Con tôi không nhất thiết phải học tiếng Nga, tiếng Trung chỉ vì lý do nhiều người biết

Ngày 21/09/2016 16:14 PM (GMT+7)

Đó là phản ứng của một vị phụ huynh trước đề án 2020 phổ cập tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Nhật trong chương trình phổ thông. Ý kiến của phụ huynh này đã nhận được hàng nghìn lượt ủng hộ của cộng đồng mạng.

Theo đó, Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Đề án Ngoại ngữ 2020) có mục tiêu chính nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Từ lộ trình này, song song với tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, và thí điểm dạy như ngoại ngữ thứ nhất.

Tuy nhiên, Đề án Ngoại ngữ 2020 nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó không ít phụ huynh phản đối kịch liệt.

Là một người mẹ có 2 con (10 tuổi và 6 tuổi) đang học cả trường công và bán công quốc tế tại Hà Nội, chị  An Xinh Trương không đồng tình với đề án này. "Con tôi không cần thiết phải học cái thứ tiếng chỉ vì lý do nhiều người biết. Nó phải được học cái thứ tiếng mà nhiều người giỏi trên khắp thế giới này có thể nói thành thạo. Thay vì chỉ có đối tác người Hoa, con tôi có thể có đối tác trên khắp thế giới. Nó có quyền lựa chọn", chị cho biết.

Con tôi không nhất thiết phải học tiếng Nga, tiếng Trung chỉ vì lý do nhiều người biết - 1

Chị An Xinh Trương nhấn mạnh 'Nếu các trường học ở Việt Nam đều dạy "thí điểm" tiếng Nga và tiếng Trung, tôi sẽ cho con nghỉ học hoặc du học".

Bài viết của chị mới đăng tải vài giờ nhưng đã nhận hàng nghìn lượt chia sẻ, đồng tình. Chúng tôi xin lược đăng nội dung bài viết như sau:

"Nếu trường con tôi học đăng ký "thí điểm" tiếng Nga và tiếng Trung, tôi sẽ cho con chuyển trường. Nếu các trường học ở Việt Nam đều dạy "thí điểm" tiếng Nga và tiếng Trung, tôi sẽ cho con nghỉ học hoặc du học!

Tôi không kỳ thị thứ tiếng nào cả. Nhưng tôi không chấp nhận con tôi trở thành vật thí nghiệm. Từ những năm 50-60 của thế kỷ trước ở miền Nam Việt Nam, tiếng Pháp và Tiếng Anh - hai thứ tiếng phổ biến nhất - đã được dạy trong các trường học như là ngôn ngữ chính. Ở bậc đại học rất nhiều trường 100% giáo trình là tiếng Anh. Tài liệu dạy học cũng là từ Pháp, Mỹ. Nơi người ta đã nghiên cứu chán chê rồi, sự ưu việt đã được chứng minh thực tế rồi, chỉ việc áp dụng. Thì bỏ.

Uh thì mông muội, rồi chiến tranh, rồi internet chưa có thôi thì những chính sách sai lầm sau đó đã qua chúng ta không nói lại. Nhưng giờ sao? Tấm gương Singapore, Hong Kong, Phillipines, Đài Loan đó? Thông tin đầy ra đó, ngân sách đi công tác nước ngoài để thực tế tình hình mỗi năm 1 tăng đó, dẫn tới kết quả gì?

Việt Nam sẵn sàng copy thế giới từ cái ốc vít, đến bộ quần áo, đến cái nhà, từ kiến trúc nội thất, tiêu dùng, đến khoa học kỹ thuật, không cái gì là không đi ăn cắp... Có nghĩ được ra cái gì? Nhưng lại thích tự nghĩ ra cách dạy cơ.

Có ý kiến cho rằng, hơn 1 tỷ người trên thế giới nói tiếng Trung (tính theo dân số), vì vậy tiếng Trung rất quan trọng. Thế nhưng hơn 1 tỷ người nói tiếng Trung đó thực chất là hơn 100 thứ tiếng địa phương khác nhau, có 12 loại tiếng Trung được sử dụng nhiều nhất và chính họ cũng ... không hiểu nhau.

Tiếng Quan Thoại được coi là thứ tiếng phổ thông chỉ chiếm khoảng 1/5 số người sử dụng, thậm chí cũng bị kỳ thị khi nói ở Quảng Đông - Quảng Châu. Ai đi Trung Quốc nhiều sẽ hiểu sự phức tạp của tiếng Trung Quốc. Mà giả sử hơn 1 tỷ người nói tiếng Trung đó có nói cùng 1 thứ tiếng sẽ được dạy cho học sinh Việt Nam thì bao nhiêu người trong số hơn 1 tỷ người đó là giáo sư, bác sĩ, doanh nhân, chuyên gia trong các lĩnh vực? Ngược lại, gần như tất cả các vị tôi kể trên ở khắp phần còn lại của thế giới đều có thể nói được tiếng Anh!

Con tôi không cần thiết phải học cái thứ tiếng chỉ vì lý do nhiều người biết. Nó phải được học cái thứ tiếng mà nhiều người giỏi trên khắp thế giới này có thể nói thành thạo. Thay vì chỉ có đối tác người Hoa, con tôi có thể có đối tác trên khắp thế giới. Nó có quyền lựa chọn. Bản thân những doanh nhân người Hoa đang làm việc ở khắp thế giới cũng đã và đang phải học tiếng Anh.

Hội chợ Canton Fair mỗi năm 2 lần ở Quảng Châu năm nào cũng thiếu nhân viên có khả năng nói tiếng Anh. Sinh viên ở đó buộc phải đi học tiếng Anh bên ngoài nếu muốn kiếm được việc làm thêm dễ dàng dù không được chính phủ hoan nghênh.

Chính phủ Trung Quốc không hoan nghênh việc học tiếng Anh nhưng đi họp ở đâu chính phủ cũng phải mang theo mấy người 100% giỏi tiếng Anh để phiên dịch.

Hồi lớp 6, tôi bị bắt buộc phải học tiếng Nga mặc dù trước đó đã mất 2 năm học tiếng Anh rồi. Các cô giáo trường tôi cấp tốc đi học tiếng Nga chừng 6 tháng đủ để dạy chúng tôi ét tơ Vô Va, ét tơ ma sa, xờ bát xờ pu che gì gì đó và đương nhiên, họ phát âm sai bét.

Lên lớp 7, chúng tôi lại học tiếng Anh. Một năm trong cuộc đời của 1 con người rất quý giá, vài lần thí nghiệm chuột bạch đã biến thành chuột cống tự bao giờ. Đầu óc những đứa trẻ như tờ giấy trắng viết rồi xoá rồi tẩy vài lần thành tờ giấy nháp ngay.

Bây giờ. Sẽ có bao nhiêu cô giáo cấp tốc đi học tiếng Trung và tiếng Nga vài tháng, rồi dạy lại học sinh kiến thức KÌ DIỆU của họ? Con tôi lại học mấy năm tiếng Trung và tiếng Nga xong rồi sẽ ra sao?

Tôi và nhiều bà mẹ khác, cho con đến trường để chúng có bạn chơi, có môi trường, có tập thể, có cơ hội tự xử lý các mối quan hệ xung quanh cho quen dần... Chứ không phải mục đích chính để học kiến thức truyền đạt. 

Ngừng ép những người giàu và người hiểu biết phải mang hết con ra nước ngoài, để ở lại chỉ toàn là người nghèo và người cam chịu".

Tào Nga (ghi)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h