Cô giáo đưa chủ quyền biển đảo vào đề Văn

Ngày 15/05/2014 11:27 AM (GMT+7)

“Khi cả nước đều hướng về biển Đông, tôi nghĩ văn học không thể đứng ngoài”, đó là lời tâm sự của cô Trịnh Thu Tuyết – Giáo viên dạy văn trường THPT Chu Văn An.

Cô Tuyết là giáo viên ra đề văn lớp 12 cập nhật tình hình căng thẳng trên Biển Đông ngày 12/5 vừa qua.

Cô Tuyết chia sẻ, mỗi tuần cô đều ra một số dạng đề cho học sinh ôn luyện, chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH -  CĐ năm 2014. Đề bài ngày 12/5 vừa qua là đề số 5 trong hệ thống đề đọc hiểu mà cô Tuyết cung cấp cho học sinh trường THPT Chu Văn An và học trò các nơi trên trang face book cá nhân.

“Các bài nghị luận, tôi thường hướng tới những vấn đề thiết thực, gần gũi với học sinh. Cũng như báo chí cập nhật đầy đủ thông tin về Biển Đông nên tôi mong muốn đề Văn của mình phải mang tính thời sự. Không ngờ, cách ra đề của tôi lại được sự đồng tình của các em học sinh và sự quan tâm của dư luận xã hội”, cô Tuyết chia sẻ.

Cô giáo đưa chủ quyền biển đảo vào đề Văn - 1

Đề thi Văn đề cập tới chủ quyền biển đảo của học sinh lớp 12 trường THPT Chu Văn An (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trước đó, cô Tuyết có ý định ra đề văn về tình yêu, nhưng thấy lạc lõng nên thay đổi lại. Nội dung đề thi số 5: Từ đoạn trích trong bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến học sinh phải trả lời các câu hỏi: Anh/chị hiểu như thế nào về nhan đề "Tổ quốc nhìn từ biển", những góc nhìn mới về tổ quốc bên cạnh góc nhìn của tác giả bài thơ… Phần đọc hiểu yêu cầu học sinh viết bài luận khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ về chủ quyền dân tộc từ trích dẫn của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và, biển - đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay.”

“Thật ngạc nhiên, các em học sinh còn cập nhật cả những thông tin liên quan đến vấn đề Asean. Thông tin về việc người dân xuống đường phản đối Trung Quốc trái phép đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam. Hầu hết các em đều khẳng định ý thức tự hào dân tộc, khẳng định chủ quyền thiêng liêng và niềm khao khát hòa bình. Tuyệt đối không có sự hằn học kích động”, cô Tuyết cho biết. 

Cô giáo đưa chủ quyền biển đảo vào đề Văn - 2

Cô Trịnh Thu Tuyết – Giáo viên trường THPT Chu Văn An, người ra đề Văn về chủ quyền biển đảo đang được dư luận quan tâm.

Tiếp tục tâm sự về ý tưởng ra đề thi gắn liền với cuộc sống, cô Tuyết cho biết, sự lồng ghép chỉ có giá trị khi nó tự nhiên, chân thành. Những tình cảm, suy ngẫm của học trò cần định hướng và được tự các em tìm ra. “Cũng như đề thi Văn số 4 vừa qua, tôi ra đề đọc hiểu về bài thơ Vị tướng già của Anh Ngọc. Đề thi này giống như một nén tâm hương dâng Đại Tướng trong dịp kỉ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và được học sinh hoàn toàn hưởng ứng”, cô Tuyết nói.

Là giáo viên dạy văn lâu năm, cô Tuyết hoàn toàn đồng tình với việc đổi mới kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT. “Thay đổi này giúp học trò không thể học vẹt, học văn mẫu, phát huy tư duy độc lập sáng tạo. Rèn cho các em kĩ năng tư duy trong cuộc sống sau này. Khi đứng trước văn bản có thể là một dự án, báo cáo, kế hoạch... các em có khả năng hiểu, thâu tóm vấn đề, hoặc triển khai vấn đề..., không phụ thuộc vào sự định hướng mang tính áp đặt của người khác”, cô Tuyết nhận định.

T.N
Nguồn: [Tên nguồn]