Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin cho trẻ

Ngày 20/01/2014 09:53 AM (GMT+7)

Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin, hoãn tiêm vắc xin cho trẻ vừa được Bộ Y tế ban hành trong hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng.

Nhằm phát hiện các trường hợp bất thường cần lưu ý để quyết định cho trẻ tiêm chủng hay không tiêm chủng vắc xin, Bộ Y tế đã quy định rõ các trường hợp chống chỉ định và tạm hoãn tiêm chủng vắc xin cho trẻ.

Theo đó, nếu trẻ thuộc các trường hợp sau sẽ không có chỉ định tiêm vắc xin, nhằm tránh nguy cơ tử vong sau tiêm chủng:

- Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước như: sốt cao trên 390C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.

- Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, …).

-  Trẻ suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh) chống chỉ định tiêm chủng các loại vắc xin sống.

- Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin cho trẻ - 1

 Khám sàng lọc cho trẻ trước tiêm rất quan trọng

 Các trường hợp trẻ phải được hoãn tiêm chủng, lui lại thời gian tiêm gồm:

- Trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.

- Trẻ sốt ≥ 37,5OC hoặc hạ thân nhiệt  ≤ 35,5OC (đo nhiệt độ tại nách).

-  Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B.

-  Trẻ đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày.

-  Trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2000g.

- Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu cơ sở tiêm chủng phải thực hiện tốt công tác khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm theo các bước:  Hỏi tiền sử và các thông tin có liên quan; đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại; kết luận.

Thông tin khám sàng lọc cho trẻ phải được lưu lại cẩn thận. Đối với trẻ được khám sàng lọc tại bệnh viện: Trường hợp bệnh viện sử dụng bệnh án riêng cho trẻ sơ sinh toàn bộ nội dung khám sàng lọc (như bảng kiểm) và y lệnh chỉ định tiêm phải được ghi trong hồ sơ bệnh án. Trường hợp bệnh viện không sử dụng bệnh án riêng cho trẻ sơ sinh toàn bộ nội dung khám sàng lọc được ghi theo bảng kiểm. Bảng kiểm được lưu trong hồ sơ bệnh án. Thời gian lưu theo quy định lưu hồ sơ bệnh án.

Đối với trẻ được khám sàng lọc tại các điểm tiêm chủng khác (trừ bệnh viện), toàn bộ nội dung khám sàng lọc được ghi theo bảng kiểm. Lưu tại các điểm tiêm chủng, thời gian lưu là 15 ngày.

Liên quan đến trường hợp trẻ trẻ 2,5 tháng tuổi ở Đà Lạt, Lâm Đồng tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem mới đây, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo điều tra ban đầu nguyên nhân tử vong do chất lượng vắc xin, quy trình tiêm chủng và yếu tố sốc phản vệ sau tiêm đã được loại trừ. Có khả năng trẻ tử vong do bệnh trùng hợp ngẫu nhiên hoặc cơ địa phản ứng quá mẫn cảm với vắc xin. Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Lâm Đồng phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra và sớm công bố kết luận cuối cùng nguyên nhân tử vong của trường hợp này.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tử vong sau tiêm vắc xin