Đà Nẵng - Quảng Nam đang gồng mình chống bão số 3

Ngày 14/09/2015 15:22 PM (GMT+7)

Bão đang đổ bộ vào vùng biển Lý Sơn (Quảng Nam) với sức gió ở gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, 10.

Tại Quảng Nam: 

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tại (19 giờ 45), bão số 3 đã đi vào đảo Lý Sơn và tâm bão đang đổ bộ vào đất liền giữa Quảng Nam và Đà Nẵng. Tại đảo Lý Sơn ghi nhận gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, 10. Được biết, sau khi bão đổ bộ vào Quảng Nam và Quảng Ngãi sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.

Thông tin mới nhất chúng tôi nhận được, hiện tại, có khoảng 200 du khách đang bị mắc kẹt tại huyện đảo Lý Sơn. Do ảnh hưởng của bão số 3, tàu khách không hoạt động nên số du khách này không thể vào đất liền.

Đà Nẵng - Quảng Nam đang gồng mình chống bão số 3 - 1

Bão đang đổ bộ vào Quảng Nam

Đến tối cùng ngày, có gần 650 người dân trú tại huyện Duy Xuyên được sơ tán đến nơi an toàn để tránh bão số 3. Trong đó, xã Duy Hải có 13 hộ với 95 nhân khẩu được sơ tán đề phòng bị xói lở vào khu tái định cư. Xã Duy Vinh có 90 hộ với 198 nhân khẩu được sơ tán…

Người dân vùng ven sông tại Hội An có nghề nuôi tôm, khoảng thời gian này tôm vẫn chưa đạt đến độ “chín” để xuất. Tuy nhiên, do mưa bão kéo đến sớm, tránh trường hợp mất trắng, người dân đành phải thu hoạch non. Không ít người dân đành ngậm đắng chấp nhận bị thương lái ép giá.

Chị Lương Thị Hiền chia sẻ: “Nếu không thu hoạch tôm non và chấp nhận bán giá rẻ thì rất có nguy cơ bị mất trắng. Thu lại được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu”.

Đến 19 giờ cùng ngày, sau một khoảng thời gian trời quang mây tạnh, trời lại tiếp tục mưa to gió lớn. Công an Hội An cũng thực hiện chặn hai đầu cầu Cửa Đại, cấm người và phương tiện qua lại vì gió trên cây cầu này rất lớn.

Bộ đội biên phòng Cửa Đại trực tiếp hướng dẫn các chủ phương tiện tàu thuyền và ca nô cao tốc vào neo đậu ở những khu vực an toàn. Đến 19 giờ cùng ngày, cơ  hơn 1000 phương tiện đánh bắt khai thác thủy, hải sản cùng ca nô cao tốc đã được đưa vào neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều…

Tại thị xã Điện Bàn, chính quyền đặc biệt lưu ý những địa phương vùng đông, nơi “đón” gió bão, và các vùng sạt lở ven sông khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng tránh, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cán bộ thực hiện ưu tiên bố trí xen ghép hộ già yếu, neo đơn, người tàn tật ở nhà kiến cố của dân trong tại địa phương.

Ông Trần Văn Mai (Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc) cũng trực tiếp chỉ đạo cán bộ, người dân thực hiện phòng chống cơn bão số ba. Ông yêu cầu lực lượng xung kích ở địa phương giúp người dân chằng chống nhà cửa, di chuyển người đến nơi tạm trú an toàn, luôn trong tình trạng sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.

Ông cũng ra quyết định cấm người, phương tiện đi lại trên những tuyến đường ngập sâu, nước chảy xiết. Trong đó, ông nhấn mạnh các đoạn ĐT609 qua ba cây cầu Ba Khe thuộc xã Đại Đồng và xã Đại Lãnh, đoạn ĐT 609B qua cầu Đại Hiệp thuộc xã Đại Hiệp.

Thời gian này, cánh đồng 600 ha lúa đang độ chín. Tuy nhiên, tránh trường hợp mất trắng, hôm nay, người dân cũng nhanh chóng ra đồng gặt về.

Ở các huyện Hiệp Đức, Núi Thành, Nông Sơn, Nam Giang, Tây Giang… có khá nhiều khu vực trồng cao su. Vào năm 2013, cơn bão số 11 đã “cướp” nhiều ha cao su, gây gãy đổ nghiêm trọng. Do đó, khi nghe tin cơn bão số 3 ập vào khu vực Quảng Nam, người dân vô cùng lo lắng. Do đó, người dân chủ động kéo níu, chặt tỉa cảnh những vườn cao su tiểu điền và đại điền để giảm thiểu thiệt hại.

Đà Nẵng - Quảng Nam đang gồng mình chống bão số 3 - 2

Cây xanh đổ nhiều nơi

Thượng tá Nguyễn Văn Mỹ (Đồn trưởng Đồn biên phòng Cù Lao Chàm) cho biết, có 10 chiếc thuyền với khoảng 100 thủy thủ không kịp di tản vào khu vực neo đậu tránh bão. Phương án được đưa ra, các thuyền này đành phải neo đậu tạm thời ở Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, ở khu vực này chỉ đảm bảo trú ẩn khi gió ở cấp 6 – cấp 7.

Đến chiều tối cùng ngày, Đồn biên phòng đã đưa khoảng 100 ghe thuyền lên bờ và hướng dẫn hơn 300 pương tiện tàu thuyền của bà con và ngư dân các tỉnh lân cận đang đánh bắt tại vùng biển Cù Lao Chàm vào âu thuyền trên đảo trú bão. Đồng thời, lực lượng đã triển khai giúp nhân dân chằng chống nhà cửa và các hàng quán…

Ông Lê Muộn (Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam) cho biết, toàn tỉnh có 3.500 ha lúa vụ hè thu chưa thu hoạch. Trong đó, ở miền núi có 3.000 ha và vùng đồng bằng 500 ha. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có khoảng 1.000 ha bắp các loại chưa kịp thu hoạch do gieo trồng trễ.

Tại Đà Nẵng: Đến 17 giờ chiều 14/9, tại Đà Nẵng, mây mù kéo đen trời. Người dân tiếp tục công tác xem xét, chằng chống lại nhà cửa để đón bão vào tối nay. Lực lượng công an, dân phòng đã đưa hơn 400 thuyền, ghe và thuyền thúng vào bờ tránh bão. Trên địa bàn toàn thành phố, chính quyền đã yêu cầu toàn bộ ngư dân rời các nhà bè để đảm bảo an toàn.

Đà Nẵng - Quảng Nam đang gồng mình chống bão số 3 - 3

Đà Nẵng ngập tràn trong mưa lớn, người dân vội vã về nhà

Đà Nẵng - Quảng Nam đang gồng mình chống bão số 3 - 4

Những con đường dần vắng bóng người

Tại Bãi Ngang, người dân cùng cán bộ cố gắng kéo từng chiếc thuyền thúng lên bờ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sử dụng xe cẩu để cẩu ghe thuyền vào nơi neo đậu an toàn. 

Bà Trần Thị Thanh Tâm (Chủ tịch UBND quận Sơn Trà) cho biết, ngay từ sáng sớm đã huy động toàn bộ lực lượng dân phòng thường trực, ban chỉ huy quân sự, quy tắc đô thị, cán bộ xuống giúp dân. Ngoài ra, quận còn nhờ sự giúp đỡ của lực lượng Vùng 3 Hải Quân và Bộ đội Biên phòng giúp đỡ. Việc giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền được xem là nhiệm vụ quan trọng.

Mặc dù vậy, ở khu vực ven biển TP Đà Nẵng, vẫn có một số tàu thuyền không thể di chuyển kịp vào bờ. Do đó, các thuyền này được neo đậu tạm ở các bãi đá.

Mưa lớn gây ngập tại nhiều tuyến đường, phía Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố đã triền khai lực lượng thường trực tại các điểm nóng, lực lượng tiến hành vớt bèo khơi thông dòng chảy, vận hành các trạm bơm và triển khai thoát nước…

Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II cho biết vào ngày 14/9, phát hiện một chiếc thuyền ông Phan Ngọc Liên làm chủ gặp nạn trên biển. Trên thuyền có sáu thuyền viên. Khi nhận được thông tin, phía cứu nạn đã điều động tàu SAR 412 tại Đà Nẵng đi cứu nạn. Đến nay, tàu đã cập cảng an toàn và đưa các nạn nhân vào bờ.

Đà Nẵng - Quảng Nam đang gồng mình chống bão số 3 - 5

Chuẩn bị đối đầu với bão, nhiều người dân che chắn lại tài sản

Đà Nẵng - Quảng Nam đang gồng mình chống bão số 3 - 6

Cây cối đổ trên đường là cảnh tượng dễ dàng nhận thấy

Đà Nẵng - Quảng Nam đang gồng mình chống bão số 3 - 7

Cây ngã ngay giữa đường

Đà Nẵng - Quảng Nam đang gồng mình chống bão số 3 - 8

Nhiều người dân phải đẩy bộ xe vì không "chống chọi" được với gió dữ

Đà Nẵng - Quảng Nam đang gồng mình chống bão số 3 - 9

Gió quá lớn, người dân phải đẩy xe

Đà Nẵng - Quảng Nam đang gồng mình chống bão số 3 - 10

Người dân che chắn lại tài sản

Đà Nẵng - Quảng Nam đang gồng mình chống bão số 3 - 11

Tất cả các trường học được nghỉ

Đà Nẵng - Quảng Nam đang gồng mình chống bão số 3 - 12

Nhiều đường trung tâm, các cửa hàng kinh doanh đồng loạt đóng cửa

Đà Nẵng - Quảng Nam đang gồng mình chống bão số 3 - 13

Thuyền dập dềnh neo đậu trên sông Hàn

Nhật Phước
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot