Bộ NN sẽ kiểm soát chặt rau quả Trung Quốc

Ngày 02/08/2014 11:43 AM (GMT+7)

Bộ NN&PTNT sẽ kiểm soát chặt chất lượng các loại rau, củ, quả nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi hàng loạt nông sản nhập từ nước này bị phát hiện nhiễm độc.

Sẽ sửa đổi quy định cho chặt hơn

Đây là thông điệp được ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm dịch chất lượng các loại nông sản thực vật nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định trong một cuộc họp mới đây với báo giới.

Cục Bảo vệ Thực vật dự kiến sẽ sửa đổi một số quy định trong Thông tư 13 về kiểm soát hàng hóa có nguồn gốc nông sản nhập khẩu. Cụ thể là nếu doanh nghiệp nhập khẩu có các lô hàng rau, củ, quả… nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải niêm phong hàng tại kho cảng, bến bãi để chờ kết quả kiểm tra mới được thông quan hoặc tái xuất.

Việc này nhằm đảm bảo các lô hàng rau, củ, quả…nhiễm độc không có cơ hội bị tuồn vào thị trường trong nước bởi theo quy định hiện hành thì trong khi chờ kết quả kiểm dịch của cơ quan chức năng, doanh nghiệp vẫn được quyền thông quan, hàng hóa được đưa ra thị trường tiêu thụ. Doanh nghiệp sẽ phải chịu các chi phí về kho cảng, bến bãi và bảo quản…

Thậm chí, ngoài biện pháp niêm phong chờ kết quả kiểm tra, Cục Bảo vệ Thực vật cũng đang xem xét tới các hình thức kiểm soát chặt chẽ hơn là dừng nhập khẩu. Ông Nguyễn Xuân Hồng cho hay: “Chúng tôi đang nghiên cứu để áp dụng biện pháp có thể dừng các hoạt động nhập khẩu rau, củ, quả…từ nước có nhiều sản phẩm vi phạm hoặc bắt buộc dừng đối với doanh nghiệp liên tục nhập khẩu nông sản không đảm bảo chất lượng”.

Bộ NN sẽ kiểm soát chặt rau quả Trung Quốc - 1

Bộ NN sẽ kiểm soát chặt rau quả Trung Quốc (Ảnh minh họa)

Nếu được xem xét áp dụng một cách hợp lý, hy vọng các biện pháp trên sẽ quản lý tốt hơn chất lượng các loại rau, củ, quả…nhập khẩu để người tiêu dùng yên tâm hơn với các bữa ăn hàng ngày.

Hiện tại, cơ quan kiểm dịch áp dụng tần suất lấy mẫu kiểm dịch với các lô hàng rau, củ, quả nhập khẩu là 10%. Nếu hàng bị phát hiện có vi phạm, các lô hàng của doanh nghiệp nhập sau đó sẽ bị kiểm tra tần suất 30% và nếu tiếp tục vi phạm thì phải tái xuất, đồng thời cơ quan chức năng sẽ thực hiện lệnh thu hồi và truy xuất những sản phẩm đã lưu thông vào thị trường nội địa.

Quy định này nhằm giảm thiểu tối đa những chi phí và thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp nhập khẩu chịu nhưng lại gây khó khăn trong trường hợp phải truy xuất những loại rau, củ, quả vi phạm đã được đưa ra thị trường bởi thời gian tiêu thụ của nông sản là rất ngắn.

Hàng loạt vụ rau, củ, quả Trung Quốc nhiễm độc

Đầu tháng 6 vừa qua, gần 300 tấn rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép đã được tiêu thụ hết, đứng đầu trong danh sách nhiễm độc là táo, cam và nho. Ngay sau đó, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có thông báo gửi Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc trả lời việc gần 300 tấn hoa quả nhiễm độc tuồn sang Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào.

Ngày 27.5, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra kho chứa hoa quả của Công ty TNHH dịch vụ EB tại khu công nghiệp Yên Nghĩa, Hà Đông đã phát hiện nhiều sản phẩm hoa quả đã thối hỏng, bị mốc xanh như Kiwi, nho Australia, cam vàng Mỹ… 

Trong khi đó, tại các cửa khẩu biên giới, Việt Nam đều có lực lượng chuyên môn phụ trách, kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng từ rau, củ quả đến thịt nhập khẩu nhưng lượng hàng hóa không đảm bảo chất lượng vẫn liên tục lọt lưới vào thị trường tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, hàng năm lượng nông sản nhập khẩu vào Việt Nam rất lớn, việc kiểm tra kiểm soát các loại hàng hóa có nguồn gốc từ thực vật đã tăng cường và chặt chẽ hơn. Tỷ lệ hàng hóa nông sản được cơ quan kiểm dịch phát hiện có dư lượng và dịch hại vẫn còn cao nhưng chủ yếu nằm trong ngưỡng an toàn cho phép. “Chỉ có 2% lượng hàng hóa nhiễm dư lượng vượt mức cho phép và chúng tôi đã cảnh báo cũng như áp dụng lệnh tăng tần suất kiểm tra đối với các lô hàng và doanh nghiệp vi phạm, bắt buộc chủ lô hàng phải tái xuất trở lại nơi nhập khẩu nếu hàng tiếp tục vi phạm”, ông Nguyễn Xuân Hồng nói.

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 Lạng Sơn – Bộ NN&PTNT cho biết, đang là mùa xuất khẩu các loại chuối xanh, thanh long và lạc của Việt Nam sang Trung Quốc. Tổng lượng nông sản Việt Nam xuất đi qua Lạng Sơn là 1.000 tấn/ngày. Nông sản nhập về là táo, lê, dưa vàng Trung Quốc, lượng khoảng 200-300 tấn/ngày.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot