COVID-19 ngày 4/12: Kinh hoàng Mỹ lần đầu 3.157 người chết/ngày vì COVID-19

H.A - Ngày 04/12/2020 10:30 AM (GMT+7)

Mỹ vừa trải qua ngày kinh hoàng nhất từ đầu dịch COVID-19 đến nay khi mất tới 3.157 người chỉ trong một ngày.

Kinh hoàng Mỹ lần đầu 3.157 người chết/ngày vì COVID-19

Ngày 3-12 (giờ Mỹ), Mỹ đã ghi nhận hơn 3.157 ca tử vong do COVID-19 chỉ trong một ngày, con số cao nhất mà Mỹ ghi nhận được kể từ đầu dịch đến nay, đài Channel News Asia đưa tin.

Con số này nhiều hơn số người thiệt mạng trong ngày 11-9 và vượt cả mốc cũ là 2.603 người được ghi nhận vào ngày 15-4, khi khu vực đô thị New York bùng phát dịch bệnh.

Theo Dự án Theo dõi COVID-19, số người nhập viện hiện nay cũng cao nhất từ trước đến nay, cao gấp đôi số người nhập viện trong tháng qua.

Những điều này cho thấy Mỹ đang tiếp tục chìm sâu hơn vào khủng hoảng dịch bệnh. Điều tồi tệ này diễn ra một phần là do những tác động từ lễ Tạ ơn, khi hàng triệu người Mỹ bất chấp cảnh báo dịch bệnh vẫn tụ tập để ăn mừng lễ.

Trên khắp nước Mỹ, số ca nhiễm COVID-19 gia tăng chóng mặt đã khiến các y tá và nhân viên chăm sóc sức khỏe gần như kiệt sức vì phải làm việc nhiều hơn thường ngày.

“Thực tế là tháng 12, tháng 1 và tháng 2 sẽ là thời điểm khó khăn. Tôi thực sự tin rằng thời gian sắp tới đây sẽ là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử y tế công cộng của quốc gia này ” – Tiến sĩ Robert Redfield, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết hôm 2-12.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

TP.HCM dừng các hoạt động, sự kiện tập trung đông người không cần thiết

Theo đó, UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận - huyện, phường - xã - thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND TP trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để; tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.

COVID-19 ngày 4/12: Kinh hoàng Mỹ lần đầu 3.157 người chết/ngày vì COVID-19 - 1

Người dân TP.HCM bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, chỗ công cộng để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Kim Vân

Thực hiện yêu cầu 5K - "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế" trong phòng chống dịch bệnh như khuyến cáo của Bộ Y tế, trước hết là việc đeo khẩu trang bắt buộc, khử khuẩn tại các khu vực cách ly, các khu dân cư tập trung, nơi công cộng như: chợ, siêu thị, trường học, cơ sở sản xuất, bến xe, bến cảng, sân bay, ga tàu, nhà máy, xí nghiệp, trên các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Các Sở: Y tế, Giáo dục và Đạo tạo, Du lịch, Công an Thành phố đôn đốc tất cả cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở lưu trú, trường học tiến hành tự rà soát, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, hướng dẫn phòng chống dịch, công khai kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch COVID-19.

Thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ, thần tốc truy vết mọi đối tượng F1, F2 của các ca lây nhiễm mới phát hiện, với tinh thần cao nhất, đạt kết quả tối đa, không để lây lan vòng 3.

Nếu dịch bệnh tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện giãn cách xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý để không ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mọi trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly do quân đội quản lý và cơ sở lưu trú du lịch đã được UBND TP phê duyệt làm nơi cách ly tập trung, yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt các quy định về cách ly và quản lý y tế sau cách ly, xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định.

Đồng thời, quản lý, giám sát chặt chẽ việc tổ chức cách ly tại các khu vực được chỉ định làm khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú, không để những người không có trách nhiệm vào các khu cách ly và yêu cầu người được cách ly thực hiện đúng các quy định, thường xuyên đeo khẩu trang và không được tiếp xúc gần với người xung quanh.

Tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội.

Đặc biệt, cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cách ly tại các khu vực được chỉ định làm khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú; đánh giá và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân để xảy ra các sai phạm làm dịch COVID-19 xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng.

(Theo Gia đình & Xã hội)

Thêm gần 1.000 người cách ly, cảnh báo 40% ca nhiễm không có triệu chứng

Số ca mắc ở Việt Nam:

- Tính đến 18h ngày 03/12: Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 553 ca.

- Tính từ 18h ngày 02/12 đến 18h ngày 03/12: 3 ca mắc mới đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 16.582, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 164

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.566

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 852.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:

- 08 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN1132-BN1184-BN1235-BN1236-BN1243-BN1244-BN1246-BN1251

Đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.209 bệnh nhân/ 1.361 bệnh nhân COVID-19

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Bộ Y tế vừa ban hành sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính.

Bộ Y tế cho biết, nhằm hướng dẫn cán bộ y tế truy vết người tiếp xúc với ca bệnh để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn không để dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng và trên cơ sở những kinh nghiệm có được từ việc ứng phó với các vụ dịch tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng và các địa phương khác trong thời gian qua, Bộ Y tế xây dựng Sổ tay này để phổ biến tới các cơ quan, địa phương thực hiện.

Theo hướng dẫn này, việc truy vết người tiếp xúc với ca bệnh để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch lây lan. Do đó, công tác truy vết phải thần tốc và triệt để, không được để sót người tiếp xúc. 2 - Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động tối đa mọi nguồn lực đảm bảo cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả.

Theo hướng dẫn này, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A do virus SARS-CoV-2 gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 14 ngày. Người mắc bệnh có thể có triệu chứng lâm sàng đa dạng: Sốt, ho, đau họng, người mệt mỏi, đau người, giảm hoặc mất vị giác và khứu giác, khó thở, có thể có viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền, mạn tính, người cao tuổi.

Đáng nói là có một tỉ lệ cao người nhiễm virus SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng (khoảng 40%) và có thể là nguồn lây bệnh trong cộng đồng, gây khó khăn cho việc giám sát và phòng chống dịch.

Hiện COVID-19 vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và  vắc xin phòng bệnh được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Việc giám sát, phát hiện sớm, truy vết và khoanh vùng, cách ly nguồn lây sớm vẫn là biện pháp chủ yếu trong phòng chống dịch bệnh lây lan tại các ổ dịch.

Chủ tịch TPHCM đề nghị khởi tố bị can đối với bệnh nhân 1342

Chiều 3/12, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, bệnh nhân 1342 (nam tiếp viên hàng không) thiếu trách nhiệm với cộng đồng, không chủ động, không trung thực trong khai báo các điểm đến.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Công an TPHCM đã khởi tố vụ án “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Ông Phong cũng đề nghị Công an thành phố khởi tố bị can (là bệnh nhân 1342) về hành vi vi phạm quy định cách ly, làm lây lan dịch COVID-19 ra cộng đồng.

COVID-19 ngày 4/12: Kinh hoàng Mỹ lần đầu 3.157 người chết/ngày vì COVID-19 - 2

Phó GĐ Công an TPHCM thông tin về khởi tố vụ án liên quan đến tiếp viên hàng không gây lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng. Ảnh Văn Minh

“Nguyên tắc phải xử lý nghiêm để răn đe. Trong thời gian sắp tới, lãnh đạo các quận huyện cần chỉ đạo sát sao trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19”, ông Phong nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Phong nhận định, việc không tuân thủ quy định cách ly đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, tác động rất mạnh mẽ đến kinh tế TPHCM.

“Cuối năm lại xảy ra các trường hợp nhiễm bệnh, đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình TPHCM”, Chủ tịch UBND TPHCM nói.

Trước đó vào trưa 3/12, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TPHCM đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” xảy ra tại TPHCM.

Phó Giám đốc Công an TPHCM nhận định vụ án hình sự "lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" xảy ra trên địa bàn thành phố là rất nghiêm trọng, làm lây nhiễm cho người khác, có liên quan đến tiếp viên hàng không.

Trong vụ án này, Công an TPHCM sẽ xem xét vai trò, trách nhiệm và các dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức trong phòng chống dịch bệnh. Về các hành vi vi phạm ở địa phương nào, địa phương đó có trách nhiệm xem xét xử lý trong phạm vi thuộc thẩm quyền.

"Khi nào khởi tố bị can, ai là bị can trong vụ án này, Công an TPHCM đang tập trung điều tra làm rõ. Vụ án này rất đặc thù, trong đó có một số cá nhân có liên quan trong khu cách ly. Do đó Cơ quan điều tra vừa tuân thủ quy định pháp luật về điều tra hình sự nhưng cũng vừa tuân thủ quy định phòng chống dịch", ông Nguyễn Sỹ Quang thông tin.

Vì sao nam tiếp viên BN 1342 thì khởi tố vụ án hình sự, bệnh nhân số 17 lại không?
Theo luật sư, việc khởi tố vụ án liên quan đến vi phạm trong phòng chống dịch dựa trên các quy định pháp luật và cả văn bản hướng dẫn.
H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19