Bệnh viện sẽ được chia hạng như... khách sạn?

Ngày 14/01/2015 08:47 AM (GMT+7)

Các bệnh viện trên toàn quốc được phân theo năm hạng: hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV.

Ngày 13/1/2015, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo xin ý kiến Dự thảo Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, sẽ có mức giá thống nhất cho các hạng BV trong toàn quốc.

Chung một mức giá

Theo Dự thảo, các BV được phân theo năm hạng: hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, cho biết hiện nay, giá dịch vụ y tế của các bệnh viện cùng hạng ở các tỉnh, TP có sự khác nhau. Vì liên Bộ chỉ ban hành khung giá tối đa cho các dịch vụ y tế, còn cụ thể giá bao nhiêu do địa phương tự quyết định.

Cụ thể, đối với các dịch vụ được quy định trong Thông tư 04 có năm tỉnh phê duyệt mức thu dưới 70% của khung giá, 34 tỉnh phê duyệt mức thu từ 70% đến 80% và 24 tỉnh phê duyệt mức thu trên 80%. Đối với các dịch vụ được quy định trong thông tư số 03, hầu hết các tỉnh, thành phê duyệt mức 85% đến 100% khung giá.

“Vì thế dẫn đến nhiều đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến tại sao mức thanh toán trung bình cho một người bệnh có thẻ BHYT tại BV tỉnh A là 3,5 triệu đồng, trong khi BV tỉnh B chỉ có 1,7 triệu đồng” – ông Tuấn trình bày.

Ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, để khắc phục nghịch lý trên, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đã xây dựng mức giá theo các hạng BV đồng nhất trên toàn quốc. Về cơ cấu tính giá trước mắt vẫn tính trên cơ sở 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ như mức giá hiện nay gồm: tiền thuốc, máu, dịch truyền, vật tư; điện, nước, vệ sinh, thủ thuật, xử lý chất thải và cuối cùng là duy tu bảo dưỡng trang thiết bị.

Riêng giá ngày giường tính thêm chi phí phụ cấp thường trực 24/24 giờ và giá một số phẫu thuật, thủ thuật.

Bệnh viện sẽ được chia hạng như... khách sạn? - 1

Giá cả mỗi hạng BV chênh lệch khoảng 5% (BV hạng đặc biệt cao hơn BV hạng I khoảng 5%, hạng I cao hơn hạng II khoảng 5%) (Ảnh minh họa)

Theo ông Liên, giá cả mỗi hạng BV chênh lệch khoảng 5% (BV hạng đặc biệt cao hơn BV hạng I khoảng 5%, hạng I cao hơn hạng II khoảng 5%).

“Khi thông tư này được ban hành, sẽ có đơn vị, địa phương được điều chỉnh tăng giá khám chữa bệnh BHYT nhưng có đơn vị, địa phương phải điều chỉnh giảm giá khám chữa bệnh BHYT đang thực hiện. Chẳng hạn, các BV hạng đặc biệt và hạng I trực thuộc Bộ Y tế sẽ có mức giá điều chỉnh giảm từ bình quân khoảng 94,5% mức giá tối đa xuống còn bình quân khoảng 92% mức giá tối đa. Giá của các BV thuộc các tỉnh Cao Bằng, Đồng Nai, Sơn La, Đồng Tháp, Long An, Hòa Bình, Khánh Hòa...cũng sẽ phải giảm” – ông Liên nói.

Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh thống nhất giữa các hạng BV được xác định là bước đi quan trọng đột phát đảm bảo công bằng các BV cùng hạng. Trước đây chưa ban hành giá thống nhất chung toàn quốc nên có thể BV hạng II của tỉnh đẩy giá lên như BV hạng I của tỉnh khác, tạo ra sự không công bằng. Thực hiện một dịch vụ kỹ thuật cụ thể giữa BV khác nhau về bản chất dịch vụ vẫn như thế, nên không thể có chuyện vì làm ở BV A mà giá cao hơn, làm vở BV B giá lại thấp hơn” - ông Thảo lý giải.

Ông Thảo cũng cho rằng, việc thanh toán theo hạng BV sẽ tạo động lực để các cơ sở khám chữa bệnh phải tự nâng cao chất lượng của mình, đồng thời góp phần giảm quá tải BV tuyến trên.

Vẫn chưa công bằng với người bệnh

Tuy nhiên, ông Liên cho biết mức giá qui định tại thông tư này chỉ áp dụng cho đối tượng bệnh nhân có thẻ BHYT. 

Các bệnh nhân không có thẻ BHYT về nguyên tắc vẫn tiếp tục áp dụng mức giá thanh toán theo các quyết định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chính vì vậy nhiều ý kiến cho rằng dự thảo đưa ra quy định phân biệt giá dịch vụ giữa bệnh nhân có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là chưa phù hợp.

Đại diện Sở Y tế Quảng Trị, cho rằng thực trạng trên sẽ dẫn đến một cơ sở y tế có thể có ba loại giá dịch vụ gồm: Giá thanh toán BHYT, giá người bệnh không có thẻ BHYT, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Có nơi giá khám bệnh cho người có thẻ BHYT cao hơn giá khám chữa bệnh cho người không có thẻ BHYT, dẫn đến không khuyến khích người dân tham gia BHYT. Ngược lại có nơi giá khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT thấp hơn giám khám chữa bệnh cho người không có thẻ BHYT.

“Hai người bị bệnh như nhau, cùng hưởng dịch vụ như nhau nhưng giá lại khác nhau. Chưa nói đến mức giá BHYT cao hơn, hay thấp hơn người không có thẻ BHYT. Nhưng việc phân biệt giữa hai mức giá như vậy vô tình dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử, người bệnh sẽ không hài lòng” – vị này nhấn mạnh.

Đại diện Sở Y tế Bình Dương, thắc mắc tại sao chi phí phẫu thuật lấy thai lần đầu ở các BV các hạng khác nhau cùng là 1,5 triệu đồng nhưng giá phẫu thuật lấy thai lần thứ hai trở lên giá lại khác nhau ở mỗi BV. Chẳng hạn như, ở BV hạng đặc biệt là 1,55 triệu đồng thì ở BV hạng III là 1,318 triệu đồng và BV hạng IV là 1,24 triệu đồng. “Không biết dựa trên cơ sở nào mà ban dự thảo lại đưa ra mức chi phí phẫu thuật lần một giống nhau nhưng từ lần hai trở lên lại khác nhau”- vị này băn khoăn.

TS Nguyễn Công Hoàng, Phó Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho rằng, người dân không được hưởng gì so với thông tư trước, mà còn bị thiệt thòi hơn thông tư trước vì quy định vượt tuyến sẽ không được chi trả vài chục phần trăm như trước đây. 

Trong khi đó, BHYT giảm được những trường hợp chuyển tuyến không phải thanh toán tiến, giảm được chi phí, kết dư nhiều hơn. Bổ sung quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), cho rằng ở Pháp ở Pháp họ chỉ có hơn 3.000 loại dịch vụ, ở Đức cũng chỉ có từ 3.000 - 5.000 dịch vụ. Ở Việt Nam đang xây dựng 17.000 đến 18.000 dịch vụ y tế.

“Cứ chẻ như chúng ta có khi hơn 20.000 cũng chưa đủ. Tôi đề nghị có lẽ nên đơn giản thủ tục, không nên quá chi tiết bởi không có cái gì chi tiết được bằng thực tế, nếu chẻ ra chi tiết từng câu, từng chữ, từng tí một trong thông từ này thì cuối cùng lại không thực hiện được” - ông Quyết góp ý.

Ông Quyết cũng cho rằng, những BV chuyên khoa đầu ngành có nhiều dịch vụ đặc biệt, thậm chí ngang tầm khu vực và thế giới, thì toàn bộ trong thông tư này chưa đáp ứng được. Việc chênh lệch 5% giữa các hạng BV sẽ không khuyến khích và không có động lực để những dịch vụ kỹ thuật cao.

Ông Hoàng đề nghị giải pháp Bộ Y tế đứng ra chủ trì cùng với các cơ quan khác ban hành giá dịch vụ chung cho các hạng BV, trong đó cả đối tượng tham gia BHYT và không tham gia BHYT, để tránh việc UBND các tỉnh phê duyệt khung giá khác nhau, tránh tình trạng tỉnh này làm một kiểu, tỉnh kia làm một kiểu.

“Sở Y tế cũng mong Bộ Y tế đứng ra làm giúp để có hành lang để không phải họp nhiều, vì các BV suốt ngày phải họp để giải quyết khúc mắc với BHYT” - ông Hoàng bày tỏ.

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết thời gian qua, giá dịch vụ y tế mỗi địa phương quy định một mức khác nhau nên giá thanh toán của BHYT đối với các BV cùng hạng (cùng trình độ, cơ sở vật chất, kỹ thuật..) khác nhau. Ví dụ, giá BV hạng I ở Hà Nội, TP HCM khác BV hạng I tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ; BV tuyến tỉnh hạng II tại đồng bằng khác miền núi, thành TP. Điều này đã gây mất bình đẳng trong thanh toán chi phí khám chữa bênh BHYT.

Phương Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan