Choáng váng vì giá gas tăng kỷ lục

Ngày 03/12/2013 09:20 AM (GMT+7)

Một bình gas 12kg đã tăng thêm 80.000 đồng lên tới gần 500.000 đồng, người dân lo lắng trong khi cơ quan nhà nước đánh giá rằng tăng giá gas lần này chỉ tác động ít tới CPI, còn chuyên gia kinh tế thì tỏ ra hoài nghi về sự minh bạch vì mức tăng giá quá lớn.

Phá vỡ mọi kỷ lục

Từ ngày 1/12, giá bán lẻ gas trong nước sẽ được điều chỉnh tăng từ 70.000 đồng/bình - 80.000 đồng/bình 12kg tùy theo từng nhãn hiệu. Nguyên nhân do giá gas CP (hợp đồng thế giới) trên thị trường thế giới đang chào bán ở mức trên 1.000 USD/tấn, tăng khoảng 200 USD/tấn so với hồi đầu tháng 11.

Kỷ lục tăng của giá gas trước đây từng được ghi nhận ở thời điểm tháng 3/2012 khi giá gas tăng thêm 52.000 đồng/bình 12 kg. Lúc này, giá gas thế giới tăng lên mức 1.205 USD/tấn.

Lần này, dù giá thế giới chỉ ở mức 1.162,5 USD/tấn nhưng giá gas trong nước lại tăng đến tận 80.000 đồng/bình 12 kg.

Tức là ở tháng 3/2013, giá gas thế giới dù cao hơn hiện tại tới 42,5 USD/thùng thì giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng trong nước cũng chỉ là 480.000 đồng/bình 12kg trong khi hiện tại là từ 485.000 – 490.000 đồng/kg (thấp hơn 5.000 đồng/bình – 10.000 đồng/bình).

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Mức tăng cao và mạnh 80.000 đồng/bình ở thời điểm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế, tạo tâm lý bất an đối với người tiêu dùng và cũng là một nhân tố tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI)”.

Ngoài ra, theo như phân tích ở trên, ông Ngô Trí Long cũng cho rằng, cơ quan quản lý chưa làm rõ được việc tăng giá gas trong nước có tương thích và phù hợp với sự biến động tăng của giá thế giới hay không. Điều này sẽ làm người tiêu dùng thiệt thòi.

Bà nội trợ phát hoảng

Choáng váng vì giá gas tăng kỷ lục - 1

Mỗi bình gas đã có giá tới gần 500.000 đồng

Như vậy, tính cả lần tăng giá kỷ lục này, kể từ tháng 5/2013 tới nay, giá gas liên tục tăng cao với 6 lần tăng mà chỉ có 1 lần giảm. Mức tăng lên tới khoảng 122.000 đồng/bình 12 kg và chỉ giảm 1 lần 8.000 đồng/bình vào tháng 10/2013.

Đối mặt với mức tăng tới 80.000 đồng/bình, hầu hết những ai được hỏi đều tỏ ra khá “sốc” trước khi phải bỏ thêm tới khoảng 17% mức tiền mua gas cho lần mua gas tới.

Chị Lương Thu Phương, trú tại Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội cho hay: “Nhà tôi vừa đổi gas được hai tháng, cùng lắm chỉ dùng được khoảng nửa tháng nữa là hết. Mấy tháng qua, giá gas đã tăng liên tục, tháng này lại tăng một phát nhiều như vậy, tôi lo quá, lương thưởng thì mấy năm nay không thấy tăng”.

Còn anh Ngô Văn Quang, chủ một quán cơm rang bình dân tại phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội thì cho hay, anh sẽ phải xem xét về việc tăng giá cơm rang, có thể mỗi xuất phải tăng thêm 2.000 đồng để bù lại.

Trong khi đó, khi đánh giá tác động của việc tăng giá gas lần này tới chỉ số giá tiêu dùng, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, gas là mặt hàng nằm trong nhóm vật liệu xây dựng, nhà ở, chất đốt và chỉ chiếm 10% trong nhóm này.

Ông Quyền cho rằng, việc tăng giá gas sẽ không ảnh hưởng lớn tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bởi nó sẽ chỉ chiếm khoảng 0,02 điểm phần trăm.

Trước hoài nghi của các chuyên gia về sự chưa minh bạch trong lần tăng giá gas này, ông Quyền cho rằng, thị trường gas trong nước vận hành theo cơ chế cạnh tranh và theo sự biến động của giá thế giới.

So với một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sữa thì gas được coi là mặt hàng cung cấp nhiều thông tin và thường xuyên hơn cả về giá, các doanh nghiệp cũng tự động giảm giá gas khi giá mặt hàng này trên thị trường thế giới có chiều hướng đi xuống.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý chỉ kiểm tra việc đăng ký giá của doanh nghiệp, chứ chưa công khai cơ cấu chi phí, các yếu tố cấu thành giá để thấy sự bất hợp lý của doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức chiết khấu của đại lý phân phối cho các cửa hàng bán lẻ ở mức 50.000 đồng/bình - 55.000 đồng/bình 12 kg hiện nay cũng là quá cao.

Mong giảm thuế

Hiệp hội Gas Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% như hiện tại xuống 0% để hỗ trợ người tiêu dùng. Nếu kiến nghị trên được chấp thuận thì giá bán lẻ gas có thể giảm tương ứng 17.000 đồng/bình 12 kg, kéo được mức tăng kỷ lục từ 80.000 đồng/bình xuống còn 63.000 đồng/bình, đỡ được phần nào gánh nặng cho người tiêu dùng.

Trước mắt, Bộ Công thương khá ủng hộ đề xuất của Hiệp hội Gas. Rõ ràng đây là một biện pháp nhanh chóng để kiềm chế giá nhưng các chuyên gia kinh tế cũng không khỏi lo ngại bởi về lâu dài, điều cần làm là minh bạch yếu tố cấu thành giá, áp dụng thống nhất một mức giá cho cùng một loại gas của cùng một thương nhân đầu mối nhập khẩu, kinh doanh gas theo như dự thảo sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh khí hóa lỏng đang được Bộ Công Thương soạn thảo.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giá xăng, giá gas