Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ

Ngày 01/12/2014 08:58 AM (GMT+7)

Trung tâm dành cho trẻ cơ nhỡ tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc là nơi dành cho những trẻ lang thang, không nơi nương tựa. Những đứa trẻ cứ đến rồi lại đi, sự cô đơn dường như đã hằn lên những gương mặt còn non nớt.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 1

Tại đây, những đứa trẻ sống tập thể và cũng thường chơi đùa cùng nhau. Mười một năm trước, một tổ chức cứu trợ những trẻ em lang thang và ăn xin được thành lập tại Trung Quốc với nguyên tắc “giúp đỡ tự nguyện, hỗ trợ miễn phí”. Mỗi năm ở đây tiếp nhận thêm từ 30 đến 40 trẻ em như vậy.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 2

Trong bức ảnh là bé Tiểu Tằng, 12 tuổi, người Tứ Xuyên. Ngày 8/4/2014, trong khi đang lang thang tại khu Tự Vân, Quảng Châu, em được các cảnh sát địa phương phát hiện và đưa tới trại trẻ mồ côi. Ngày 10/9/2014, em được đưa tới Trung tâm dành cho trẻ cơ nhỡ tỉnh Quảng Châu. Cũng giống như Tiểu tằng, ở đây còn rất nhiều bạn nhỏ có hoàn cảnh giống em.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 3

Bé trai Trần Nam năm nay 12 tuổi, em có thân hình bé nhỏ, khi nói chuyện có thói quen nheo một bên mắt. Em rất ít khi kể về quá khứ của mình, mọi người chỉ biết Trần Nam là người tỉnh Quý Châu, năm học lớp 4 do gia đình nghèo khó nên bỏ học rồi bỏ nhà ra đi. Em nói mình rất muốn về nhà, nhưng chỉ muốn tìm gặp bạn bè, còn đối với bố mẹ, em chỉ nói “không biết”

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 4

Trước khi đến với Trung tâm, Đại Hải là một đứa trẻ lang thang tại bến xe lửa Quảng Châu, sau đó được cảnh sát phát hiện và đưa tới đây. Trong nỗ lực tìm kiếm gia đình giúp em, phía cảnh sát đã lật tìm tất cả các thông tin có thể nhưng vẫn vô vọng. “Cháu muốn về nhà!” nói xong, ánh mắt Đại Hải bỗng trở nên thất thần, không biết em đang nghĩ những gì.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 5

Nhiếp Hải, đây là cái tên mà bé trai có đôi mắt một mí được Trung tâm đặt cho, em không nhớ rõ tên mình là gì và bố mẹ em là ai. Nhiếp Hải chỉ biết mình tầm 13 tuổi. Lần cuối cùng em đi “lang bạt” là ngày 30/10/2013, sau đó được đưa tới Trung tâm này.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 6

Sa Huy, bé gái vốn không tên, năm nay chừng 13 tuổi, em mắc chứng chậm phát triển. Em được đưa tới trung tâm vào ngày 7/6/2013.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 7

Tiểu La, 15 tuổi, người tỉnh Tứ Xuyên. Khi mới 12 tuổi, trong khi các bạn cùng trang lứa vẫn đang đi học và sống trong vòng tay bao bọc của bố mẹ, em đã ra ngoài lao động, em từng đến Thành Đô, Chu Hải, Quảng Châu làm công nhân cho xưởng máy tính, cửa kính, xây dựng…

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 8

Trần Biểu, 17 tuổi, tháng 10/2012, em tự ý bỏ trốn khỏi gia đình nhận nuôi mình, tới tỉnh Tứ Xuyên tìm người thân, nhưng đi mãi, đi mãi mà không thể tìm thấy. Cuối cùng Trần Biểu được Trung tâm dành cho trẻ cơ nhỡ nhận nuôi vào ngày 15/11.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 9

Trong ảnh là bé trai Ôn Lệ Cầm, năm nay em đã khoảng 13 tuổi, nhưng do mắc chứng chậm phát triển trí tuệ, em không thể nhớ tên, cũng như gia đình mình là ai.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 10

3 năm trước, bé gái Mai Tuyết được bố đưa tới cổng viện gần vườn hoa Lưu Hoa, Quảng Châu rồi đi mất. Được biết bố của em tên Lạn Thành, do nợ nần quá nhiều nên phải trốn chạy. Lúc đó, bé gái 13 tuổi đã đứng đợi bố 2 ngày liền trên đường quốc lộ, khóc lóc và sợ hãi, em biết rằng bố sẽ không còn đến đón mình nữa. “Cháu biết rằng với bố cháu là một gánh nặng. Cháu không hận bố”, Mai Tuyết cũng cho biết, ước mơ của cô bé là đỗ vào đại học, nhưng bây giờ thì không thể được nữa rồi.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 11

Kỳ nghỉ hè vừa rồi, Võ Lực được bố đưa đến Quảng Châu, còn thuê một căn phòng rộng rãi, định rằng nghỉ hè, anh sẽ có nhiều thời gian để chăm con học hành. Đáng tiếc công việc quá bận rộn nên ý định của anh không thành. Sự kỳ vọng của bố luôn khiến Võ Lực cảm thấy áp lực nặng nề. Cuối hè, cậu bé mang theo một khoản tiền nhờ rồi bỏ nhà đi chơi, nhưng không ngờ đi quá xa, không thể tìm được đường về.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 12

Tiểu Dũng, bé trai khoảng 12 tuổi, trước khi tới đây em là một đứa trẻ lang thang. Em nói mình là người Vân nam, nhưng không nhớ rõ địa chỉ gia đình. Rất may mắn sau đó, qua các phương tiện thông tin, cuối cùng em cũng đã tìm được gia đình và được mẹ tới đón về.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 13

Tháng 8/2014, bé gái Vũ Xuyến được đưa về Trung tâm trong khi đang lang thang ăn xin trên đường. Ngày đầu tại trung tâm, sau khi tắm rửa và thay quần áo mới, em đã không tin được bé gái trắng trẻo trong gương chính là mình. Được biết, ông nội Vũ Tuyết cũng làm nghề ăn xin, cứ mỗi mùa hè lại mang bé theo ăn xin trên những con đường đông người qua lại. “Cứ mỗi lần không xin được tiền, ông nội lại đánh cháu. Cháu không muốn đi ăn xin, cháu muốn được đi học”, em kể lại. Tới ngày 1/9/2014, cô bé đã được bố mẹ đón về nhà chăm sóc.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 14

Tạo Nghiệp năm nay 14 tuổi. Được biết mẹ em qua đời từ rất sớm, sau đó bố em cũng mất do uống rượu quá nhiều. Do không thích bị chị bắt đi học, Tạo Nghiệp bỏ nhà ra đi. Đến khi muốn trở về mới phát hiện mình đã đi quá xa rồi… Cậu bé vô cùng hối hận, nói rằng mình rất nhớ chị, muốn gặp chị để nhận lỗi: “Chị muốn em đi học, em nhất định sẽ đi học, sẽ không làm chị tức giận nữa”.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 15

Tiểu Phi khi được các cảnh sát phát hiện không biết nói tiếng Trung, cũng không biết nói tiếng Anh, thứ ngôn ngữ địa phương mà em nói các cảnh sát không thể hiểu. Sau khi được đưa tới trung tâm, em cũng rất nhanh chóng hòa nhập và học ngôn ngữ. Các nhân viên ở đây đã rất nỗ lực tìm gia đình cho em, cuối cùng Tiểu Phi được xác nhận mang quốc tịch Gambia và được gia đình đón về đoàn tụ.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 16

Các nhân viên Trung tâm vẫn không thể quên đươc ngày Lại Tinh Vận được đưa tới đây, trong tay cậu bé nắm chặt bức thư trước khi qua đời của bố. Bởi lẽ là con riêng nên đến nay em vẫn chưa hề có chứng minh thư, cũng không có người thân nào nghĩ đến việc nhận em về nuôi. Lại Tinh Vân rất ham đọc sách, cậu bé có lối suy nghĩ già dặn trước tuổi. Trong khi các bạn khác vẫn đang nuôi hy vọng tìm lại được người thân và có một mái ấm thì em luôn bình lặng vì em biết mình không còn nới nào để quay về.

Cuộc sống cô đơn của trẻ ở trung tâm cơ nhỡ - 17

Dương Chí, năm 2003 em bỏ nhà đi lang thang, năm 2008 được đưa về Trung tâm cho tới tuổi trưởng thành. Em rất mong có thể sớm được đi làm và trở thành nhân viên một công ty lớn. Đối với những đứa trẻ cơ nhỡ mà nói, nếu như không nhận được sự thu nhận và giúp đỡ từ phía những tổ chức từ thiện, các em sẽ phải đối mặt với vô số những khó khăn, tủi nhục và rất dễ sa ngã

Quỳnh Trang (QQ)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan