Dở khóc, dở cười khi trẻ thuận tay trái

Ngày 22/10/2015 10:14 AM (GMT+7)

Khi phát hiện con thuận tay trái, nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng có nên điều chỉnh cho con sang thuận tay phải để hợp với số đông, hay cứ để con phát huy sở trường của mình?

Chỉnh hay không chỉnh?

Có kinh nghiệm nuôi dạy 2 con, nhưng chị Trần Thị Thanh (ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) vẫn băn khoăn khi cậu con trai thứ hai dù mới 5 tuổi đã có biểu hiện thuận tay trái.“Cô chị đầu năm nay 9 tuổi, thời gian trước thuận tay trái, rồi tự nhiên cháu tự điều chỉnh, giờ thuận cả hai tay. Còn cậu em thì cầm bút, vẽ, cầm đũa, thìa, đồ chơi đều bằng tay trái… Tôi chưa biết có nên rèn cho cháu chuyển sang thuận tay phải hay không? Còn liên quan viết lách khi vào lớp 1 nữa!” - chị Thanh băn khoăn - “Bản thân tôi cũng chứng kiến nhiều người thuận tay trái, khi rèn tay phải “cực lắm” nên càng hoang mang”.

Cùng chung nỗi hoang mang với chị Thanh là chị Hồng Hải (ở Thường Tín, Hà Nội). Con gái chị 7 tuổi, thuận tay trái và chị cũng có ý định để bé sử dụng tay trái. Tuy nhiên, bé gặp phải vấn đề là hay viết ngược và làm ngược từ phải qua trái. Khi bé vào lớp 1, cô giáo cũng khuyến khích bé cầm tay phải chứ không ép, bé vẫn viết được tuy nhiên chậm hơn. Còn ở nhà thì bé viết tay trái nhanh, chữ xấu và viết ngược. Chẳng hạn chữ “d”, chữ “p”, bé suy nghĩ một lúc xem viết thế nào, rồi vẫn vòng ngược. Rồi việc tra dấu huyền, dấu sắc và con số dù được bố mẹ kèm thêm nhưng không ăn thua. Mặc dù vậy, bé làm toán kết quả không sai. Ví dụ, bài toán 15+14, bé sẽ viết số 5 và số 4 trước, chứ không viết số 1 trước như bình thường. Tuy nhiên kết quả vẫn đúng. Chị Hồng Hải băn khoăn, không biết có phải vì chị không rèn cho con chuyển sang thuận tay phải nên bây giờ mới rơi vào tình huống “ngược” thế này.

Dở khóc, dở cười khi trẻ thuận tay trái - 1

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng hướng dẫn bé Vũ Hà An Thư viết bằng tay trái. Ảnh: M.Lý

Có con gái út thuận tay trái năm nay vào lớp 1, chị Minh Lý (ở TP Hải Phòng) vẫn tự tin cho con gái phát huy sở trường. “Thật ra, trước khi khai giảng lớp 1 khoảng 4 tháng, tôi có cho cháu làm quen với chữ viết, lúc đó gia đình mới phát hiện ra cháu thuận tay trái. Nhưng tôi vẫn giữ quan điểm tự nhiên, cứ để vậy theo lẽ tự nhiên. Đầu năm học, con viết chữ “q” rất vất vả. Bản thân tôi và cô giáo cũng ngạc nhiên khi không biết con sẽ viết kiểu gì. Hóa ra, con xoay ngược vở, viết thành chữ “b”. Nhưng đến nay đã được gần 2 tháng, tôi kiểm tra vở thấy con viết bằng tay trái còn tròn, đẹp, đều hơn nhiều so với tay phải. Vấn đề là chữ có đẹp không, chứ tôi không “nặng nề” việc con viết bằng tay nào”, chị Lý chia sẻ.

Không nên ép trẻ chuyển sang tay phải

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Hằng - chủ nhiệm lớp 1A4 Trường Tiểu học Cát Bi (quận Hải An, Hải Phòng), nơi bé Vũ Hà An Thư (con gái chị Lý đang học) cho biết, lớp 1A4 có 45 học sinh thì có 3 học sinh thuận tay trái. “Ban đầu, tôi cũng có cầm tay, rèn cho các cháu viết bằng tay phải, nhưng sau khi tôi quay lưng đi một lúc là các cháu tự động cầm bút sang tay trái bởi các cháu “kêu” mỏi tay và không thuận”, cô Hằng chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Hằng, với các học sinh thuận tay trái, khi viết các nét cong kín như chữ “p”, “d” thì không khó, nhưng các chữ cái có 2 nét cong trái - phải như chữ “s” thì hơi khó. Ngoài việc chấm một dấu đánh dấu nét bút đưa đầu tiên (như hướng dẫn đại trà các học sinh thuận tay phải) thì với các học sinh thuận tay trái, cô giáo sẽ phải chấm thêm các dấu nữa để các cháu biết “điểm đến” của nét bút cho chính xác. Việc “chấm chấm” này phải được các giáo viên, phụ huynh theo sát, quan tâm, chấm từng dòng để các cháu quen dần, và không viết ngược. Đến nay, cả 3 học sinh thuận tay trái trong lớp cô Hằng đều viết chữ tròn, đẹp, đạt chất lượng.

Cũng theo cô giáo Nguyễn Thị Hằng, nhiều năm đứng lớp nhưng chưa năm nào trong lớp nhiều bạn thuận tay trái đến thế. “Cách đây mấy năm, có một quy định là không cho các con viết bằng tay trái, khuyến khích con viết bằng tay phải, nhưng hiện nay, quy định này đã được bỏ, quan trọng nhất là kết quả, chất lượng chữ viết của con!

“Thật ra, những khó khăn trong sinh hoạt trên lớp của các học sinh thuận tay trái không nhiều. Chỉ cần qua 1-2 buổi viết chữ đầu tiên là chúng tôi phát hiện các cháu thuận tay gì. Bản thân phụ huynh cũng lưu ý vấn đề này, thậm chí còn đi khám bác sĩ và thông báo kết quả với chúng tôi. Vậy nên chúng tôi càng có lý do để cho các cháu viết bằng tay trái sở trường. Nhiều người thuận tay trái khéo tay, thông minh mà!”, cô giáo Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm không nên rèn cho trẻ thuận tay trái sang tay phải, anh Nguyễn Thế Anh (24 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin ở Hà Nội) chia sẻ, bản thân anh thuận tay trái nên làm mọi thứ đều bằng tay trái. Từ nhỏ, bố mẹ ép anh phải tập viết chữ, cầm đũa và cầm chuột máy tính bằng tay phải. Tuy nhiên, “Tôi thuận tay trái, lại phải viết chữ bằng tay phải là cực kỳ khó khăn vì nhanh mỏi tay. Viết tay không thuận cũng là nguyên nhân khiến chữ xấu hơn”, anh Thế Anh nói.

BS Nguyễn Văn Học (chuyên ngành Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho rằng: “Việc thuận tay trái hay phải không phải do trẻ lựa chọn mà là tự nhiên, bẩm sinh. Không nên xem đó là khiếm khuyết, lo sợ con trẻ “không giống ai”. Cha mẹ không nên rèn để trẻ chuyển sang tay phải, bởi làm thế là đi ngược lại với tự nhiên, chỉ khiến chữ viết của các em tệ hơn. Ngoài ra, không phải thuận tay trái mà trẻ viết ngược hay đọc ngược. Đó chỉ là do tuổi của trẻ chưa kịp làm quen với chữ và số thôi.  Người thuận tay trái, hoạt động của trung khu ngôn ngữ và bán cầu trội sẽ nằm bên phải. Điều khác biệt ấy là do yếu tố di truyền, không có ý nghĩa quyết định người dùng tay trái sẽ thông minh, tư duy nhanh nhạy hơn người thuận tay phải và ngược lại. Tôi thấy nên để các bé phát triển tự nhiên, tự tin vào bản thân mình hơn là gò bó vào điều mà người lớn chúng ta cho là thuận tiện trong cuộc sống sau này”.

Các nhà giáo dục, y khoa chia sẻ: Nếu cha mẹ phát hiện trẻ thuận tay trái muộn cũng đừng quá lo lắng và ép trẻ phải tập làm việc với tay phải. Thay vào đó hãy tạo cho bé không gian và môi trường tốt nhất để bé có thể làm việc thuần thục với tay trái. Ngoài ra, nên thông báo cho giáo viên chủ nhiệm biết về việc bé thuận tay trái, nhờ cô giáo quan tâm và ưu tiên cho bé ngồi học ở bàn bên trái và khi lên bảng cho bé được đứng ở vị trí ít va chạm đến bạn khác.  

Theo Thu Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot