Cấp trùng thẻ BHYT: Siêu lãng phí!

Ngày 18/07/2013 08:36 AM (GMT+7)

43 tỉnh, thành vừa phát hiện gần 750.000 thẻ BHYT cấp trùng, hầu hết là những đối tượng thuộc diện chính sách.

Từ cuối năm 2012, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã có văn bản gửi BHXH các tỉnh, thành yêu cầu báo cáo về tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Đến nay, 43 tỉnh đã báo cáo phát hiện gần 750.000 thẻ BHYT cấp trùng. Trong đó, Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP HCM, Đồng Tháp, Lai Châu, Sơn La... là những địa phương có số thẻ cấp trùng nhiều nhất.

Do chồng chéo, công nghệ yếu (?!)

Ngày 16/7, ông Phạm Mai, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định, cho biết trong 3 năm (từ 2010-2012), tỉnh này đã cấp trùng thẻ BHYT cho hơn 17.600 trường hợp với tổng số tiền 3,5 tỉ đồng, phần lớn rơi vào nhóm đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Còn tại tỉnh Phú Yên, trong 2 năm qua cũng có gần 1.500 trường hợp cấp trùng thẻ với số tiền trên 600 triệu đồng. Tương tự, ông Phạm Ngọc Hà, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam, thống kê chỉ trong năm 2012, tỉnh này cấp trùng 7.000 thẻ BHYT, gây lãng phí khoảng 4 tỉ đồng. Trong khi đó, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp trùng 25.533 thẻ BHYT từ năm 2010-2012; trong đó, trên 17.800 người được cấp 2 thẻ, 539 người có 3 thẻ, 65 người có 4 thẻ và nhiều trường hợp được cấp tới 6 thẻ; gây lãng phí ngân sách nhà nước 8 tỉ đồng.

Cấp trùng thẻ BHYT: Siêu lãng phí! - 1

Khám chữa bệnh bằng BHYT tại Bệnh viện quận 3, TP HCM

Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, việc cấp trùng thẻ diễn ra từ nhiều năm nay. Đối tượng cấp trùng chủ yếu ở nhóm người nghèo, người có công với thân nhân sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, thân nhân công an. Do đó, có tình trạng 1 người có thể được cấp tới 3-4 thẻ vì vừa được phát thẻ người nghèo vừa được phát thẻ người có công, thân nhân sĩ quan quân đội vừa là đối tượng hội cựu chiến binh.

Đại diện BHXH Việt Nam nhận định nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do trong các quy định của luật, thông tư chưa quy đầu mối, trách nhiệm cho đơn vị, tổ chức lập danh sách người có thẻ BHYT. Chính vì thế, người nghèo, trẻ em do UBND xã lập danh sách; cựu chiến binh do hội cựu chiến binh lập; thân nhân sĩ quan quân đội lại theo hệ thống của tỉnh đội, huyện đội.

Danh sách lập ra không thống nhất từ một đầu mối nên không thể rà soát được các đối tượng. Mặt khác, khi cơ quan BHXH nhận được danh sách có đóng dấu, ký tên của một cơ quan tổ chức đã được luật và các văn bản hướng dẫn quy định thì phải cấp thẻ. Dĩ nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng có quy định rà soát lại thẻ BHYT nhưng do hạ tầng công nghệ thông tin của hệ thống BHXH Việt Nam chưa đáp ứng được vấn đề này nên không loại được hết thẻ trùng. Ngay trong quá trình phân loại, dù phát hiện thẻ trùng họ tên, ngày tháng năm sinh, thậm chí cùng quê quán, cũng chưa thể xác định 2 người là một nên không đủ cơ sở pháp lý để loại hẳn thẻ trùng.

Tiền tiêu hết, sao thu hồi?

Hiện các địa phương đang khá lúng túng trong xử lý việc cấp trùng thẻ BHYT. Ông Nguyễn Trúc Phương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, thừa nhận việc cấp trùng thẻ dẫn đến lãng phí ngân sách nhà nước ngoài trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn còn do lỗi của BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế. “Số tiền 8 tỉ đồng lãng phí do cấp trùng thẻ chúng tôi sẽ hoàn trả lại cho Sở Tài chính. Tuy nhiên, Chính phủ nên giao việc quản lý, cấp thẻ BHYT cho một đầu mối đồng thời, xây dựng phần mềm hiện đại có chức năng rà soát để phát hiện sự trùng lặp” - ông Phương cho biết.

BHXH TP Đà Nẵng cũng cho hay đang phối hợp với Sở Tài chính để rà soát lại những đối tượng cấp trùng thẻ. Theo ông Trương Toa, Trưởng Phòng Cấp sổ, thẻ BHXH TP Đà Nẵng, đề nghị cần xây dựng một hệ thống dữ liệu lưu trữ toàn bộ thông tin các đối tượng tham gia BHYT. Bên cạnh đó, còn đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương và cơ quan BHXH.

Theo đại diện BHXH Việt Nam, sau khi xác minh số thẻ cấp trùng, cơ quan này sẽ tiến hành thu hồi thẻ trùng và hoàn trả tiền về ngân sách nhà nước. Theo đúng quy định, thẻ nào có mã quyền lợi tốt nhất sẽ được giữ lại. Tuy nhiên, việc thu hồi rất khó khăn vì không phải ai cũng tự giác nộp. “Hiện BHXH đã phân bổ thẻ đăng ký ban đầu theo số lượng thẻ phát hành nên ở nhiều bệnh viện, thẻ trùng được phân bổ và tính vào quỹ cho các bệnh viện. Nếu bây giờ chuyển trả lại ngân sách sẽ phải hạch toán lại và Quỹ BHYT phải giảm trừ một khoản chi phí lớn, trong khi thực tế số tiền này đã bị tiêu hết” - đại diện cơ quan bảo hiểm giải thích.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, cho biết BHXH đang đề xuất phương án đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình với sự xác nhận của UBND trong dự thảo sửa đổi Luật BHYT. Tuy nhiên, phương án này cũng khó khắc phục hoàn hoàn toàn việc cấp trùng thẻ vì người dân vừa kê khai ở gia đình lại kê khai ở cả nơi làm việc.

Một bé gái được cấp 6 thẻ

Cháu N.T.T.K (ngụ xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được cấp tới 6 thẻ BHYT. Trường hợp này được đại diện BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế lý giải là do phía BHXH tỉnh nhận một lúc danh sách gồm 1.036 trẻ đề nghị được cấp thẻ BHYT, trong đó tên của cháu K. được lập thành 6 lần và nằm rải rác trong hàng trăm trang giấy nên cán bộ cấp thẻ không thể phát hiện (!).

Theo Ngọc Dung - Hồng Ánh - Quang Nhật - Bích Vân (Người Lao Động)
Nguồn:

Tin liên quan