Đi phát 100.000 tờ rơi để tìm con bị bắt cóc, bố mẹ bất ngờ đoàn tụ sau 32 năm

Ngày 20/05/2020 00:07 AM (GMT+7)

Nhờ công nghệ nhận dạng khuôn mặt, một trong những vụ bắt cóc trẻ em khét tiếng nhất Trung Quốc đã được phá.

Mới đây, một trong những vụ bắt cóc nổi tiếng nhất Trung Quốc đã được phá giải, giúp cho những người rơi vào tình cảnh tương tự có thêm niềm tin sẽ nhận được kết quả tốt đẹp. Đó là vụ bắt cóc của anh Mao Yin, hiện nay đã được đổi tên thành Gu Ningning, xảy ra cách đây 32 năm.

Năm 1988, anh Mao Yin đang đi chơi cùng với bố mẹ là ông Mao Zhenjing và Li Jingzhi thì một sự cố xảy ra. Khi đang đứng trước khách sạn Jinling ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ông Mao đã để con lại vài phút để đi lấy nước, nào ngờ khi quay lại không còn thấy con trai đâu. Mặc dù đã cố gắng tìm kiếm, thăm hỏi khắp nơi nhưng cặp vợ chồng vẫn không có tung tích gì về con trai nên xác định đây là một vụ bắt cóc.

Suốt 32 năm sau đó, ông Mao và bà Li đã dành hết thời gian và sức lực để đi tìm con trai, mong rằng gia đình sẽ được đoàn tụ trước lúc họ qua đời. Cặp vợ chồng già đã đi khắp đất nước, phân phát hơn 100.000 tờ rơi có ghi thông tin của anh Mao Yin trước lúc mất tích. Tuy nhiên, mọi cuộc tìm kiếm của họ đều vô vọng. Ngay cả chính quyền và cảnh sát cũng đã vào cuộc nhưng mọi thứ không có gì khả quan.

Đi phát 100.000 tờ rơi để tìm con bị bắt cóc, bố mẹ bất ngờ đoàn tụ sau 32 năm - 1

Bà Li và con trai trước khi vụ bắt cóc xảy ra.

Năm 1999, bà Li đã xuất hiện trên nhiều chương trình tuyền hình của Trung Quốc để nâng cao nhận thức của người dân về hàng nghìn vụ bắt cóc xảy ra trên đất nước, để lại nỗi đau khổ cho biết bao bậc cha mẹ và gia đình. Bà Li cũng hy vọng rằng một ngày nào đó, con trai mình nếu còn sống có thể xem được chương trình này mà tìm về.

Năm 2007, bà Li đã trở thành thành viên của một tổ chức phi chính phủ mang tên "Baby Come Home", chuyên giúp đỡ những gia đình có con bị bắt cóc và đến nay đã giúp hơn 20 người tìm thấy gia đình thật sự của mình. 

Chia sẻ trên tờ SCMP hồi tháng 1 năm nay, bà Li nói: "Tôi đã tìm kiếm con trai mình hơn 3 thập kỷ nay, tôi biết nó khó tới mức nào. Tôi cũng tự hỏi liệu có ai đó giúp đỡ con trai tôi tìm lại gia đình hay không".

Trong suốt nhiều năm vất vả tìm kiếm, bà Li đã theo dõi khoảng 300 trường hợp tiềm năng để xem có phải người con trai mất tích của mình hay không nhưng tất cả đều không phù hợp. 

Đi phát 100.000 tờ rơi để tìm con bị bắt cóc, bố mẹ bất ngờ đoàn tụ sau 32 năm - 2

Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt của ông Mao và bà Li sau 32 năm.

Tới tháng 4/2020, cảnh sát đột nhiên thông báo rằng họ đã phát hiện ra con trai của bà Li và ông Mao bị bán cho một cặp vợ chồng không có con với giá 6.000 nhân dân tệ (hơn 19 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại). Đứa trẻ đã lớn lên tại tỉnh Tứ Xuyên, được đi học đại học và hiện đang điều hành một doanh nghiệp thiết kế nội thất.

Cậu con trai Mao Yin của ông Mao và bà Li đã được bố mẹ nuôi đổi tên thành Gu Ningning. Cảnh sát đã theo chân anh từ đầu tháng 5/2020, sau đó sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để phân tích những bức ảnh cũ của anh để tìm ra bố mẹ. Cuối cùng, họ đã xét nghiệm ADN của anh và xác định được anh chính là cậu con trai của ông Mao và bà Li bị bắt cóc 32 năm trước.

Khi nhận được tin báo của cảnh sát, bà Li đã khóc hết nước mắt vì quá bất ngờ. Cuối cùng, những nỗ lực của vợ chồng bà đã được đền đáp. Bà Li vừa cầm tay con trai khóc vừa nói: "Đây là món quà tuyệt vời nhất trong Ngày của Mẹ (ngày 10/5). Tôi sẽ không rời xa con trai nữa". Anh Mao Yin cũng nói rằng sẽ chuyển đến sống cùng bố mẹ ruột của mình.

Hiện tại, chưa có thông tin về người bắt cóc cũng như bố mẹ nuôi của anh Mao Yin. Cảnh sát đang mở một cuộc điều tra về sự việc này.

Năm 2009, Bộ Công an Trung Quốc đã thiết lập một cơ sở dữ liệu ADN để chống lại nạn buôn người ở nước này. Thông qua đó, hơn 6.300 trẻ em mất tích đã được tìm thấy. Năm 2016, Bộ Công an Trung Quốc cũng cho ra hệ thống theo dõi trực tuyến, giúp tìm thấy 4.385 trong số 4.467 trẻ em bị mất tích.

Chữa khỏi cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19, bác sĩ ngỡ ngàng khi nhận ra danh tính
Sau khi tiếp nhận và điều trị khỏi cho một nam bệnh nhân lớn tuổi bị nhiễm COVID-19, vị bác sĩ này mới bất ngờ khi nhận ra danh tính của ông.
Khánh Hằng (Dịch từ SCMP)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h