Kỳ lạ đại dịch khiến hàng nghìn người tử vong trong vài tháng nhưng nhiều người lại muốn nhiễm bệnh

Bảo Linh - Ngày 24/08/2020 00:08 AM (GMT+7)

Đợt bùng phát kinh hoàng cướp đi sinh mạng 1/10 dân số thành phố Philadelphia đến nay chỉ còn là ký ức. Tuy nhiên, căn bệnh không hề bị xóa sổ mà hàng năm vẫn âm ỉ tàn phá các quốc gia nghèo, chậm phát triển.

Với dân số khoảng 55.000 người năm 1793, Philadelphia khi đó là một trong những thành phố lớn nhất nước Mỹ và là một thành phố cảng nhộn nhịp. Mùa hè năm đó khô nóng một cách lạ thường. Mực nước của những con suối và giếng nước giảm đến mức nguy hiểm và trở thành nơi sống tuyệt vời cho côn trùng. Đến tháng 7, cư dân thành phố nhận thấy số lượng ruồi, muỗi bu quanh bến tàu nhiều bất thường. Cùng tháng đó, một lượng nhỏ người tị nạn bỏ trốn khỏi tình trạng hỗn loạn chính trị ở quần đảo Caribe đã lên tàu tới đây. Cư dân của thành phố không hề biết rằng tất cả những yếu tố trên chính là nguyên liệu cần thiết cho một thảm họa sức khỏe chưa từng có.

Những người tị nạn vùng Caribe khi đến đây đã mang theo một căn bệnh có tên sốt vàng da. Những con muỗi hung hãn của Philadelphia cung cấp phương tiện lây bệnh hoàn hảo khi chích nạn nhân nhiễm bệnh, sau đó đi đốt những người khỏe mạnh khác. Những trường hợp tử vong đầu tiên xuất hiện vào tháng 7 và con số tăng dần đều mỗi ngày.

Kỳ lạ đại dịch khiến hàng nghìn người tử vong trong vài tháng nhưng nhiều người lại muốn nhiễm bệnh - 1

Ban đầu, bệnh nhân bị đau nhức ở đầu, lưng và tay chân kèm sốt cao. Những triệu chứng này thường biến mất, để lại cảm giác an toàn giả cho người bệnh. Chỉ sau một thời gian ngắn, chúng quay trở lại và lần này bệnh nhân sốt nặng hơn, làn da chuyển sang màu vàng khủng khiếp, nôn ra những cục máu đen. Khi nạn nhân rơi vào trạng thái sững người thì cái chết sẽ đến nhanh chóng.

“Nó được gọi là sốt vàng da, nhưng không có biểu hiện nào giống như những gì các bác sĩ biết đến hoặc đọc được”, Ngoại trưởng Mỹ Thomas Jefferson viết vào tháng 9/1793.

Vào thời điểm đó, không ai biết nguyên nhân của căn bệnh sốt vàng da và nó lây lan như thế nào. Một số người cho rằng nó đến Philadelphia từ con tàu vận chuyển những người tị nạn Pháp sau cuộc nổi dậy của nô lệ ở Santo Domigo (giờ là Haiti). Những người khác, trong đó có bác sĩ Benjamin Rush, tin rằng căn bệnh bắt nguồn từ điều kiện vệ sinh kém và không khí ô nhiễm của thành phố.

Người dân Philadelphia khi đó tuyệt vọng tìm cách phòng bệnh. Họ bắt đầu giữ khoảng cách với nhau, tránh bắt tay, che mặt bằng khăn nhúng giấm hoặc thuốc lá hun khói. Người ta tin loại khẩu trang đặc biệt này sẽ ngăn họ hít phải không khí bị ô nhiễm.

Kỳ lạ đại dịch khiến hàng nghìn người tử vong trong vài tháng nhưng nhiều người lại muốn nhiễm bệnh - 2

Không biết được mối liên hệ giữa muỗi và sự tiến triển của căn bệnh, cộng đồng y tế Philadelphia khi đó bị sốc. Tiến sĩ Benjamin Rush, bác sĩ hàng đầu thành phố và là người ký Tuyên ngôn Độc lập đã khuyên người dân rời đi. Ông làm việc không mệt mỏi để an ủi và cứu những nạn nhân không may, tuy nhiên mọi nỗ lực đều vô ích. Một bộ phận dân cư cùng với các thành viên Quốc hội, Tổng thống Washington và nội các của ông đã rời bỏ thành phố. Căn bệnh thuyên giảm và cuối cùng biến mất khi thời tiết chuyển lạnh vào tháng 11. Người ta ước tính đến lúc này đã có khoảng 2.000 người chết vì căn bệnh lạ.

Samuel Breck là một thương gia Philadelphia mới đến thành phố. Ông từng viết: "Tôi chắc chắn không thể định cư ở Philadelphia bởi vào tháng 7/1793, dịch sốt vàng da bùng phát và lan nhanh vào tháng 8, buộc tất cả công dân phải rời đi để tìm kiếm sự an toàn. Bố tôi đã đưa gia đình tới Bristol và vào cuối tháng 8 tôi đã theo ông. Tôi buộc phải quay lại thành phố vào ngày 8/9 và ở lại đây vào ngày mùng 9. Mọi thứ đều ảm đạm, có 45 người chết chỉ trong ngày mùng 9. Tuy nhiên, nó chưa là gì bởi từ ngày 1-12/10 có hàng nghìn người đã chết. Vào ngày 12/10, một đợt lạnh gay gắt đến, kìm hãm sự tàn phá của nó".

Nỗi kinh hoàng của dịch bệnh này không gì tả xiết. Tất cả mọi người đều rối loạn, bệnh nhân được điều trị một cách vụng về. Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh, từ 10 nạn nhân một ngày trong tháng 8 lên hàng trăm người một ngày trong tháng 10 khiến các bác sĩ khiếp sợ và đưa ra những phương thức điều trị trái ngược nhau. Họ và những người bảo vệ thành phố đều bị sốc. Không có bệnh viện, phòng khám nào sẵn sàng điều trị cho người nghèo. Trong một khoảng thời gian dài, người ta chẳng biết làm gì ngoài việc chuẩn bị quan tài và chôn cất người chết. Cuối cùng, một ngôi nhà lớn trong khu phố được trang bị để biến thành bệnh viện dã chiến, một vài nhà hảo tâm tình nguyện quản lý nó. Đứng đầu trong số này là Stephen Girard, người đàn ông giàu nhất nước Mỹ khi đó.

Trong các gia đình, bố mẹ, con cái đều sống lay lắt và chết dần mà không có ai giúp. Những người giàu thì đã sớm bỏ đi, nên dân số thành phố giảm xuống còn một nửa. Sự tàn phá của căn bệnh gia tăng và những người khỏe mạnh cũng bị đánh bại vào một ngày nào đó. Đỉnh điểm của căn bệnh này là khi bệnh nhân khỏa thân chạy từ giường ra đường. Trong một số trường hợp, người bệnh ngã xuống sông chết đuối. Sự điên rồ thường là giai đoạn cuối khủng khiếp của căn bệnh này.

Kỳ lạ đại dịch khiến hàng nghìn người tử vong trong vài tháng nhưng nhiều người lại muốn nhiễm bệnh - 3

Ban đầu, nhiều bác sĩ Philadelphia tin rằng người Mỹ gốc Phi miễn dịch với bệnh sốt vàng da do sự khác biệt sinh học dựa trên chủng tộc. Thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, tỷ lệ người da đen tử vong cao hơn do họ ít được tiếp xúc với các dịch vụ y tế.

Lúc này có một nghịch lý là những nô lệ da đen đã mắc bệnh và có miễn dịch bỗng chốc được giá hơn hẳn cho chủ nô so với người chưa mắc, cao hơn 50%. Các công ty bảo hiểm nhân thọ thời đó từ chối những người muốn đăng ký mua bảo hiểm mà chưa từng nhiễm sốt vàng da hoặc đòi hỏi mức phí cao hơn nhiều lần. Việc có hay không miễn dịch với sốt vàng da cũng quyết định cả khu vực nơi người dân nhập cư được sinh sống; quyết định mức lương, quyết định một người có được vay tiền hay không, thậm chí có thể kết hôn với ai….

Vì thế, nhiều người da đen đã tìm cách để nhiễm bệnh. Họ sống chung với nhau trong những căn phòng chật trội, bẩn thỉu, dùng lại giường của bệnh nhân sốt vàng da để được nhiễm bệnh. Họ hy vọng một khi đã nhiễm và khỏi bệnh, họ sẽ được thoải mái làm ăn và đổi đời trong lúc người da trắng còn đang sợ sệt trốn trong nhà.

Vào thời điểm dịch bệnh lắng xuống là tháng 11/1793, căn bệnh đã giết chết khoảng 5.000 người, tức là khoảng 1/10 dân số Philadelphia khi ấy và lây nhiễm cho hàng trăm nghìn người khác. Mặc dù có nhiều nghiên cứu sâu rộng trong nhiều thập kỷ nhưng phải mất hơn 100 năm, bác sĩ Walter Reed mới chứng minh được muỗi mang virus sốt vàng da.

Sốt vàng da từng gây ra nhiều trận dịch tàn khốc. Vào thế kỷ 18, sốt vàng da lây lan tại Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Anh. Trong thế kỷ 19, khoảng 300.000 người Tây Ban Nha chết vì sốt vàng da. Vào thời kỳ cách mạng Haiti năm 1802, gần một nửa quân đội Pháp cũng chết vì căn bệnh này. Cho đến nay, các nhà khoa học đã tìm ra được vắc xin cho bệnh sốt vàng da, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nước chậm tiến chưa được chủng ngừa. WHO ước tính trong năm 2001 đã có 200.000 người bị sốt vàng da, trong đó có 30.000 người tử vong.

Cúm Tây Ban Nha: Một con chim đậu xuống cửa sông gây ra đại dịch kinh hoàng nhất lịch sử
Khoảng 50 - 100 triệu người trên toàn thế giới đã tử vong trong vòng 2 năm khiến dịch cúm Tây Ban Nha (1918 - 1920) trở thành đại dịch kinh hoàng nhất...
Bảo Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h