở lại bình thường, hiếu động, ham chạy nhảy và đặc biệt không còn sợ hãi như trước đây” - một thành viên trong đội cứu hộ kể.

Gian nan luyện bản năng sinh tồn

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi được xem như bệnh viện tổng hợp cho thú rừng với đủ các “khoa”. Khi mới đưa về, các loài động vật hoang dã sẽ sống cách ly, sau đó được khám bệnh và phân đến từng “khoa”. Thậm chí, có nhiều trường hợp phải “cấp cứu” và phẫu thuật để giữ tính mạng. Con don là một trong những loài động vật quý hiếm được Đội Kiểm lâm cơ động (Chi cục Kiểm lâm TP HCM) tịch thu trong một vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép. Khi mới đưa về, chân của con don bị phân hủy, buộc các bác sĩ thú y phải đưa vào khoa “cấp cứu” rồi tiến hành phẫu thuật cắt bớt phần chân bị hoại tử. Ngoài ra, trung tâm này còn có hàng chục cá thể khác cũng cụt chân, mờ mắt do bị con người nuôi nhốt và khai thác quá sức.

Bệnh viện cho động vật quý ở Củ Chi - 2

Các tình nguyện viên của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đang chăm sóc thú

Không chỉ dừng lại ở việc cứu sinh mạng cho những loài thú quý, các bác sĩ thú y còn luyện tập bản năng sinh tồn cho chúng và khu vực bán hoang dã thu nhỏ là nơi để các loài thú luyện tập. “Nếu chỉ cứu sống mà không tập cho chúng tái nhập cuộc sống hoang dã thì đó là thất bại. Vì vậy, ngoài việc cứu hộ, nuôi dưỡng, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là tạo cho thú tập quen dần cuộc sống hoang dã, để khi thả về tự nhiên chúng vẫn tồn tại được” - anh Alý nói.

Theo các nhân viên cứu hộ, những con thú được đưa đến đây từ nhiều vùng khác nhau nhưng có chung số phận là đều trải qua những ngày bị hành hạ, khai thác, rao bán... Mỗi con vật là một số phận, một câu chuyện bi đát. Một con gấu chó sau thời gian nuôi nhốt, bị người dân lấy hết mật và cắt đứt 1 bàn chân để ngâm rượu… Một số con vật khác thì bị cắt đuôi, nhổ hết lông, thậm chí gần chết thì chủ nuôi mới báo Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đến tiếp nhận. Thông thường, khi mới được giải cứu, chúng đều rất sợ con người, phải mất một thời gian dài chăm sóc mới trở nên thân thiện hơn.

Cuối năm 2009, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi tiếp nhận 1 con gấu chó trong tình trạng nguy kịch do bỏ ăn nhiều ngày. Các thành viên trong đội cứu hộ phải túc trực, ăn, ngủ gần con gấu để tiện theo dõi sức khỏe, có phương pháp cứu hộ hợp lý. Ngoài ra, hằng ngày phải thay nhau đưa con gấu ra vườn “thư giãn”. “Mất gần 1 năm, con gấu mới khỏe lại bình thường, gian nan vô cùng” - ông Lâm nhớ lại.

Tình yêu đặc biệt

Hầu hết thành viên trong đội cứu hộ mỗi khi thấy thú rừng bị thương hoặc chết, ai cũng đau lòng. Ngược lại, họ cảm thấy hạnh phúc khi tự tay cứu sống, trực tiếp thả các loài động vật hoang dã về với tự nhiên.

Nhiều nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi cho biết để theo được nghề chuyên chung sống với những cá thể “khác loài” này, đòi hỏi phải có một tình yêu thú đặc biệt. Ngoài ra, phải biết chấp nhận những chuyến đi đêm, không giờ giấc cố định và luôn ở trong tư thế sẵn sàng...

Theo Thành Đồng (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan