Cụ bà mua trúng chậu kiểng nở ra “loài hoa 3.000 năm”

Ngày 16/06/2013 14:51 PM (GMT+7)

Trong lúc vạch lá bắt sâu, cụ bà 75 tuổi phát hiện 41 nụ ưu đàm – loài hoa theo kinh Phật là 3.000 năm mới nở.

Ngày 16-6, nhiều người ở ấp Cây Da, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã kéo đến chiêm ngưỡng chậu kiểng có hoa ưu đàm mà người mua là cụ Phạm Thị Là (75 tuổi, quê Quảng Ngãi).

Cụ bà mua trúng chậu kiểng nở ra “loài hoa 3.000 năm” - 1

 41 nụ ưu đàm mọc ẩn dưới mặt lá trong gió hoa mong manh như sợi tơ.

Cụ bà mua trúng chậu kiểng nở ra “loài hoa 3.000 năm” - 2

Nhiều người khẳng định ưu đàm chỉ xuất hiện ở nơi yên lành

Cụ Là vào Bình Dương hôm 14-6 để thăm cháu gái là chị Nguyễn Huỳnh Trúc Ly đang sống tại ấp Cây Da. Thấy sân vườn nhà cháu gái thiếu cây cảnh nên cụ bỏ ra 800.000 đồng mua 4 chậu cây kiểng. Ngày hôm sau, trong lúc vạch lá bắt sâu cho 1 chậu kiểng, cụ phát hiện một đám hoa trắng li ti nằm dưới mặt lá nên gọi các cháu ra xem.  

Theo ghi nhận của phóng viên, có tất cả 41 hoa ưu đàm nở bên dưới 3 chiếc lá của chậu kiểng, diện tích của mỗi chiếc lá chỉ khoảng 1 centimet vuông. 

Nhiều người cho cụ Là biết ưu đàm là hoa cực hiếm, mang điềm lành, gần đây chỉ vài nơi ở Việt Nam xuất hiện. Nghe vậy, cụ cười nói: “Tôi không tin đây là loài hoa 3.000 năm mới nở nhưng dẫu sao cũng là cái duyên. Tôi ở quê vào, thấy con cháu khỏe, biết thương yêu nhau, đó đã là điềm lành rồi”.

Cụ bà mua trúng chậu kiểng nở ra “loài hoa 3.000 năm” - 3

Cụ Phạm Thị Là không tin đây là loài hoa 3.000 năm mới nở nhưng xem đó là cái duyên

Hoa ưu đàm từng được ghi nhận xuất hiện tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định… Năm trước, GS-TSKH Trịnh Tam Kiệt, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội), đã phân tích mẫu hoa ưu đàm qua kinh hiển vi và nhận thấy cấu trúc của nó không giống bất kỳ loài hoa hay thực vật nào. Theo GS-TSKH Kiệt, đây là sinh vật bậc thấp chưa có cấu trúc mô.

Dù chưa rõ ưu đàm được tìm thấy gần đây có phải là loài hoa mà Phật từng đề cập hay không nhưng nhiều người tin rằng hoa này chỉ xuất hiện ở môi trường sinh thái yên lành.

Theo Như Phú (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan