Đại dịch Ebola: Một tuần với những quyết định sống còn

Ngày 11/08/2014 08:27 AM (GMT+7)

Tình hình dịch Ebola đang có diễn biến phức tạp vượt xa khỏi phạm vi của Châu Phi và có thể lây lan vào Việt Nam bằng đường hàng không. Bộ Y tế, các tỉnh đã lên kế hoạch phòng chống.

Bộ Y tế đã làm được những gì?

Gần 1000 người chết vì Ebola tại Châu Phi và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo dịch Ebola có thể lây lan rộng ra ngoài biên giới các nước Tây Phi. Trước tình hình dịch bệnh, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng và chống dịch nếu Ebola vào nước ta. 

Ngày 4/8, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành về dịch Ebola với vi rút gây bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (tới 90% số ca bệnh).

Để ngăn chặn dịch lây lan vào Việt Nam, Bộ đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phối hợp với cơ quan chức năng tại cửa khẩu giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, đặc biệt đến từ quốc gia có dịch bệnh; thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola và có tiền sử đi về từ vùng dịch trong vòng 21 ngày, cơ quan liên quan cần thực hiện ngay các biện pháp cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.

Ngày 6/8/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh do vi rút Ebola. Quyết định đưa ra 3 tình huống có thể xảy ra.

Đại dịch Ebola: Một tuần với những quyết định sống còn - 1

Ebola lây nhiễm trực tiếp từ người sang người.

Tình huống thứ nhất trong điều kiện chưa ghi nhận ca bệnh Ebola nào tại Việt Nam. Trong điều kiện này, các đơn vị cần giám sát tại các cửa khẩu. Sử dụng máy đo thân nhiệt, quan sát thể trạng các khách đến hoặc trở về từ vùng dịch. Nếu nghi ngờ thì kịp thời cách ly. Giám sát, điều tra chặt chẽ tình hình sức khỏe các trường hợp mới trở về từ vùng dịch trong 21 ngày.

Tình huống thứ 2 là xuất hiện ca bệnh xâm nhập vào nước ta. Yêu cầu đối với tình huống này là cách ly ca bệnh và xử lý triệt để ổ dịch, điều tra lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài ra giám sát, theo dõi sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh trong 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.

Đại dịch Ebola: Một tuần với những quyết định sống còn - 2

Vi rút Ebola gây sốt xuất huyết Ebola

Tình huống thứ 3 là dịch lây lan trong cộng đồng. Tình huống này yêu cầu phát hiện sớm các ca mắc, xử lý ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng. Đối với các địa phương chưa ghi nhận trường hợp bệnh thì giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp ca bệnh nghi ngờ. Ở các ổ dịch đã xác định thì giám sát điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp phát hiện bệnh.

Cùng với các tình huống trên, Bộ Y tế cũng đã lên phương án chuẩn bị cho kiểm dịch biên giới, chuẩn bị cơ số thuốc, giường bệnh…và đang tiến hành lập phác đồ chẩn đoán, điều trị Ebola.

Bộ Y tế đã có công văn gửi đến 4 đơn vị là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông Vận tải đề nghị phối hợp trong việc áp dụng kiểm soát việc thực hiện tờ khai y tế tại tất cả các cửa khẩu quốc tế trong cả nước.

Theo đó, các hành khách đến từ vùng dịch sẽ khai báo về nhân thân và tình hình sức khỏe của mình. Trong trường hợp kiểm dịch viên phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc Ebola, ngay lập tức khách sẽ được cách ly và điều trị. Việc áp dụng tờ khai y tế sẽ được triển khai vào 00h ngày 15/8/2014 tại tất cả các cửa khẩu quốc tế.

Hà Nội, TP.HCM mạnh mẽ với Ebola

Cũng trong ngày 6/8, Sở Y tế TP. HCM đã họp giao ban với các quận, huyện về phòng chống dịch bệnh. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tăng cường giám sát để phát hiện, có biện pháp phòng ngừa và điều trị khi có ca bệnh do vi rút Ebola xuất hiện trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là các quận, huyện có nhiều người nước ngoài nhập cư, du lịch hoặc di chuyển từ vùng nguy cơ cao đến như khu vực phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, thành phố đang theo dõi, cập nhật chặt chẽ thông tin diễn biến bệnh do vi rút Ebola trên thế giới, đồng thời tập trung giám sát để phát hiện ca bệnh ngay từ cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất và các cảng quốc tế. 

Các bệnh viện lớn thông qua những dấu hiệu dịch tễ nghi ngờ có biện pháp theo dõi để có hướng cách ly, điều trị bệnh. Ngoài ra, Sở Y tế sẽ tăng cường thông tin, kiến thức về dịch bệnh đến cho người dân để chủ động phòng chống.

Đại dịch Ebola: Một tuần với những quyết định sống còn - 3

Ebola gây xuất huyết ngoài, suy gan.

Tại Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố đã giao cho Sở Y tế thành phố - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola đảm bảo chủ động ứng phó và tham mưu kịp thời cho Ủy ban Nhân dân thành phố, Bộ Y tế.

Sở Y tế thành phố Hà Nội cần chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế giám sát dịch bệnh với các đối tượng có nguy cơ, phát hiện sớm ca bệnh, tổ chức kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, giám sát chặt chẽ các trường hợp khách du lịch, người lao động về từ các vùng có dịch...; sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định. 

Triển khai việc khai báo y tế tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài với người nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch; kiểm soát, chỉ đạo xử lý dịch nhanh trên các chuyến bay.

Đối với trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu, triệu chứng bệnh tại các cơ sở y tế và cộng đồng.... Các trường hợp mới trở về Việt Nam từ các vùng bệnh dịch để theo dõi, chẩn đoán và xử trí kịp thời, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Khi có ca bệnh nghi ngờ, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành cùng hành động vì Ebola

Trong diễn biến của dịch Ebola, trong các ngày từ 6 - 8/8/2014, WHO đã họp tại trụ ở Thụy Sĩ để đánh giá tình hình dịch bệnh và đến ngày 8/8, WHO tuyên bố sự lây lan nhanh chóng của vi rút Ebola là “một sự việc bất thường” và đe dọa tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới. 

WHO cho biết nguy cơ bệnh dịch Ebola lan rộng trong cộng đồng quốc tế đặc biệt nghiệm trọng. Bệnh dịch này đã khiến gần 1.000 người ở 4 quốc gia thuộc khu vực phía Tây châu Phi tử vong. Trong một tuyên bố, WHO nêu rõ: “Cộng đồng quốc tế cần phải phối hợp hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh Ebola trên toàn thế giới”. Tình trạng y tế khẩn cấp được triển khai ở tất cả các nước để ngừa Ebola.

Chiều 9/8/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi Công điện khẩn về yêu cầu phòng chống dịch bệnh Ebola. Công điện của Thủ tướng cho biết, bệnh do vi rút Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. 

Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường và dụng cụ bị ô nhiễm dịch bệnh. 

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola.

Theo Khánh Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot