“Dị nhân” 30 năm rủ thông gia kiếm cơm “địa phủ”

Ngày 31/05/2015 15:32 PM (GMT+7)

Tại vùng quê miền biển này, bà được xem là “dị nhân” khi làm cái nghề mà nhiều người chỉ mới nghe tên đã rùng mình - nghề phu mộ.

Ngày chồng còn sống, bà Năm cùng ông ngược xuôi khắp nơi làm nghề bốc mộ. Đến khi ông ra đi, người phụ nữ ấy vẫn không từ bỏ cái nghề khác người này. Đặc biệt hơn, bà còn “rủ” con dâu và cả nhà thông gia cùng tham gia. Gặp phóng viên, người phụ nữ được dân địa phương gọi là “dị nhân” này tâm sự: Bà kéo cả nhà đi kiếm cơm “âm phủ” không chỉ vì tiền. Mà hơn hết, bà muốn tích lấy chữ Tâm, chữ Đức cho con cháu noi theo, sống thiện, sống có ích cho làng xóm.

“Dị nhân” 30 năm rủ thông gia kiếm cơm “địa phủ” - 1

Chân dung người đàn bà 30 năm bốc mộ.

Học nghề từ chồng

Hun hút trong ngõ sâu, gần nghĩa trang hiu quạnh là ngôi nhà nhỏ, xiêu vẹo của bà Hoàng Thị Năm, trú xóm 6, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tại vùng quê miền biển này, bà được xem là “dị nhân” khi làm cái nghề mà nhiều người chỉ mới nghe tên đã rùng mình- nghề phu mộ.

Không dám bốc mộ chồng

Trong “sự nghiệp” làm phu mộ, bà Năm chưa từng từ chối một người khách nào đến nhờ mình, nhưng bà lại từ chối không tự tay mình sang cát cho chồng. “Ngày ông ra đi còn trẻ và phong độ lắm. Hai vợ chồng nào đã tính chuyện chia lìa. Đùng một cái ông bỏ tôi. Cứ nghĩ thế, lúc mở ván hòm ra, nhìn chồng không cầm được nước mắt thì nguy. Người ta kiêng để nước mắt rơi lên thi hài lắm. Lần sang cát cho chồng, tôi đành phải nhờ ông thông gia làm hộ”, bà Năm tâm sự.

68 tuổi nhưng trông bà Năm khắc khổ, già nua hơn rất nhiều. Bà đen đúa, da nhăn nheo, tóc trên đầu cũng rụng gần hết, chỉ còn phơ phất vài cọng tóc. Dáng ngồi của người phụ nữ bốc mộ thuê này cũng chẳng giống ai, bà cứ tỳ cả người lên hai cái đầu gối khẳng khiu. Hơn 30 năm bốc mộ, sức khỏe của bà bị tàn phá khủng khiếp, mấy khớp xương rệu rã, mỏi nhừ, đau nhức mỗi khi di chuyển. Khi được tôi hỏi về cái nghề đặc biệt này, bà Năm chia sẻ chân tình: “Nhiều người cũng hỏi tôi vì sao lại chọn nghề này. Lúc xưa, tôi chọn nó. Nhưng giờ nó lại chọn tôi, không dứt ra được, cuộc sống nhiều khi vậy đó, không biết đường mô mà lần”.

Tiếp tục câu chuyện, người đàn bà này nhớ lại quá khứ nghèo đói của mình. Thuở nhỏ, do không được đến trường nên bà sớm theo chồng “về dinh”. Chồng bà, ông Hồ Sự Mạo, hành nghề bốc mộ thuê trước đó khá lâu. Lấy nhau về, hai người vẫn tiếp tục với công việc riêng của mình cho đến một ngày ông Mạo gợi ý với vợ: “Hay là bà bỏ đồng ruộng, đi bốc mộ với tôi. Tôi hay đi xa nhiều, bỏ bà một mình, tôi không nỡ. Thôi thì nghì gì cũng là nghề, vợ chồng đi lại có nhau cho vui”. Nghe ông nói tôi thấy có lý nên quyết định bán hết ruộng, bắt đầu theo ông hành nghề”, bà nhớ lại quá trình “vào nghề” của mình. Sáng hôm sau, để mấy đứa nhỏ ở nhà trông nhau, bà Năm theo chồng đi học nghề.

Nghĩa trang xã Quỳnh Nghĩa là nơi đầu tiên bà hành nghề. Nhớ lại ngày tháng mới đi làm, bà nói: “Lúc đầu, tôi chỉ đảm nhiệm việc đào đất và làm những việc lặt vặt ông ấy sai thôi, còn mở quan tài, lấy xương do ông ấy làm. Ấy vậy mà, đêm đầu tiên tôi không thể nào ngủ được, những hình ảnh đó cứ hiện trong đầu, nghĩ không thể theo nghề được nữa. Nhưng sau mấy lần nhắm mắt làm liều, cũng quen dần. Giờ thì tôi không có cảm giác nữa”. Và chính bà cũng chẳng thể ngờ, cái nghề bốc mộ này đã theo bà hơn 30 năm qua, giúp bà một tay nuôi đàn con trưởng thành.

30 năm bốc... 3.000 ngôi mộ

Năm 2001, ông Mạo qua đời để lại bà một mình giữa cuộc đời với trăm bề thiếu thốn, nhưng người phụ nữ này vẫn không từ bỏ nghề đó. Thấy việc đi xa nhiều khi vất vả, bà “lôi kéo” thêm cả cô con dâu và ông thông gia cùng “hành nghề”. “Thấy nó không có việc làm ổn định, chồng thì đi biển biệt tích mấy tháng mới về một lần, tôi rủ nó đi làm cùng để chung một hội cho tiện, vừa để kiếm thêm đồng tiền. Dù sao đây cũng là một cái nghề mà”, bà Năm nói.

Nhớ lại khoảnh khắc đặc biệt đó, người con dâu Hồ Thị Tám tâm sự: “Lúc đầu nghe mẹ bảo cùng đi bốc mộ, tôi phát hoảng vì từ thời con gái có khi nào dám ra nghĩa trang một mình đâu. Nhưng sau mấy lần thử cùng mẹ đi làm, tôi cũng đánh liều gia nhập hội”. Không lâu sau đó, chị Tám cũng “lôi kéo” cả bố đẻ của mình vào nghề bốc mộ. Vậy là, họ tập hợp thành một đội chuyên đi bốc mộ thuê khắp nơi. Vì là người cùng nhà, đã hiểu tính cách nhau, nên công việc thuận lợi hơn cả. “Hôm nào ai yếu thì người khỏe làm việc nặng, cứ thay phiên nhau mà làm. Theo quy trình như vậy, công việc đỡ vất vả hơn nhiều”, bà nói. Mấy năm trở lại đây, do sức khỏe con dâu và ông thông gia không được tốt nên bà Năm thường đi làm một mình, chỉ khi nào công việc nhiều, họ mới đi theo phụ giúp.

“Dị nhân” 30 năm rủ thông gia kiếm cơm “địa phủ” - 2

Bà Năm cùng người con dâu của mình.

Bà Năm cho hay, việc bốc mộ có vẻ đơn giản nhưng kỳ thực rất phức tạp với nhiều công đoạn, bắt buộc người làm nghề phải chuẩn bị về cả tinh thần lẫn sức khoẻ. Ðể làm được nghề, theo bà phải là người cứng bóng vía, không sợ bẩn và có “tố chất” nhà nghề. Mỗi khi bật nắp quan tài ra dù thi thể người chết đã phân hủy hay chưa thì vẫn phải dùng cồn và nước ngũ vị tưới lên thi thể để tránh mùi xú uế “nhập” vào người. Và trước khi bắt đầu công việc phải uống một cốc rượu để nhiệt độ cơ thể tăng lên. Ðó là những bước quyết định cho buổi làm việc có thành công hay không và bà cũng đã nắm rất chắc những nguyên tắc để giảm thiểu những hậu quả có thể xảy ra với mình.

Mỗi ca bốc mộ nhanh nhất cũng phải mất vài tiếng đồng hồ. Vậy mà vào mùa cải táng, mỗi đêm bà Năm làm đến 4 ngôi mộ là chuyện thường. Hơn 30 năm qua, bà Năm tính nhẩm cũng bốc được hơn 3.000 ngôi mộ. Công việc đòi hỏi sức khoẻ tốt và thần kinh vững vàng nhưng bà cho biết do đã quá quen nên khi hoàn thành, rửa tay xong là về ngủ ngon lành. “Có lẽ mình làm việc thiện, người âm phù hộ”, bà nói. Mỗi lần đi làm về bà chỉ vệ sinh bình thường, thỉnh thoảng hôm nào mệt thì nấu nước lá nhãn để uống giải khí độc theo cách của dân gian.

Khi được tôi hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình “hành nghề” của mình, người đàn bà này thoáng chút rùng mình rồi nói: “Có lần, vừa bật ván thiên ra, tôi lạnh hết người bởi phía trong quan tài vần là một người nguyên vẹn như đang năm ngủ. Người nhà chạy toán loạn. Tôi cũng hoảng sợ nhưng vì gia đình, vì người đã khuất, tôi cố gắng làm cho xong việc. Lần ấy, phải dùng dao kéo hoàn toàn, mất gần 5 tiếng đồng hồ mới sạch sẽ được đấy. Theo người nhà kể lại, anh này bị tai nạn trong miền Nam. Trước khi khâm liệm, người ta cẩn thận bỏ nhiều chè và bọc nhiều lớp ni lông để vận chuyển đường xa. Người nhà cẩn thận để 10 năm mới sang mộ nhưng thi thể vẫn còn nguyên”.

“Còn người gọi, tôi còn đi”

Hơn 30 năm qua, bà đi khắp nơi từ trong tỉnh đến các tỉnh khác như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nam Định, Hà Nội…. Nơi đâu có người cần là bà đều có mặt để làm việc. Qua chừng ấy thời gian bám nghề, bà tâm niệm làm việc không chỉ vì cuộc sống. Ở tuổi gần đất xa trời này, bà còn làm phu mộ là bởi muốn tích lấy chữ Tâm, chữ Đức; muốn làm việc có ích giúp đời để con, cháu noi theo.

Mỗi lần đi bốc mộ ở xa, bà đều chuẩn bị từ nhiều ngày trước. “Làm việc này người nhà họ thường xem hết rồi, nên mình cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để khỏi lỡ việc của gia chủ”, bà nói. Nhiều khi làm xong họ mời vào nhà để nghỉ ngơi, dùng cơm nhưng bà nhất quyết không vào. “Tôi lấy ít tiền công là được rồi, làm cái nghề này nên tránh gặp nhiều người, tốt nhất nên tránh xa khỏi đám đông để không ảnh hưởng đến họ vì không phải ai cũng có đủ sức khoẻ đề kháng với chất độc bốc lên từ mộ được”, lời bà Năm.

Hơn 30 năm đi khắp tứ xứ giúp người, nhưng bà chẳng kiếm được bao nhiêu. Bằng chứng là ngôi nhà nhỏ bà đang ở cũng là của cô con gái lấy chồng để lại. Trong căn nhà ấy không có vật gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ. Có lẽ nơi cao quý nhất đó là góc bàn thờ mà bà hàng ngày vẫn nhớ đến chồng - người đã dìu dắt, đưa bà đến với cái nghề này. Khi được tôi hỏi về thời gian nghỉ hưu, bà Năm nói: “Còn có người gọi, tôi vẫn vác cuốc vác xẻng đi. Với lại, không đi bốc mộ thì lấy tiền mô mà sống. Vẫn biết công việc này là độc hại, nhất là đối với người cao tuổi. Nhưng biết làm sao được. Nó như cái nghiệp gắn với mình rồi”. Bà cười buồn: “Tôi vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã mà”.

Theo Trần Long
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan