Điều gì trên du thuyền ở Nhật Bản khiến hơn 500 người bị lây COVID-19 trong khi cách ly?

Ngày 20/02/2020 07:31 AM (GMT+7)

Dù chính phủ Nhật Bản nhiều lần bảo vệ sự hiệu quả của biện pháp cách ly nhưng số lượng người trên du thuyền Diamon Princess dương tính với COVID-19 đã vượt con số 500.

Biện pháp cách ly 14 ngày với hơn 3.700 trên du thuyền Diamond Princess là để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới lên đất liền. Tuy nhiên, khi các du khách và thủy thủ đoàn được phép rời khỏi tàu hôm 19/2, sau quá trình cách ly 14 ngày, nhiều người đặt câu hỏi về chuyện đã xảy ra trên du thuyền.

Theo Sky News, ít nhất 542 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận trong số hơn 3.700 người bị cách ly trên du thuyền. Diamond Princess cũng là nơi ngoài Trung Quốc duy nhất mà các quan chức y tế nhận thấy COVID-19 dễ dàng lây lan giữa người với người.

 

Du thuyền Diamond Princess với 3.700 người bị cách ly tại bến cảng của thành phố Yokohama, Nhật Bản hồi đầu tháng 2. Ảnh: Reuters

Du thuyền Diamond Princess với 3.700 người bị cách ly tại bến cảng của thành phố Yokohama, Nhật Bản hồi đầu tháng 2. Ảnh: Reuters

Dù chính phủ Nhật Bản nhiều lần bảo vệ sự hiệu quả của biện pháp cách ly nhưng du thuyền này vẫn bị coi là nơi COVID-19 "tác oai tác quái".

Có những lo ngại rằng một số quy định trên du thuyền quá lỏng lẻo dẫn đến nhiều người bị lây nhiễm. Thậm chí, 3 nhân viên y tế Nhật Bản cũng gặp các vấn đề về sức khỏe sau khi làm nhiệm vụ tại đây.

Tiến sĩ Nathalie MacDermott, một chuyên gia dịch bệnh tại Đại học King's College London (Anh), cho rằng: "Rõ ràng việc kiểm dịch và cách ly có vấn đề khiến du thuyền trở thành nguồn lây nhiễm".

Giới khoa học cho biết COVID-19 chủ yếu lây lan qua những giọt nước bọt hoặc dịch miệng khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi nhưng MacDermott cho rằng "có thể có một cách thức lây truyền khác".

Việc lọc không khí trên du thuyền như thế nào, các phòng được kết nối nhau ra sao và cách xử lý rác thải có thể giúp lý giải chuyện gì đã xảy ra trên du thuyền với hàng trăm ca dương tính với COVID-19.

"Nếu được làm đúng cách, không có lý do gì khiến việc cách ly trên du thuyền không hiệu quả", tiến sĩ MacDermott nói thêm.

Trong 2 tuần cách ly, các hành khách được yêu cầu ở trong phòng của họ và tránh tiếp xúc với người khác. Những người ở trong phòng không có cửa sổ được phép đi lại trên boong tàu một tiếng mỗi ngày. Họ bắt buộc phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với người khác.

 Hành khách trên du thuyền Diamond Princesss đứng vẫy áo với người trên đất liền hôm 13/2. Ảnh: Reuters

Hành khách trên du thuyền Diamond Princesss đứng vẫy áo với người trên đất liền hôm 13/2. Ảnh: Reuters

Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia (Anh), cho rằng biện pháp cách ly trên du thuyền có thể không được rộng rãi và chặt chẽ như suy nghĩ ban đầu.

"Thật khó để thực hiện việc cách ly trong môi trường trên du thuyền vì tôi nghĩ rằng có một số hành khách không chịu tuân thủ các yêu cầu của lực lượng y tế", giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia lý giải.

Ông Hunter cũng thừa nhận biện pháp cách ly 3.700 người trong một không gian hạn chế như trên du thuyền là một thách thức lớn. Các biện pháp kiểm soát lây nhiễm sẽ hiệu quả hơn nếu việc cách ly diễn ra trên đất liền, vị giáo sư y khoa nhấn mạnh.

"Do COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan, chúng tôi buộc phải giả sử rằng tất cả người trên du thuyền đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Do đó, họ tiếp tục phải cách ly thêm 14 ngày nữa. Sẽ là quá mạo hiểm nếu không làm như vậy", ông Hunter chia sẻ thêm.

Một số nhà khoa học khác cho rằng các hành khách nên được đưa khỏi du thuyền để cách ly trên mặt đất ngay từ đầu.

Giáo sư Arthur Caplan, chuyên gia đạo đức sinh học ở Đại học Y khoa New York, cho biết: "Thuyền bè là nơi nổi tiếng là dễ lây lan các loại virus. Về mặt đạo đức, việc giữ người trên thuyền để cách ly chỉ là bất khả kháng, khi người ta không còn lựa chọn nào khác".

Theo CNN, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng cho rằng các biện pháp cách ly của Nhật Bản là chưa đủ để ngăn virus lây lan giữa các hành khách trên du thuyền.

"CDC tin rằng tỷ lệ người lây nhiễm mới trên du thuyền, đặc biệt là những người không biểu hiện triệu chứng, cho thấy nguy cơ lây nhiễm đang hiện hữu. Để bảo vệ sức khỏe của người dân Mỹ, toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn trên Diamond Princess sẽ bị hạn chế đi lại, không được trở về Mỹ sau ít nhất 14 ngày (tính từ thời điểm họ rời khỏi du thuyền)", CDC thông báo hôm 18/2.

 Một nam hành khách chụp ảnh trên du thuyền. Ảnh: China Daily

Một nam hành khách chụp ảnh trên du thuyền. Ảnh: China Daily

Một số chuyên gia khác cũng báo động về vấn đề cách ly trên du thuyền ở Nhật Bản. Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, người mới lên du thuyền Diamond Princess, cho biết biện pháp cách ly trên du thuyền vẫn chưa thực sự đầy đủ.

"Bên trong Diamond Princess, tôi đã rất sợ. Không có hướng dẫn hay cảnh báo khu vực nào trên thuyền dễ lây nhiễm", CNN dẫn lời Kentaro Iwata, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc đại học Kobe (Nhật Bản), nói trong một video đăng trên Youtube hôm 18/2.

Trong khi đó, giới chức y tế Nhật bản vẫn khẳng định các biện pháp phòng ngừa trên du thuyền Diamond Princess là đầy đủ và nghiêm túc. Họ cũng hy vọng toàn bộ người trên du thuyền sẽ sớm được trở về nhà suôn sẻ.

Du thuyền Diamond Princess bị cách ly tại bến cảng ở thành phố Yokohama, Nhật Bản từ ngày 5/2, sau khi một hành khách từng ở du thuyền này bị phát hiện dương tính với COVID-19. Hôm nay (19/2), sau 14 ngày cách ly, các hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 đã được rời du thuyền. 

NÓNG: Việt Nam đã có phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19
Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19, điều trị thành công 14/16 ca dương tính với...
Theo Nguyễn Thái
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19