Để người sổ mũi, đứt tay không phải chạy đi bệnh viện trung ương

Ngày 24/03/2015 17:22 PM (GMT+7)

Không tin tưởng vào hệ thống cơ sở y tế ở cơ sở xã/phường, nhiều người ở Việt Nam dù chỉ mắc bệnh thông thường, sổ mũi, đứt tay cũng nhất quyết phải lên bệnh viện tuyến trên điều trị.

Đây là nghịch lý được các chuyên gia chỉ ra tại Hội nghị Tăng cường y tế cơ sở, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, tổ chức tại Huế ngày 24/3. Theo đó, các chuyên gia nhận định thực tế hiện nay, nhiều người dân chỉ bị hắt hơi sổ mũi, đứt tay chảy máu nhưng khôngđiều trị ở các cơ sở y tế xã, huyện mà cứ đổ lên tuyến tỉnh hoặc trung ương.

 Không tin bác sĩ cơ sở, dân đổ lên tuyến trên điều trị

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, hiện nay mạng lưới y tế cơ sở đã bao phủ rộng khắp các địa phương, đến tận xã phường, thôn bản, đảm bảo 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại tuyến cơ sở. Hầu hết các trạm y tế xã đã có quầy thuốc và đảm bảo đủ các thuốc thiết yếu theo danh mục được quy định.

Để người sổ mũi, đứt tay không phải chạy đi bệnh viện trung ương - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, ông Tuấn đánh giá, so với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân hiện nay, hệ thống y tế cơ sở còn nhiều hạn chế. Nguồn lực và quản lý còn yếu, không thu hút nhân lực được đào tạo; cơ chế tài chính cho sức khỏe ban đầu không khuyến khích y tế cơ sở cung ứng dịch vụ y tế.

Một thực tế hiện nay là tại nhiều địa phương, người dân ít khám chữa bệnh ở các điểm tuyến thuộc xã huyện mà cứ đổ lên tuyến tỉnh hoặc trung ương. Có những người chỉ mắc bệnh thông thường, hắt hơi, sổ mũi cũng phải lên bệnh viên trung ương để khám điều trị. Đây gọi là tình trạng vượt tuyến, gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên; làm tăng chi phí cho chăm sóc sức khỏe; khiến hệ thống y tế kém công bằng, hiệu quả.

Một trong những ý kiến được nhiều chuyên gia y tế đến từ các quốc gia chia sẻ tại hội nghị là chế độ, chính sách đãi ngộ đối với những cán bộ làm việc tại tuyến y tế cơ sở. Bởi có một thực tế khác là nhiều người được đào tạo bài bản rồi về các cơ sở y tế xã, huyện làm việc. Nhưng sau đó, họ không còn được bồi dưỡng nâng cao tay nghề dẫn đến thui chột. Chính điều này cũng khiến cho người dân thiếu tin tưởng vào sự đảm bảo của các cơ sở y tế tuyến dưới.

Giải pháp nâng cao y tế cơ sở

TS Takeshi Kansai, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi cơ quan quan lý phải tổ chức dịch vụ y tế cơ sở dựa trên nhu cầu của người dân. Trong đó, mạng lưới y tế cơ sở phải cung cấp dịch vụ y tế dự phòng.

Trong khi đó, theo  GS Phạm Mạnh Hùng phải thay đổi quan niệm coi nhẹ y tế cơ sở, người làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu kém hơn người làm y học chuyên sâu, kỹ thuật cao.

Ngài Suwit Wibulpolprasert (Chuyên viên cao cấp của Bộ Y tế Thái Lan) chia sẻ bài học phát triển y tế cơ sở ở Thái Lan. Theo đó, Thái Lan đã dành 5 năm không đầu tư vào bệnh viện tại các đô thị mà dành ngân sách cho y tế cơ sở. Những người ở nông thôn được đi học tại các trường y, tuyển dụng vào các bệnh cơ sở y tế sau khi tốt nghiệp nhưng điều kiện đặt ra là những người này phải phục vụ y tế cơ sở ít nhất 2 năm.

Ngài Suwit Wibulpolprasert lưu ý về chế độ đãi ngộ đối với những người về phục vụ y tế cơ sở. Đặc biệt là học sinh ở nông thôn được đầu tư hỗ trợ học y và được định hướng học xong quay về nông thôn làm việc.   

Để người sổ mũi, đứt tay không phải chạy đi bệnh viện trung ương - 2

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những chia sẻ của ngài Suwit Wibulpolprasert. 

Mặt khác ngài Suwit Wibulpolprasert cho rằng, người làm công tác y tế cơ sở không nên thụ động. Cán bộ y tế phải được huy động đến các thôn bản phối hợp với những người tình nguyện chăm sóc sức khỏe cho người già, người khuyết tật, người bệnh mãn tính.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những chia sẻ của ngài Suwit Wibulpolprasert. Đó là việc xây dựng đội ngũ tình nguyện viên để hỗ trợ y tế cơ sở. Mặt khác, Bộ trưởng Tiến cũng đặc biệt lưu ý đến việc huy động cán bộ y tế phải có thời gian được điều động đi các tuyến y tế cơ sở tại miền núi, nông thôn. Đây là những giải pháp mà ngành y tế Việt Nam có thể xem xét áp dụng.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành y tế còn phải cố gắng nhiều nhưng cũng đã đạt những kết quả được đánh giá cao so với các nước có trình độ. Không chỉ mang lưới y tế bao phủ đến tận thôn, bản mà cả kỹ thuật cũng được đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, các công việc, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cần chuẩn hóa, có hệ thống đánh giá chất lượng rất nghiêm ngặt, công khai. Không thể làm 1 sớm 1 chiều nhưng phải kiên trì.

“Chúng ta đã có chế độ tốt với bác sỹ tương tự giáo viên ở vùng miền núi, sâu xa nhưng tới đây cần tiếp tục nghiên cứu có chế độ đãi ngộ  xứng đáng, phù hợp với đội ngũ bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng viên tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, phải luân chuyển y bác sỹ sao cho mọi người có điều kiện nắm bắt thực tiễn, học tập thêm để tiến bộ trong nghề nghiệp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh. 

Cảnh Kiên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan