COVID-19 17/9: Vợ bán hàng online, chồng đi ship, cả nhà dương tính với SARS-CoV-2

K.T - Ngày 17/09/2021 12:10 PM (GMT+7)

Sau 3 ngày nới lỏng giãn cách xã hội, Tp Vinh bất ngờ phát hiện chùm ca bệnh 4 người trong gia đình cùng bị nhiễm COVID-19.

Vợ bán hàng online, chồng đi ship, cả nhà dương tính với SARS-CoV-2

Tối 16/9, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Nghệ An đã công bố về 4 ca nhiễm mới COVID-19 vừa phát hiện trong cộng đồng. Đáng nói 4 ca nhiễm này là người trong gia đình, sinh sống trong khu chung cư đông người và không rõ nguồn lây.

Lực lượng chức năng phong tỏa tòa chung cư khoảng 200 hộ dân - nơi vừa phát hiện 4 người trong 1 gia đình nhiễm COVID-19.

Lực lượng chức năng phong tỏa tòa chung cư khoảng 200 hộ dân - nơi vừa phát hiện 4 người trong 1 gia đình nhiễm COVID-19.

Các ca nhiễm gồm: mẹ (1990, Chung cư HTX Trung Đô, phường Bến Thủy, TP Vinh), hiện ở nhà chăm con và buôn bán hàng online; chồng (1991) làm nghề tự do, thỉnh thoảng đi ship hàng; một con trai sinh năm 2015 và một con gái sinh năm 2021.

Vào ngày 16/9, sau khi bị ho sốt, đau rát họng, người mẹ (1991) đã đến cơ sở y tế khai báo và làm test nhanh. Sau khi kết quả test dương tính, mẫu bệnh phẩm được gửi Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông để xét nghiệm RT-PCR. Đến chiều cùng ngày, kết quả khẳng định bệnh nhân Dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong thời gian này, chồng và 2 con của bệnh nhân cũng được lấy mẫu để xét nghiệm và sau đó có cùng kết quả dương tính.

Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng phường Bến Thủy đã tiến hành phong tỏa tạm thời khu chung cư. Đồng thời tiến hành truy vết và xác định các F1, F2 liên quan đến 4 ca bệnh này.

Trong chiều ngày 16/9, trực tiếp Giám đốc Sở y tế Nghệ An, ông Dương Đình Chỉnh, lãnh đạo UBND TP Vinh đã đến kiểm tra việc phong tỏa cách ly dân cư sinh sống trong tòa chung cư. Đội ngũ y tế được điều động đến để phun sát khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát toàn chung cư trong đêm 16/9.

Được biết, chung cư HTX Trung Đô có tổng số 20 tầng, hơn 200 hộ dân với trên 500 nhân khẩu.

Như vậy chỉ sau chưa đầy 3 ngày tỉnh Nghệ An cho phép TP Vinh nới lỏng giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 vệ Chỉ thị 15, địa phương này đã bắt đầu phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện vẫn chưa có thông tin về việc tỉnh Nghệ An có nâng mức giãn cách xã hội ở TP Vinh hay không.

(Theo Báo Giao Thông)

Đã nới lỏng giãn cách, người dân từ "vùng xanh" Hà Nội có được về quê?

Theo chỉ đạo mới nhất của UBND TP Hà Nội, từ 12h ngày 16/9, 19 quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng từ ngày 6/9 (thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20 của TP Hà Nội) được nới lỏng giãn cách xã hội, mở lại một số hoạt động kinh doanh.

Tại 19 quận, huyện "vùng xanh" này, cơ quan chức năng không kiểm soát giấy đi đường của người tham gia giao thông.

CSGT hướng dẫn người điều khiển ô tô không đủ các giấy tờ quay đầu tại chốt số 2 trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình

CSGT hướng dẫn người điều khiển ô tô không đủ các giấy tờ quay đầu tại chốt số 2 trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình

Trước sự điều chỉnh này, nhiều người dân băn khoăn: Nếu ở "vùng xanh" có được thoải mái ra khỏi Hà Nội và người từ các tỉnh, thành không áp dụng giãn cách có thể vào "vùng xanh" của Hà Nội hay không?

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, từ chiều 16/9, Hà Nội đã dỡ bỏ 39 chốt trực của Công an thành phố, không kiểm soát giấy đi đường ở vùng xanh. Tuy nhiên, 23 chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 ở cửa ngõ Thủ đô vẫn được duy trì.

Tại các chốt kiểm soát cửa ngõ này, vẫn đang áp dụng kiểm soát người ra/vào thành phố theo văn bản số 2434/UBND-KT của UBND TP Hà Nội. Theo đó, người ra và vào Hà Nội đều phải có giấy tờ tùy thân; kết quả xét nghiệm âm tính virus SARs-CoV-2 bằng phương pháp PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày) và giấy đi đường hoặc giấy xác nhận ra/vào Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ công vụ, chống dịch…

Cụ thể, ngoài giấy tờ tùy thân và giấy xét nghiệm PCR âm tính, các trường hợp ra, vào thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch bệnh, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia: Phải có các loại giấy tờ chứng minh việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó và giấy đi đường theo mẫu.

Đối với cán bộ, nhân viên, người lao động có địa chỉ thường trú tại Hà Nội làm việc trên địa bàn tỉnh, thành phố khác khi qua chốt kiểm soát cả chiều đi lẫn chiều về đều phải xuất trình giấy xác nhận là cán bộ, công nhân, người lao động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố đó và giấy xác nhận của chính quyền nơi cư trú tại Hà Nội theo mẫu.

Đối với người ở tỉnh, thành phố khác đưa, đón bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP; lễ tang; đi sân bay Nội Bài để công tác (kể cả người đưa đón) cần xuất trình: Giấy tờ tùy thân, giấy xét nghiệm PCR âm tính, hộ chiếu, vé máy bay.

Đối với bệnh nhân vào Hà Nội khám chữa bệnh và xuất viện ra khỏi Hà Nội: Phải có hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện, lịch trình vào, ra; địa điểm xuất phát, nơi đến để kiểm soát quá trình tham gia lưu thông trên địa bàn thành phố.

Đối với các trường hợp người dân đi ra khỏi thành phố trước ngày 24/7/2021 (thời điểm ban hành Chỉ thị số 17) muốn quay lại Hà Nội; các trường hợp người buôn bán hàng hóa thiết yếu từ các địa phương, tỉnh, thành khác vào Hà Nội: Cần chuẩn bị căn cước công dân, các loại giấy tờ chứng minh việc buôn bán; giấy xét nghiệm PCR âm tính có giá trị trong vòng 3 ngày.

Trung tá Nguyễn Văn Hiền, Phó Đội trưởng Đội cảnh sát đường thuỷ số 2 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) chỉ huy ca trực Chốt kiểm soát số 8 trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, các trường hợp người ra, vào Hà Nội qua chốt mà không đảm bảo giấy tờ theo qui định, đều được Tổ công tác hướng dẫn quay đầu.

Tương tự, tại Chốt kiểm soát số 2 trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Thiếu tá Phùng Quang Hưng, Phó đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phụ trách Chốt cho hay: Hà Nội vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 21/9, việc nới lỏng chỉ áp dụng tại 19 quận, huyện và cũng vẫn áp dụng theo Chỉ thị 15. Do đó, các chốt kiểm soát vẫn duy trì kiểm tra như cũ cho đến khi nhận được chỉ đạo mới của thành phố.

(Theo Báo Giao Thông)

Đà Nẵng di dời dân trong kiệt có gia đình 5 người mắc Covid-19

Chiều 17-9, UBND phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã tổ chức di dời người dân sinh sống tại kiệt 90 Đống Đa thuộc phường này. Theo đó, lực lượng chức năng di dời 53 người thuộc 17 hộ đến Trường THPT Trần Phú (phường Thạch Thang, quận Hải Châu).

Kiệt 90 Đống Đa là nơi gia đình ông V.V.T - được xác định cùng lúc có 5 ca nhiễm SARS-CoV sinh sống. Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết khu vực gia đình có 5 ca nhiễm trên sinh sống là kiệt cụt, dân cư đông. Chính vì vậy khi phát hiện các ca nhiễm, quận này đã cùng với phường Thuận Phước lên phương án để di dời, giãn dân, tránh việc lây nhiễm chéo trong thời gian phong tỏa.

Di dời người dân sống ở kiệt 90 Đống Đa - quận Hải Châu chiều 17-9

Di dời người dân sống ở kiệt 90 Đống Đa - quận Hải Châu chiều 17-9

Người dân sẽ được chăm sóc y tế, cung cấp các bữa ăn theo quy định tại nơi di dời đến. Mỗi hộ gia đình sẽ được bố trí 1 người ở lại nhà để đảm bảo sinh hoạt trong việc thực hiện giãn dân.

Trước đó, Báo Người Lao Động đã thông tin, tối 16-9 trên địa bàn quận Hải Châu phát sinh 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng. Ca bệnh này được phát hiện qua lấy mẫu đại diện hộ gia đình tại phường Thuận Phước.

Sau khi có kết quả, ngành y tế đã lấy mẫu test nhanh Covid-19 cho 4 thành viên còn lại trong gia đình của ca bệnh trên (cùng sinh sống tại đường Đống Đa, phường Thuận Phước) thì đều cho kết quả dương tính. Hiện chưa xác định được nguồn lây của các ca nhiễm này.

Bắt đối tượng mua bán ma túy nghi mắc COVID-19, nhiều cán bộ công an phải cách ly

Chiều 17-9, một lãnh đạo UBND xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông xác nhận, phần lớn cán bộ công an xã đang cách ly tại trụ sở làm việc do tiếp xúc với đối tượng mua bán, sử dụng ma túy có kết quả test nhanh 2 lần dương tính với SARS-CoV-2.

Cổng trụ sở Công an xã Quảng Sơn được phong tỏa để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh D.P

Cổng trụ sở Công an xã Quảng Sơn được phong tỏa để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh D.P

Trước đó, chiều 16-9, Công an xã Quảng Sơn đã bắt quả tang 2 đối tượng có hành vi mua bán, sử dụng ma túy trái phép trên địa bàn thôn Quảng Hợp.

Sau khi đưa về trụ sở lấy lời khai, khoảng 3 giờ sáng 17-9, 2 đối tượng này được bàn giao cho Công an huyện Đắk G’long để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên qua test nhanh, lực lượng chức năng phát hiện 1 trong 2 đối tượng là Ma Văn V. (trú tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk G'long) dương tính với SARS-CoV-2.

Khi test nhanh lần 2 vẫn cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, lực lượng y tế đã lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông để làm xét nghiệm PCR và hiện đang chờ kết quả.

Ngoài cán bộ công an, một số cán bộ UBND xã Quảng Sơn cũng được yêu cầu ở lại cơ quan để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Chuẩn bị nhiều chiến lược để mở cửa TP.HCM

Ngày 17-9, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có buổi lắng nghe ý kiến các chuyên gia kinh tế, y tế xung quanh kế hoạch mở cửa lại TP để phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng TP cần tiếp tục trận chiến chống dịch Covid-19 bằng cách tiếp cận mới, là không thể truy vết hết F0 mà cần phải thay đổi để làm sao sử dụng nguồn lực hữu hạn còn lại một cách hiệu quả nhất. Bộ Y tế đưa ra các chỉ tiêu để mở cửa trở lại kinh tế nhưng trong các tiêu chí này, có hai tiêu chí sẽ trở thành "vòng kim cô" cho quá trình mở cửa trở lại TP nếu không kiến nghị thay đổi.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các chuyên gia ngày 17-9

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các chuyên gia ngày 17-9

"Nếu dựa trên 2 tiêu chí của Bộ Y tế đưa ra và TP mở cửa thì sẽ rất khó khăn sau đó trong khi nếu vừa mở ra rồi lại phải đóng lại thì doanh nghiệp sẽ "chết hết". Do đó, cùng với việc mở cửa lại kinh tế TP cần tập trung cho các cơ sở y tế để làm sao phát hiện, giúp người dân tự điều trị, giảm áp lực cho các bệnh viện. Với cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh của TP, điều quan trọng nhất là lộ trình dứt khoát mở cửa với tiêu chí an toàn phù hợp để doanh nghiệp khôi phục được" - TS Trần Du Lịch góp ý.

Thẳng thắn hơn, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cho rằng lúc này TP "không thể không mở cửa". Bởi nếu nhìn vào bài toán kinh tế, bài toán chi phí và phân bổ nguồn lực thì hiện không thể không mở cửa. Nếu tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa, tác động đến tăng trưởng kinh tế của TP không chỉ trong năm nay mà còn những năm tiếp theo, trong khi DN đã kiệt quệ và nếu không cứu kịp thì rất khó để phục hồi.

"Về chiến lược mở cửa, chúng ta cần học cách thích nghi an toàn, bài toán ở góc độ chính sách là quản lý rủi ro, và bảo vệ những đối tượng có rủi ro nhiều nhất. TP có thể đo lường diễn biến dịch bệnh, có các phương án ứng phó, có kịch bản ứng phó, không phải mở ra một cách ồ ạt, thiếu thận trọng theo kịch bản phù hợp với từng điều kiện thực tế" – TS Vũ Thành Tự Anh nói.

Tại buổi họp, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia y tế cũng đóng góp nhiều ý kiến xung quanh chiến lược sống chung với Covid-19 trong tình hình mới, việc truy vết, xét nghiệm F0 và điều trị F0 ở các cơ sở y tế…

Lắng nghe và ghi nhận, Bí thư Thành uỷ TP Nguyễn Văn Nên cho biết tiếp thu đầy đủ góp ý, hiến kế của các nhà khoa học, chuyên gia và ông đánh giá rất "giá trị và đặc biệt quan trọng ở thời điểm này". Quan điểm của lãnh đạo TP là không thể loại bỏ hoàn toàn Covid-19 ra khỏi cộng đồng. Đến giờ, những điều kiện chống dịch cũng tốt hơn như đã có thuốc, vắc-xin…

"Sức chịu đựng và tổn thương của nền kinh tế đến lúc này đòi hỏi phải mở cửa trở lại. Cần sự thống nhất về giãn cách bảo đảm độ an toàn trong thời gian tới, từng bước mở dần, quản lý rủi ro, tuyệt đối không chủ quan nhưng không thể không mở. Do đó, chính quyền TP đang chuẩn bị chiến lược để chuyển sang giai đoạn mới là sống bình thường mới, sống trong môi trường có Covid-19" – Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Để làm được điều này, Bí thư Thành uỷ TP cho rằng cả chính quyền và người dân cần chuẩn bị tâm thế, thói quen, chuẩn bị tinh thần và chuẩn bị những điều kiện khi cần thiết để ứng phó phù hợp. Hiện TP đã chuẩn bị nhiều chiến lược ứng phó, trong đó trụ cột nhất là là chiến lược y tế.

"Chuẩn bị chiến lược y tế trong tình hình mới là phải chuẩn bị cơ sở y tế từ cấp nhỏ nhất, phải làm và nhận lấy trách nhiệm, củng cố ngay hệ thống y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, hệ thống nhà thuốc tây… Trong chiến lược về mặt y tế, phải có quy định rõ ràng, ứng phó phù hợp trong môi trường mở" – Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu.

(Theo Người Lao Động)

Hậu Giang xét nghiệm sàng lọc 100% hộ dân, 7 huyện/thành thực hiện Chỉ thị 15

Ngày 17/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất phê duyệt kế hoạch tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 diện rộng (đợt 4) trên địa bàn tỉnh do Sở Y tế ban hành, nhằm triển khai thực hiện thần tốc, huy động mọi nguồn lực để tổ chức xét nghiệm tầm soát diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Công tác triển khai thực hiện xét nghiệm theo phương thức “khoanh vùng, làm sạch F0”. Tập trung địa bàn thị xã Long Mỹ trước, sau đó đến các huyện, thành phố trong tỉnh.

Đảm bảo khép kín theo từng ấp, khu vực; từng xã, phường, thị trấn để bảo vệ “vùng sạch - vùng xanh”, để mọi hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống người dân sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

COVID-19 17/9: Vợ bán hàng online, chồng đi ship, cả nhà dương tính với SARS-CoV-2 - 6

Theo đó, 100% người dân trong vùng cách ly y tế (khu vực phong tỏa), khu vực nguy cơ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

100% số hộ (đại diện 1 người/hộ) trong cộng đồng được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Thời gian thực hiện được chia thành 2 lần. Lần 1 từ ngày 16-20/9/2021. Trong đó tập trung xét nghiệm thần tốc để truy vết F0 đối với địa bàn thị xã Long Mỹ (16-17/9) và các huyện, thành phố còn lại (18-20/9). Lần 2 từ ngày 22-24/9/2021.

Dự kiến tổng số mẫu xét nghiệm cần lấy là 456.418 mẫu.

Đối với ổ dịch tại xã Long Phú và xã Long Trị A (thị xã Long Mỹ) sẽ tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm định kỳ khu vực vùng cách ly y tế đến khi đủ thời gian và điều kiện đánh giá kết thúc vùng cách ly y tế.

Hôm qua (16/9), Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ký ban hành công văn áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, ngoại trừ thị xã Long Mỹ (thực hiện Chỉ thị 16), các huyện/thành phố còn lại thực hiện Chỉ thị 15 và bổ sung các quy định (15+).

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán trong “vùng xanh” được hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới nhưng thực hiện các biện pháp giới hạn, kiểm soát.

Các hoạt động tiếp tục dừng gồm: lễ hội, nghi lễ tôn giáo; các hoạt động vận tải hành khách công cộng liên tỉnh; các hoạt động không thiết yếu (karaoke, quán nhậu, cà phê, massage, xông hơi, rạp chiếu phim, các giải đấu thể thao, điểm tham quan du lịch, hoạt động vui chơi, giải trí…); các điểm tập luyện thể thao đông người (trên 10 người)…

Sáng 17/9, Sở Y tế Hậu Giang cho biết, từ 18 giờ ngày 16/9 đến 6 giờ ngày 17/9, tỉnh không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới.

Từ đầu đợt dịch (ngày 8/7/2021) đến nay, Hậu Giang đã ghi nhận tổng số 495 ca mắc, điều trị khỏi 403 ca, tử vong 2 ca, tử vong sau khi chuyển tuyến trên điều trị 1 ca.

(Theo Tiền Phong)

Hải Dương cho phép spa, tiệm cắt tóc gội đầu, phòng tập gym,... được hoạt động trở lại

Tối UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng ký về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới.

Spa, tiệm cắt tóc gội đầu, phòng tập gym,... được hoạt động trở lại

Theo nội dung văn bản, từ 0h ngày 18/9, UBND tỉnh Hải Dương cho phép mở lại một số hoạt động, cụ thể:

Các vườn hoa, công viên... được phép hoạt động nhưng không được tập trung quá 10 người trong cùng một thời điểm và phải đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m.

Các nhà hàng ăn uống được mở cửa trở lại, nhưng không phục vụ quá 10 khách trong cùng một phòng hoặc một khu vực riêng và phải đóng cửa trước 22h hàng ngày; các cửa hàng bán đồ ăn sáng được phục vụ tại chỗ từ 5h đến 9h sáng hàng ngày, ngoài khung giờ trên chỉ được bán hàng mang về; giữ khoảng cách tối thiểu một mét giữa người với người, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Hải Dương cho phép spa, tiệm cắt tóc gội đầu, phòng tập gym,... được hoạt động trở lại từ 0h ngày 18/9. Ảnh minh họa

Hải Dương cho phép spa, tiệm cắt tóc gội đầu, phòng tập gym,... được hoạt động trở lại từ 0h ngày 18/9. Ảnh minh họa

Cho phép thể thao ngoài trời mở được hoạt động trở lại, riêng các giải thi đấu thể thao nếu tổ chức phải được sự cho phép của các cấp có thẩm quyền; các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao trong nhà, spa, chăm sóc sắc đẹp, cắt tóc, gội đầu, làm móng, tập gym, yoga hoạt động không quá 50% công suất, phục vụ không quá 10 người trong cùng một phòng hoặc một khu vực riêng; đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đồng thời, tỉnh Hải Dương cũng cho phép trẻ mầm non và học sinh từ cấp tiểu học trở lên được đi học trở lại từ ngày 20/9, nếu các trường học đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19. Giaosở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn riêng cho các cơ sở giáo dục đào tạo triển khai thực hiện;...

Kiểm soát chặt người từ nơi khác vào tỉnh

Cụ thể, tỉnh Hải Dương yêu cầu các chốt phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ người từ các địa phương khác vào tỉnh (kể cả người Hải Dương trở về từ tỉnh ngoài) phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ; trường hợp đặc biệt phải báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh.

Đối với những người đến/về từ các địa phương, khu vực đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (vùng đỏ) khi vào tỉnh phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.

Riêng đối với những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 (có chứng nhận tiêm chủng trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc có giấy chứng nhận, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện) (sau đây gọi tắt là những người đã tiêm đủ liều vắc xin) thì tự cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương và phải thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 7.

Đối với những người đến/về từ các địa phương, khu vực đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 (vùng vàng) khi vào tỉnh Hải Dương phải thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14.

Riêng đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 7 kể từ ngày đến/về địa phương.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hải Dương cũng quy định đối với những người tham gia các đoàn công tác theo quyết định của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và sở Y tế tại các tỉnh, thành phố khi vào tỉnh Hải Dương.

Cụ thể, nếu đoàn đến từ nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (trừ những người tiếp xúc gần với trường hợp mắc Covid-19 hoặc người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID-19): Những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 7;

Những người tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 thực hiện cách ly y tế tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 3 ngày kể từ ngày đến/về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe cho đến hết 14 ngày. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần vào ngày đầu và ngày thứ 3 kể từ ngày đến/về địa phương.

Trường hợp đoàn đến từ nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 (trừ những người tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID-19 hoặc người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID-19): Tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 một lần vào ngày thứ 14 kể từ ngày đến/về địa phương.

(Theo Người Đưa Tin)

Quy định mới của Bà Rịa-Vũng Tàu về chuyển viện trong lúc có dịch COVID-19

Ngày 17/9, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã có hướng dẫn chi tiết trường hợp bệnh nhân chuyển đi TPHCM khám bệnh và từ ngoài tỉnh vào Bà Rịa-Vũng Tàu trong thời điểm dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, Bà Rịa-Vũng Tàu không giải quyết các trường hợp người bệnh đi khám chữa bệnh ngoài tỉnh những bệnh, kỹ thuật mà các bệnh viện tại Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện được. Đối với các trường hợp người bệnh không phải trong tình trạng cấp cứu nhưng đi khám chữa bệnh ngoài tỉnh những bệnh, kỹ thuật mà các bệnh viện ở Bà Rịa-Vũng Tàu không thực hiện được, nếu có thể trì hoãn được thì tư vấn bệnh nhân tạm hoãn xin đi khám.

Bà Rịa-Vũng Tàu giao Bệnh viện Bà Rịa khám bệnh nhân và quyết định vấn đề tạm hoãn có làm ảnh hưởng chỉ định hoặc kết quả điều trị các bệnh chuyên khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi. Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tâm thần khám bệnh nhân và quyết định vấn đề việc tạm hoãn có làm ảnh hưởng chỉ định hoặc kết quả điều trị các bệnh chuyên khoa Mắt, Tâm thần.

COVID-19 17/9: Vợ bán hàng online, chồng đi ship, cả nhà dương tính với SARS-CoV-2 - 8

Nếu không thể trì hoãn được, các bệnh viện tuyến tỉnh cấp giấy chuyển tuyến. Bệnh viện Bà Rịa cấp giấy chuyển tuyến các bệnh chuyên khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi. Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tâm thần cấp giấy chuyển tuyến các bệnh chuyên khoa Mắt, Tâm thần.

Trường hợp người bệnh có giấy hẹn tái khám định kỳ của bệnh viện ngoài tỉnh, bệnh nhân phải đến Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tâm thần để được khám xác định bệnh, kỹ thuật thủ thuật có ngoài khả năng giải quyết của các bệnh viện trên hay không. Sau khi có giấy chuyển tuyến của bệnh viện tuyến tỉnh, gia đình nộp hồ sơ cho Sở Giao thông Vận tải. Sở Giao thông Vận tải phối hợp Sở Y tế, tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giải quyết theo hướng dẫn chung tại văn bản 11325/UBND-VP ngày 26/8/2021.

Đối với các trường hợp phải chuyển tuyến lên tuyến trên, với các bệnh lý Nội, Ngoại, Sản, Nhi trong tình trạng cấp cứu, thì Bệnh viện Bà Rịa liên hệ bệnh viện tuyến trên, xác nhận chấp thuận tiếp nhận bệnh nhân, sau đó ký giấy chuyển tuyến khẩn cấp và chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương. Sở Y tế đề nghị Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Giao thông Vận tải cho phép cho xe cứu thương “thông chốt” trong những trường hợp cấp cứu này để bảo đảm thời gian vàng cứu sống bệnh nhân. Giám đốc đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nếu lái xe, nhân viên bệnh viện lạm dụng xe cứu thương và còi ưu tiên để “thông chốt” sai quy định.

Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng quy định, sẽ không giải quyết cho những bệnh nhân đang điều trị COVID-19 ở các cơ sở điều trị ngoài tỉnh xin về Bà Rịa-Vũng Tàu để tiếp tục điều trị COVID-19; không giải quyết cho những người đang cách ly tập trung (F1) tại các cơ sở cách ly tập trung ở ngoài tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xin về để tiếp tục cách ly tập trung (ngoại trừ trường hợp đặc biệt, phải được duyệt bằng văn bản của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh).

Nếu bệnh nhân sau khi kết thúc quá trình khám chữa bệnh ngoài tỉnh hoặc tình trạng bệnh quá nặng không thể điều trị, bệnh viện tuyến trên trả về thì bệnh nhân (cùng thân nhân bệnh nhân) phải xuất trình giấy ra viện hoặc giấy chuyển tuyến, giấy trả kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ. Nếu bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu, thì xe cứu thương phải đưa bệnh nhân thẳng đến bệnh viện tầng 2 (Bệnh viện Vũng Tàu hoặc Trung tâm Y tế Long Điền), đưa vào ICU Bệnh viện Vũng Tàu nếu tình trạng nguy kịch.

Còn với bệnh nhân không đang trong tình trạng cấp cứu thì có thể đưa bệnh nhân về nhà nhưng nghiêm cấm xe dừng đỗ nhiều nơi. Ngay khi xe cứu thương đưa bệnh nhân đi thẳng về đến nhà, trạm y tế nơi bệnh nhân cư trú phải lấy mẫu xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 cho bệnh nhân và tất cả những người đi cùng chuyến xe. Kinh phí thực hiện test nhanh do bệnh nhân và thân nhân tự chi trả. Nếu dương tính (bệnh nhân và những người đi cùng) phải được xử lý theo quy định phòng chống dịch và phiên giải kết quả xét nghiệm test nhanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Với các trường hợp xe cứu thương tự đưa người bệnh từ các bệnh viện điều trị COVID-19 ở ngoài tỉnh về Bà Rịa-Vũng Tàu thì lái xe và những người đi cùng phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính có giá trị trong vòng 72 giờ. Xuất trình tại các chất kiểm soát và thông báo y tế địa phương lưu trú.

(Theo Tiền Phong)

Người dân khu vực nào ở TP.HCM được đi chợ, siêu thị trở lại?

UBND 3 quận, huyện này đang khẩn trương lập phương án, kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức đánh giá, đề xuất UBND thành phố chấp thuận để đi vào áp dụng.

Như vậy, từ nay đến ngày 30-9, người dân quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ sẽ được chính quyền địa phương triển khai thí điểm cho đi chợ 1 lần/tuần. Người dân 19 quận - huyện, thành phố còn lại vẫn tiếp tục mua thực phẩm, hàng thiết yếu thông qua hình thức "đi chợ hộ" và mua hàng online. Để tạo thuận tiện cho khách, một số siêu thị, cửa hàng đang nhận đặt hàng qua điện thoại, Zalo, Viber, đặt hàng online… tổ chức giao hàng hoặc đặt shipper giao hàng đến tận nhà cho khách.

Siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát đón những khách hàng đầu tiên trong sáng 16-9. Ảnh: HỒNG CHÂU

Siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát đón những khách hàng đầu tiên trong sáng 16-9. Ảnh: HỒNG CHÂU

Từ sáng 16-9, siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát và Lotte Mart Nam Sài Gòn (quận 7) bắt đầu đón những khách hàng đầu tiên đến mua sắm trực tiếp. Điều kiện để được mở lại dịch vụ bán hàng trực tiếp cho người dân là siêu thị, cửa hàng phải đáp ứng các tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch và được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương chứng nhận là "doanh nghiệp xanh".

Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op - chủ quản hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food) cho hay các siêu thị Co.opXtra Tân Phong, Co.opmart SCA Crescent Mall (quận 7), Co.opmart Cần Giờ (huyện Cần Giờ), Co.opmart Củ Chi (huyện Củ Chi) cũng đã sẵn sàng đón khách.

(Theo Người Lao Động)

Công an TP.HCM bổ sung nhiều trường hợp không cần giấy đi đường sau 16-9
Luật sư tham gia tố tụng, giảng viên, giáo các trường học lưu thông đến trường hoặc điểm dạy học trực tuyến, nhân viên ngành tài chính ngân hàng,...

Tin tức 24h

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19