COVID-19 10/11: Tiếp xúc với bệnh nhân F0, bác sĩ Trưởng khoa "trốn" khỏi nơi cách ly về nhà

H.A - Ngày 10/11/2021 12:14 PM (GMT+7)

Một bác sĩ trưởng khoa là F1 đang cách ly tại khu dành riêng cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) trốn cách ly đi về nhà.

8 diễn biến

Cà Mau: Một bác sĩ trưởng khoa là F1 trốn cách ly về nhà

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tạo - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) xác nhận, một F1 là bác sĩ trưởng khoa đang cách ly tại khu dành riêng cho nhân viên y tế tại bệnh viện trốn cách ly đi về nhà. 

Theo đó, trưa 8/11, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời tiếp nhận thông tin bác sĩ H.T.Q (48 tuổi, là Trưởng khoa Liên chuyên khoa của Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời là F1, đang cách ly tại khu vực cách ly dành riêng cho nhân viên y tế) trốn, tự ý rời bỏ khu cách ly.

Bệnh viện Đa khoa huyện Trần Văn Thời, nơi bác sĩ trưởng khoa trốn cách ly về nhà. Ảnh: CL

Bệnh viện Đa khoa huyện Trần Văn Thời, nơi bác sĩ trưởng khoa trốn cách ly về nhà. Ảnh: CL

Cụ thể, bác sĩ Q (cư trú tại khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời) là người chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân N.T.K (ngụ ấp Công Nghiệp B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) tại Khoa Liên chuyên khoa từ ngày 28/10 đến ngày 2/11. Sau đó, bệnh nhân N.T.K được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau điều trị. Tại đây, bệnh nhân T.T.K được xét nghiệm test nhanh và RT-PCR xác định mắc Covid-19 vào ngày 3/10.  

Qua quá trình truy vết, cơ quan chức năng xác định yếu tố nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19. Theo đó, bệnh viện xác định bác sĩ H.T.Q thuộc nhóm nguy cơ cao, nên ra quyết định cách ly bác sĩ Q cùng 7 nhân viên y tế khác của đơn vị từ ngày 3/11. 8 người này được cách ly tại khu cách ly của bệnh viện dành cho nhân viên y tế.

Tuy nhiên, đến khoảng 10h ngày 8/11, bác sĩ Q tự ý bỏ nơi cách ly tập trung về nhà không báo cho bộ phận nào biết.  

Sau đó, vụ việc được báo đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Trần Văn Thời và địa phương.

Cũng theo bác sĩ Tạo, trước mắt bác sĩ Q đang được cách ly tại nhà ở khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời. Vụ việc bác sĩ Q không chấp hành quy định, trốn cách ly phòng dịch Covid-19 về nhà, sẽ được tiến hành kiểm điểm xử lý vi phạm ngay sau khi bác sĩ này hoàn thành thời gian cách ly.

Nguồn: https://danviet.vn/ca-mau-mot-bac-si-truong-khoa-la-f1-tron-cach-ly-ve-nha-202111091504...

Bộ trưởng Y tế: Tiêm 2 mũi vắc-xin, đi cùng thang máy với F0, đeo khẩu trang thì không cần cách ly tập trung

Ngày 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội có phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Về vấn đề F1 đi cách ly tập trung, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu câu hỏi: Nhiều cử tri sống ở chung cư lo lắng về việc F1 bắt buộc phải đi cách ly mà không xem cụ thể các điều kiện như đã tiêm 2 liều vắc-xin, đã đeo khẩu trang, khi họ chỉ đi thang máy tiếp xúc với F0 trong khoảng vài chục giây, họ có đủ điều kiện để cách ly tại căn hộ và cam kết tự cách ly. Việc này gây lãng phí nguồn lực, nguy cơ lây nhiễm chéo, không phù hợp với thực tế. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đã trao đổi với một vài địa phương, trong đó có Hà Nội về nội dung này.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn, với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và đã khỏi bệnh thì chỉ cần theo dõi sức khỏe 7 ngày, với người tiêm 1 mũi thì cách ly tại nhà 7 ngày, với người chưa được tiêm mũi nào thì về phải cách ly tại nhà 14 ngày.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện của địa phương, tùy mức độ dịch, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn chống dịch... cố gắng cách ly linh hoạt để đảm bảo an toàn.

Đối với những khu chung cư đông người mà tỷ lệ tiêm chủng chưa cao thì phải áp dụng hình thức cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Đây là những điều đã có trong văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế chưa rõ, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) tiếp tục đặt câu hỏi: Người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, đeo khẩu trang đi cùng thang máy với F0, đủ khả năng cách ly tại căn hộ thì có phải đưa đi cách ly tập trung hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Long cho biết, trường hợp này đã xảy ra với một vài địa phương, trong đó có Hà Nội.

"Việc này chúng tôi đã trao đổi với Hà Nội, trong trường hợp như vậy thì không phải bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày. Trong hướng dẫn của Bộ Y tế đã quy định rất rõ, trường hợp như vậy chỉ cần cách ly tại nhà 7 ngày”.

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, tùy từng đặc điểm của địa phương, khu vực (mật độ dân cư, tỷ lệ bao phủ vắc-xin) để cách ly một cách linh hoạt, đảm bảo an toàn.

Trước đó, trong tình hình số F0 ở Hà Nội gia tăng nhanh chóng, đỉnh điểm có ngày thành phố này đã ghi nhận 268 ca COVID-19, một số chuyên gia y tế kiến nghị Hà Nội nên sớm có phương án cách ly F1 và điều trị các F0 không có triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, bên cạnh các tỉnh, thành phố phía Nam đã triển khai cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà, còn nhiều địa phương vẫn chưa mạnh dạn triển khai.

Ông nhấn mạnh: Bộ đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung này, các địa phương cần nghiên cứu kỹ để có phương án phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn.

“Trước đây, các F1 chưa tiêm vắc-xin sẽ phải đưa đi cách ly tập trung. Nhưng hiện nay, Việt Nam đã bao phủ mũi 1 được hơn 81%. Vì thế, các địa phương cần mạnh dạn đưa ra phương án cách ly F1 tại nhà”, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị.

Nguồn: http://danviet.vn/bo-truong-y-te-tiem-2-mui-vac-xin-di-cung-thang-may-voi-f0-deo-khau-t...

Bình Định ghi nhận số người mắc Covid-19 cao kỷ lục trong ngày - 53 ca

Sáng 10-11, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Định đã thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở địa phương này.

Theo đó, tính đến 6 giờ sáng cùng ngày, Bình Định đã ghi nhận thêm 53 ca Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 2.029. Đây là số ca Covid-19 mới được ghi nhận trong ngày cao nhất từ trước đến nay ở địa phương này.

Trong đó, huyện Tuy Phước nhiều nhất với 19 ca, TP Quy Nhơn 12 ca, thị xã An Nhơn 7 ca, huyện Hoài Ân 5 ca, Vân Canh và Phù Mỹ mỗi huyện 3 ca… Phần lớn các ca Covid-19 này được phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng.

Về cấp độ dịch, Bình Định có 2 địa phương nguy cơ rất cao là xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước và xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân. Ngoài ra, Bình Định còn có 3 địa phương nguy cơ cao là xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước và 2 phường Nhơn Hưng, Nhơn Thành, thị xã An Nhơn cùng với hàng chục xã, phường, thị trấn có nguy cơ trung bình.

Tính từ ngày 28-6 đến nay, Bình Định đã ghi nhận 2.029 ca Covid-19. Trong đó, 1.627 ca đã khỏi bệnh được xuất viện, 18 ca tử vong và 384 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/binh-dinh-ghi-nhan-so-nguoi-mac-covid-19-cao-ky-luc-trong-ng...

Hai ca mắc mới ở Hải Dương: Có uống bia cùng bạn, dự lễ cưới, đi lễ nhà thờ và đến nhiều địa điểm

Thông tin cho PV, đại diện xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành (Hải Dương) cho biết, sáng nay trên địa bàn vừa ghi nhận 1 công dân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp này SN 1996 (nam), trú tại đội 1, thôn Bắc, làm nghề kiến trúc sư tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) và có lịch trình di chuyển phức tạp.

Qua điều tra truy vết của cơ quan chức năng, ca dương tính có lịch trình di chuyển cụ thể như sau: Ngày 25/10 công dân đi xe máy về quê có khai báo y tế và được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà.

Đến 30/10, công dân cùng bố đến nhà ông nội tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) và chiều cùng ngày quay trở về nhà; buổi tối đi uống bia với bạn tại quán Khánh Xuân (xã Cổ Dũng) và tối ngày hôm sau, công dân cùng bạn đến quán Trà chanh Kết (chợ Giống mới, xã Cổ Dũng).

Ngày 1/11, trường hợp này đi lên Hà Nội tiêm vaccine phòng COVID-19 tại phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy). Sau khi tiêm xong công dân đi xe máy về xã Cổ Dũng. Vào tối 4/11, ca dương tính đi uống nước tại quán Minh Anh, xã Tuấn Việt (huyện Kim Thành), sau đó đi ăn đêm tại quán đối diện cây xăng Lai Khê.

Khu vực cửa hàng thuốc của ca dương tính được phong tỏa

Khu vực cửa hàng thuốc của ca dương tính được phong tỏa

Vào hôm sau, công dân ăn sáng tại quán bún lòng Nam Yến, thôn Hợp Nhất, xã Lai Vu (cùng huyện Kim Thành); tiếp đó đi uống cafe tại quán Boom (cổng khu công nghiệp Lai Vu) và câu cá ở gần chùa Muống, xã Ngũ Phúc. Các ngày tiếp theo, công dân có đến nhà bạn ăn cơm và đi mua thuốc.

Ngày hôm qua, công dân đi lấy mẫu xét nghiệm mẫu chụm 10 có kết quả nghi ngờ, được lấy lại mẫu đơn và sáng nay cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Cũng trong tối qua, trên địa bàn TP. Hải Dương ghi nhận 2 ca dương tính, trong đó có 1 công dân được phát hiện qua sàng lọc ho sốt cộng đồng.

Trường hợp thứ nhất: công dân SN 2012, học lớp 4B, trường tiểu học Nguyễn Trãi, ở tại chung cư Tuệ Tĩnh (phường Cẩm Thượng). Hằng ngày, ca dương tính được mẹ đưa, đón đi học, ngoài thời gian học công dân ở nhà.

Sáng 7/11 đến chiều 8/11, ca dương tính về quê tại thôn Thị Xá, xã Hồng Hưng (huyện Gia Lộc). Sau đó được lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi Hải Dương, đến hôm qua công dân này tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả khẳng định dương tính.

Trường hợp thứ hai: Công dân SN 1988, trú tại phố Trần Hưng Đạo, làm nghề dược sĩ và là chủ cửa hàng bán thuốc tại ki ốt số 5 chợ Phú Lương (phường Ngọc Châu), ca dương tính này được phát hiện qua sàng lọc qua ho sốt cộng đồng.

Theo cơ quan chức năng, trước khi có kết quả dương tính, vào sáng 4/11, công dân đi tiêm vaccine mũi thứ 2 tại Trạm Y tế xã Hưng Long (huyện Ninh Giang) bằng xe của gia đình. Vào 21h tối cùng ngày, trường hợp này có biểu hiện sốt.

Sáng qua, công dân đi lấy mẫu xét nghiệm dịch vụ tại Trung tâm Medlatec (phường Quang Trung, TP Hải Dương) cho kết quả nghi ngờ và được lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh xét nghiệm PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Qua điều tra dịch tễ xác định, hằng ngày trường hợp này ở nhà (hiệu thuốc), có mua thức ăn tại chợ Phú Lương và Vinmart chợ Phú Lương. Ngày 24/10, công dân cùng mẹ đẻ và lái xe về thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang) dự đám cưới; sau đó cùngg với gia đình đến nhà thờ giáo xứ Cửa Bắc (Hà Nội).

Hôm sau, trường hợp này đi xe ô tô cùng bạn đến nhà thờ Giáo xứ Liêm Khê, xã Liêm An, (huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng). Tối 28/10, công dân bắt taxi đi lễ tại nhà thờ lớn Hải Dương (phố Trần Hưng Đạo) và khi về đi nhờ xe người bạn.

Hai ngày sau, ca dương tính cùng mẹ đẻ đi lễ ở nhà thờ giáo xứ Hòn Gai, phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Đến trưa 6/11 có đi lễ tại đền Thánh (phường Bình Hàn, TP. Hải Dương) và tối ngày hôm sau, trường hợp này học hát tại Nhà thờ lớn Hải Dương (đường Trần Hưng Đạo).

Cũng trong sáng nay (10/11), trên địa bàn Hải Dương ghi nhận 8 ca mắc mới, trong đó 5 trường hợp tại xã Tân Việt (huyện Thanh Hà) và 3 công dân tại TP. Hải Dương.

Nguồn: https://giadinh.net.vn/hai-ca-mac-moi-o-hai-duong-co-uong-bia-cung-ban-du-le-cuoi-di-le...

WHO: Ca mắc Covid-19 tăng nhưng số tử vong không tăng

Tại hội thảo "Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe thích ứng an toàn với Covid-19" được Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức ngày 9-11 ở TP HCM, ông Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ còn tiếp tục kéo dài. Theo ông, Việt Nam đã đưa ra quyết định táo bạo trong việc nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội sau 5 tuần liên tục giảm số ca mắc Covid-19 và giảm số ca tử vong.

"Trong 3 tuần gần đây, chúng tôi quan sát thấy có sự gia tăng ca mắc mới. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy số ca tử vong sẽ tăng trở lại. Do đó, chúng ta nên chuyển sang hướng sống chung an toàn với Covid-19, đặt mục tiêu giảm số ca tử vong, giảm số ca nhập viện, giảm thiệt hại về kinh tế và sức khỏe mà đại dịch gây ra" - ông Park nhấn mạnh.

Để làm được điều đó, WHO đưa ra những khuyến nghị: Tiêm chủng vắc-xin Covid-19, thực hiện 5K, năng cao năng lực của hệ thống y tế, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào các chiến lược, tiếp cận toàn xã hội.

Muốn củng cố năng lực y tế, Việt Nam cần tăng cường các chức năng chính của y tế công cộng như: giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm và ứng phó hiệu quả để kiểm soát dịch, thu thập thông tin và nghiên cứu về sức khỏe công cộng.

Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, phát biểu trong buổi hội thảo

Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, phát biểu trong buổi hội thảo

Bà Nguyễn Thị Kim Phương, Văn phòng WHO tại Việt Nam, cho rằng y tế cơ sở, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là hai "trụ cột" để sống chung với đại dịch.

Thời điểm này là lúc nhìn nhận lại cấu trúc và trọng tâm của hệ thống y tế quốc gia, từ đó xác định lại các lĩnh vực cần ưu tiên trong chính sách chi tiêu công. Bảo đảm được sức khỏe là bảo đảm được phát triển kinh tế.

Theo khảo sát của WHO, đại dịch Covid-19 đã kéo lùi cả thế giới trong hai lĩnh vực kinh tế và sức khoẻ. Trong số 70 quốc gia được khảo sát, 36 nước cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hơn 50% số dịch vụ thiết yếu. 66% số quốc gia báo cáo sự đứt gãy cung ứng dịch vụ y tế thiết yếu do thiếu nhân viên y tế.

Tổng số người tử vong trực tiếp do Covid-19 (tính đến tháng 6-2021) trên thế giới là 3,8 triệu người, gián tiếp (riêng năm 2020) là trên 3 triệu người. Những quốc gia có hệ thống y tế yếu, đặc biệt là hệ thống khám chữa bệnh ban đầu (chủ yếu các nước thu nhập thấp và trung bình) thì Covid-19 và các đại dịch trong tương lai sẽ là một thách thức to lớn.

Để ứng phó tốt với đại dịch, hệ thống y tế cần bảo đảm cùng một lúc hai chức năng: giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng và kiểm soát dịch bệnh; cung ứng các dịch vụ y tế thiết yếu cho toàn dân.

"Thực hiện hai nhiệm vụ trên cần dựa vào hệ thống tài chính công, đó là ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế. Cần giảm thiểu tối đa việc người dân tự bỏ tiền để khám chữa bệnh, xóa bỏ mọi rào cản về tài chính trong tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu" - bà Phương nhìn nhận.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/who-ca-mac-covid-19-tang-nhung-so-tu-vong-khong-tang-202111...

3.000 ca nhiễm/ngày, Singapore sống chung với dịch ra sao?

Trước đây khi đi theo chiến lược “Zero Covid”, Singpore hạn chế tới từng ca nhiễm nhỏ lẻ. Nhưng nay, khi chọn theo đường lối sống chung với dịch, quốc đảo sư tử đã tính đến trường hợp số ca nhiễm có thể lên đến 5.000 ca/ngày. Vì vây, mức 3.000 ca nhiễm/ngày như hiện nay vẫn được coi là ổn định.

Tại buổi họp báo tổ chức đầu tuần, đồng Chủ tịch lực lượng đặc nhiệm liên bộ phòng Covid-19 của Singapore Gan Kim Yong cho biết: “Tỉ lệ lây nhiễm so sánh giữa các tuần đã giảm xuống dưới 1% (ở mức 0,81%) tính đến ngày 7/11".

"Số ca phải nhập viện và tỉ lệ ca bệnh chuyển nặng ở mức ổn định. Tỉ lệ sử dụng giường chăm sóc tích cực duy trì ở mức 70%. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Singapore là 12 ca trong 24 giờ (ghi nhận đến ngày 10/11)”, ông Gan nói.

Người dân Singapore ăn uống tại trung tâm mua sắm Raffles. Ảnh - Channel New Asia

Người dân Singapore ăn uống tại trung tâm mua sắm Raffles. Ảnh - Channel New Asia

Ông Gan khẳng định, kết quả này có được là nhờ người dân Singapore đã “phối hợp cùng nhau” để hạn chế tỉ lệ lây nhiễm. Vì tình hình nằm trong tầm kiểm soát, quốc đảo sư tử sẽ có thêm lợi thế để nới lỏng một số biện pháp quản lý mà không tạo gánh nặng cho hệ thống chăm sóc y tế.

Không liên hoan hội hè, hạn chế thăm viếng

Để giữ được cân bằng, Singapore thường xuyên cân nhắc và thay đổi các biện pháp quản lý tùy theo tình hình dịch bệnh. Đồng thời, nước này xác định có thể phải mất từ 3-6 tháng mới đạt được tình trạng “bình thường mới” nên người dân phải chuẩn bị tâm lý không chủ quan và không hoang mang.

Tuy đã mở cửa lại nhà hàng, trung tâm thể dục thể thao, giải trí… nhưng tất cả đều trong giới hạn để đảm bảo giãn cách và an toàn.

Theo quy định vừa được công bố, có hiệu lực từ ngày hôm nay (10/11) Singapore mới chỉ cho phép nhóm tối đa 5 người, từ cùng một gia đình và nhóm 2 người khác gia đình, được ăn nhà hàng. Đồng nghĩa, người dân Singapore vẫn chưa được tổ chức liên hoan công ty hay tụ tập bạn bè…

Các nhà hàng được mở cửa đón khách nhưng chỉ được mở nhạc có sẵn nhẹ nhàng, chưa được phục vụ hoạt động nhạc sống. Đồng thời, nhà hàng phải nghiêm túc tuân thủ quy định kiểm tra chứng nhận tiêm phòng của khách.

Các hoạt động tụ tập xã hội vẫn bị giới hạn tối đa 2 người và 1 lần/ngày dù ở trong nhà hay ở không gian công cộng.

Quy định về khách đến thăm nhà vẫn không đổi chỉ được phép 2 người/ngày, không áp dụng với việc cháu đến thăm ông bà.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/who-ca-mac-covid-19-tang-nhung-so-tu-vong-khong-tang-202111...

Cần Thơ chuyển từ vùng vàng sang cam, An Giang phát hiện 560 ca nhiễm

Theo đó, cấp độ dịch của TP Cần Thơ được chuyển từ cấp độ 2- nguy cơ trung bình (vùng vàng) lên cấp độ 3 - nguy cơ cao (vùng cam) từ 0h ngày 11/11.

Cần Thơ chuyển từ cấp độ 2 lên cấp độ 3.

Cần Thơ chuyển từ cấp độ 2 lên cấp độ 3.

Đối với cấp quận, huyện cấp độ 2 có 5 đơn vị gồm quận Cái Răng, huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai; 4 quận huyện cấp độ 3 gồm quận Ninh Kiều, Ô Môn, Bình Thủy, Thốt Nốt.

Cấp phường, xã, thị trấn có 16 đơn vị cấp 1, 45 đơn vị cấp 2, 14 đơn vị cấp 3 và 8 đơn vị cấp 4.

Theo báo cáo nhanh Sở Y tế TP Cần Thơ, trong ngày 8/11, địa phương ghi nhận 400 ca nhiễm Covid-19.

Tính từ ngày 8/7 đến nay, Cần Thơ đã có 10.119 ca nhiễm, trong đó đã điều trị khỏi 6.594 ca, 116 ca tử vong.

Còn tại An Giang, trong ngày 8/11, đã phát hiện 560 ca nhiễm, trong đó các địa phương có ca nhiễm nhiều nhất gồm huyện Tịnh Biên 201 ca, TP Long Xuyên 76 ca, Châu Đốc 75 ca…

Tổng số ca nhiễm ghi nhận trên địa bàn tỉnh từ ngày 15/4 đến nay là 14.625 trường hợp.

Trước đó, ngày 5/11, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang đã có thông báo nâng cấp độ dịch trên toàn tỉnh lên thành cấp độ 3 nguy cơ cao tương ứng với màu cam.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/can-tho-chuyen-tu-vung-vang-sang-cam-an-giang-phat-hien-560...

Bà Rịa-Vũng Tàu cảnh báo các đợt dịch mới có thể bùng phát bất kỳ khi nào

Ngày 9/11, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính từ 18h ngày 8/11 đến 18h ngày 9/11/2021, tỉnh này ghi nhận 154 ca nghi mắc COVID-19 mới, đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân.

Cụ thể, thành phố Vũng Tàu có 25 ca, trong đó 4 ca trong khu vực cách ly tập trung; 4 ca trong khu vực phong tỏa; 17 ca ngoài cộng đồng (2 ca tại phường Rạch Dừa là công nhân Công ty Giày Uy Việt; 5 ca là người đi từ TPHCM về Vũng Tàu; 1 ca tại phường 10; 3 ca là người trong một gia đình tại phường Nguyễn An Ninh liên quan đến người đi từ Bình Dương về Vũng Tàu; 1 ca tại phường 11; 1 ca tại phường 10 là công nhân của Nhà máy đạm Phú Mỹ; 4 ca liên quan đến Công ty giày Uy Việt).

COVID-19 10/11: Tiếp xúc với bệnh nhân F0, bác sĩ Trưởng khoa amp;#34;trốnamp;#34; khỏi nơi cách ly về nhà - 7

Thành phố Bà Rịa ghi nhận 16 ca, gồm 13 ca trong khu vực cách ly tập trung; 3 ca ngoài cộng đồng (1 ca tại phường Long Hương; 2 ca là người trong một gia đình tại phường Phước Nguyên). Huyện Xuyên Mộc có 7 ca, trong đó 2 ca trong khu vực cách ly tập trung; 5 ca ngoài cộng đồng (2 ca liên quan đến người đi từ TPHCM về Xuyên Mộc, 2 ca tại xã Bình Châu là công nhân đi từ TPHCM về Xuyên Mộc, 1 ca là người đi từ tỉnh Long An về Xuyên Mộc).

Huyện Châu Đức ghi nhận 12 ca. Trong đó, 7 ca ghi khu vực cách ly tập trung; 5 ca ngoài cộng đồng (3 ca tại xã Bình Trung, 1 ca tại xã Suối Nghệ liên quan đến Công ty Giày Uy Việt, 1 ca tại xã Xà Bang. Huyện Đất Đỏ có 21 ca, gồm 16 ca trong khu vực cách ly tập trung; 2 ca trong khu vực phong tỏa; 3 ca ngoài cộng đồng (1 ca tại xã Long Tân liên quan đến người đi từ TPHCM về Đất Đỏ, 1 ca tại xã Láng Dài, 1 ca là người đi từ TPHCM về Đất Đỏ).

Huyện Long Điền ghi nhận 13 ca. Trong đó, 6 ca trong khu vực cách ly tập trung; 7 ca ngoài cộng đồng (4 ca tại thị trấn Long Hải, 1 ca tại thị trấn Long Điền, 1 ca tại xã Phước Tỉnh, 1 ca tại xã Phước Hưng). Thị xã Phú Mỹ có tới 60 ca, gồm 29 ca trong khu vực cách ly tập trung; 8 ca trong khu vực phong tỏa; 23 ca ghi nhận ngoài cộng đồng (1 ca là người đi từ tỉnh Bình Dương về Phú Mỹ; 1 ca tại phường Mỹ Xuân; 4 ca là một gia đình tại phường Mỹ Xuân liên quan đến công nhân làm việc tại Công ty TNHH Lock&Lock Vina; 2 ca là người trong một gia đình tại phường Hắc Dịch; 6 ca là người trong một gia đình tại phường Mỹ Xuân liên quan đến người đi từ TPHCM về Phú Mỹ; 3 ca là người trong một gia đình tại xã Tân Hòa liên quan đến công nhân làm việc tại Công ty TNHH Iguacu Việt Nam; 1 ca tại phường Phước Hòa; 2 ca là người trong một gia đình tại phường Phú Mỹ; 3 ca đi từ tỉnh Đồng Nai về Phú Mỹ).

Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết thêm, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp; còn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới bất kỳ khi nào. Do vậy, công tác phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Sự tham gia, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng chống dịch.

Nguồn: https://tienphong.vn/ba-ria-vung-tau-canh-bao-cac-dot-dich-moi-co-the-bung-phat-bat-ky-...

COVID-19 9/11: Bất ngờ phát hiện 10 học sinh dương tính, địa phương họp khẩn, tạm cho nghỉ học
Gần đây, huyện Nghi Lộc xuất hiện nhiều học sinh mắc Covid-19. Tỉnh Nghệ An đã có cuộc họp khẩn với Huyện này để bàn về các phương án phòng chống...

Dịch COVID-19

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19