Cây Di sản “bội thực” rồi chết sau khi được vinh danh

Ngày 17/05/2015 16:56 PM (GMT+7)

Được vinh danh Cây Di sản chưa được bao lâu, 2 "cụ cây” hàng trăm năm tuổi ở Thanh Hóa bỗng dưng “đổ bệnh” rồi chết trước sự tiếc nuối của người dân địa phương.

Đầu năm 2013, cây gạo gần 400 năm tuổi ở làng Cẩm Bào, xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) vinh dự được công nhận là Cây Di sản khiến người dân địa phương rất vui mừng vì cây gạo chính là niềm tự hào của người dân làng Cẩm Bào.

Theo các cụ cao niên trong làng, cây gạo gắn bó với người dân như máu thịt, trải qua hàng trăm năm với những khắc nghiệt của thời gian, đã từng chịu rất nhiều trận bom đạn dội xuống trong những năm tháng chiến tranh, cây vẫn sừng sững, tỏa bóng mát che chở xóm làng.

Cây Di sản “bội thực” rồi chết sau khi được vinh danh - 1

Cây gạo gần 400 năm tuổi ở làng Cẩm Bào chết sau khi được vinh danh Cây Di sản

Thế nhưng, đáng buồn thay sau khi được Hội Thiên nhiên và Bảo vệ môi trường Việt Nam cấp bằng công nhận là Cây Di sản, cây gạo bắt đầu có hiện tượng vàng lá, bong vỏ rồi chết dần trước sự ngỡ ngàng của người dân làng Cẩm Bào. Dù sau đó, người dân và chính quyền địa phương đã tìm đủ cách cứu “cụ cây” nhưng đã quá muộn.

Cây Di sản “bội thực” rồi chết sau khi được vinh danh - 2

Cây gạo ở làng Cẩm Bào cành lá xanh tốt lúc chưa được vinh danh. Ảnh tư liệu chụp lại

Theo một số cụ cao niên trong làng Cẩm Bào, nguyên nhân “cụ cây” chết có thể do khi đào đất làm tường rào bao quanh, người ta đã chặt vào rễ cây, làm rễ bị xót. Bên cạnh đó, khi chuẩn bị đón bằng công nhận Cây Di sản, “cụ cây” đã được chính quyền bón cho khoảng 4 tạ phân lân, nên có thể cây bị “bội thực”, dẫn đến chết dần…

Ông Lê Đình Thức, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nông Cống, cho biết việc cây gạo được vinh danh Cây Di sản huyện cũng biết, nhưng huyện không quản lý vì khi được vinh danh các đoàn họ về thẳng xã chứ không thông qua huyện. “Chúng tôi cũng có nhận được thông tin cây gạo đã chết, còn nguyên nhân thì chưa rõ vì cây gạo sống cạnh con sông Yên có nguồn nước ô nhiễm. Ngoài ra, khi được vinh danh, chính quyền địa phương đã cho quá nhiều phân lân xuống gốc” - ông Thức nói.

Cây gạo cổ thụ ở làng Cẩm Bào không phải là trường hợp duy nhất. Cũng chết sau khi được vinh danh Cây Di sản còn có một cây gạo khác trên 200 năm tuổi ở làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Cây Di sản “bội thực” rồi chết sau khi được vinh danh - 3

Cây gạo hơn 200 năm tuổi ở làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý cũng chịu chung số phận với cây gạo gần 400 năm tuổi sau khi được vinh danh

Sau khi về khảo sát đánh giá, ngành chức năng cho biết cây gạo này có chiều cao khoảng 40 đến 45 m, chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3 m là 7 m, tính ra đường kính 2,1 m và có độ tuổi trên 200 năm.

Nhưng cũng chịu chung số phận giống cây gạo ở làng Cẩm Bào, xã Vạn Hòa, vào tháng 4-2012, cây gạo được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng chứng nhận “Cây Di sản Việt Nam” thì đến đầu năm 2014, cây gạo bắt đầu có biểu hiện héo úa, thân và gốc cây bong vỏ và chết ngay sau đó không lâu.

Cho đến giờ, người dân làng Hổ Đàm cũng không rõ cây chết vì nguyên nhân gì, nhưng theo nhiều người dân có thể cây chết do sự can thiệp của con người khi đào xung quanh để xây thành bao rồi chăm bón không đúng khoa học.

Theo Tấn Minh (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot