Chuyện về hai bà mẹ Việt - Mỹ mất con

Ngày 29/04/2017 16:00 PM (GMT+7)

Một bà mẹ Việt Nam anh hùng mất đi người con cả ở chiến trường Lao Bảo, Quảng Trị. Một bà mẹ Mỹ cũng mất đi người con trai nhất mực yêu thương của mình, một phi công 21 tuổi ở chiến trường Việt Nam. 26 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, họ mới có dịp ôm chặt lấy nhau đầy đồng cảm, sẻ chia…

Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Moan mà dân bản quen gọi là Giã Moan cũng bình thường như bất kỳ bà mẹ đồng bào dân tộc thiểu số nào trên đỉnh Trường Sơn như chúng tôi đã gặp. Hiền lành, già nua, nắng cũng như mưa, chỗ nằm co ro nơi góc nhà sàn xám ngắt. Ngoài kia là thị trấn biên ải Lao Bảo náo nhiệt, nhưng trong nếp nhà sàn gắn tên 58/7 Nguyễn Thị Minh Khai ở bản Khe Ðá của người Vân Kiều lặng lẽ dưới tán lá rừng. Ấn tượng mạnh nhất ở  mẹ là đôi vòng bạc trên đôi tay, to như ngón tay cái. “ Lúc có chồng, mẹ cho đấy”. Chúng tôi không biết tiếng Vân Kiều. Mẹ không biết tiếng Kinh. Người con trai Ăm Moan và con dâu Y Moan của mẹ phải làm phiên dịch. “ Mẹ nhớ bà mẹ người Mỹ không?”. 90 mùa rẫy đã đi qua đời mẹ, cái nắng hè cháy da ở chốn biên thùy Lao Bảo càng như kéo sát dáng ngồi của mẹ xuống sàn nứa, song nghe đến đây, mẹ bất ngờ ngẩng lên, đưa cao hai tay, gương mặt giãn ra...

Chuyện về hai bà mẹ Việt - Mỹ mất con - 1

 Bà Rae Cheney và mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Moan tại lễ khánh thành thư viện và trường mầm non Khe Ðá sáng 10/9/2010.

Ngày 10/9/2010, tại Trường mầm non Khe Ðá, thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị, tổ chức Peace Trees Viet Nam (Cây hòa bình Việt Nam, có trụ sở tại Mỹ) đã tổ chức khánh thành thư viện Mothers Peace, Trường mẫu giáo Daniel Cheney, tổng trị giá 38.000 USD do tổ chức này tài trợ. Người đồng sáng lập là bà Rae Cheney. Ý tưởng về Cây hòa bình Việt Nam nảy sinh trong bà Rae Cheney trước năm 1975 và được con gái bà là Jerilyn Brusseau chia sẻ với tinh thần bắc một nhịp cầu hòa bình giữa 2 nước Việt-Mỹ, để những vết thương tinh thần và hậu quả chiến tranh mãi là quá khứ. Nhưng, họ phải chờ đến tận 26 năm sau, khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, ý tưởng trên mới thực hiện được.

Chồng bà Jerilyn đã bay đến Wangshington DC đưa ý tưởng với Trưởng phái đoàn Việt Nam-Ðại sứ Lê Văn Bàng, và nhận được sự đồng ý. Tháng 1/1996, vợ chồng bà Jerilyn đến Quảng Trị bàn kế hoạch tài trợ tháo gỡ bom mìn và vật liệu nổ trên mảnh đất 6,5 ha gần Ðông Hà. Tháng 9/1996, ba cựu chuyên gia rà phá bom mìn từ Mỹ đã đến Quảng Trị làm việc. Tháng 11/1996, 43 tình nguyện viên quốc tế đến Quảng Trị để cùng trồng 2.000 cây trên mảnh đất vừa sạch bom mìn, với tên gọi Lâm viên Ðông Hà. Không dừng ở đó, nhiều dự án cũng đã được triển khai thành công tại Quảng Trị như: giáo dục phòng tránh bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn (LSA), phát triển cộng đồng, vốn vay tín dụng, trồng cây cải tạo môi trường và viếng thăm hữu nghị, xây dựng thư viện cộng đồng, trường mẫu giáo.

Chuyện về hai bà mẹ Việt - Mỹ mất con - 2

Rồi đến lượt bà Rae Cheney sang Việt Nam. Ấy là lúc 9 giờ sáng 10/9/2010, bà Rae Cheney và mẹ Hồ Thị Moan đã nghẹn ngào ôm lấy nhau trước sự xúc động của quan khách hai nước, nhưng có mấy người hiểu được vòng ôm ấy là kết tủa của một nỗi đau khổ khôn cùng. Mẹ Moan có con trai cả Hồ Văn Liêng đi bộ đội, hy sinh ở Lao Bảo năm 1969. Người con trai Danien Cheney của bà Rae Cheney, một phi công người Mỹ cũng đã mất tại chiến trường Việt Nam lúc mới 21 tuổi. Trong email gửi cho chúng tôi từ nước Mỹ, bà Rae Cheney viết: “...Nó đã được trực thăng chở xác về Tân Sơn Nhất. Ðối với tất cả người mẹ, việc mất đứa con như xé nát trái tim và niềm đau mãi còn. Khi tôi nhận được bức thư cảm ơn của Tổ chức Hoà bình Việt Nam , tôi biết mình phải đến Việt Nam. Nơi đó, con người chìm sâu vào đau thương và mất mát. Tôi nhận ra cảm giác của sự tha thứ, của hàn gắn trong tôi. Tôi trở nên mạnh mẽ và tin tưởng vào bản thân là cần biến đau thương thành hành động”.

Ðọc thư, chúng tôi hiểu bà đã đi qua những dặm dài của nỗi đau mất con và bằng sức mạnh không gọi tên được của người mẹ, bà đã bước thêm một bước nữa, đến với sự suy nghĩ rằng, chỉ có sự sẻ chia, tha thứ con người mới vượt qua được những rào cản của mọi hố ngăn cách. Bà viết tiếp: “Bà Moan và tôi đã ôm chặt nhau trong tình yêu và cảm thông. Tôi khó có thể tìm cách biểu đạt được tình cảm của mình. Liệu ai đó có thể biến giấc mơ thành sự tha thứ và có thể biến nó thành một thứ hữu hình để cả thế giới nhìn thấy? Tình bằng hữu của chúng ta sâu lắng và sẽ trường tồn. Trí nhớ của tôi và sự kiện này sẽ mãi là vật báu. Có lẽ hình ảnh chúng tôi ôm hôn nhau sẽ trở thành hình ảnh của hai đất nước chúng ta”.

 

Chuyện về hai bà mẹ Việt - Mỹ mất con - 3

2.000 cây xanh do Peace Trees Viet Nam trồng ở Lâm viên Ðông Hà, giờ đây sau 21 năm đã thành một rừng cây tươi tốt (chụp ngày 14/4/2017). Ản: H.Th.

Và như thế, thay vì ôm siết người con yêu dấu trong vòng tay khi chinh chiến tàn, sau bao nước mắt, hai trái tim của hai người mẹ cách nhau nửa vòng trái đất, cùng mất con, đã hoà một nhịp đập đồng cảm yêu thương, gửi đến mai sau một thông điệp mạnh hơn bom đạn và cái chết... Người mẹ Mỹ đó đã bước sang tuổi 90. Tôi nghĩ rằng, mai này về với Chúa, trong những gì bà mang theo sẽ có hình ảnh mẹ Moan gầy gò của mảnh đất đau thương này.

… Ðận 2011, một năm sau ngày khánh thành trường mẫu giáo và thư viện, chúng tôi trở lại Khe Ðá, lúc ngỏ lời xin mẹ ngồi gần ra cửa nhà sàn để chụp ảnh, thấy mẹ loay hoay khó khăn, chúng tôi thột mình như có luồng điện chạy qua khi nghe người nhà đỡ lời: “Mắt mẹ mờ đã hơn 10 năm rồi, có thấy chi mô!” Mẹ đưa đôi tay gầy gò, nhăn nheo ra hiệu, chỉ nói được một câu: “Nhớ, bà đó thương mẹ, cho mẹ một chiếc áo và ôm mẹ”... Và thật vui, sáng cùng Chủ tịch thị trấn Lao Bảo Nguyễn Hữu Dũng, 6 năm sau- 10/4/2017, chúng tôi trở lại miền biên ải Khe Ðá thăm mẹ Giã Moan, mẹ cười vui: “Mắt mẹ sáng được rồi, con dâu hiền Y Moan vừa đưa mẹ ra Hà nội chữa về đó!”.

Theo Hữu Thành - Thanh Duy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan