'Đừng bao giờ quên những tấm huy chương!'

Ngày 24/09/2014 09:13 AM (GMT+7)

Nếu như các bạn trẻ cần quên ngay tấm huy chương vừa nhận được, thì các nhà quản lý lại đừng bao giờ quên tấm huy chương đó - GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN chia sẻ.

Nhân kỷ niệm 40 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế (IMO), GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN đã có đổi điều chia sẻ về câu chuyện đào tạo người tài cống hiến cho đất nước của các nhà quản lý giáo dục.

Đừng bao giờ quên những tấm huy chương! - 1

GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN

Bồi dưỡng học sinh giỏi và hệ thống các trường THPT chuyên: Liệu có cần?

Chắc không ai “nói không” với bồi dưỡng học sinh giỏi. Đơn giản vì phát hiện và bồi dưỡng nhân tài là một trong những nhiệm vụ cơ bản của giáo dục.

GS Hà Huy Khoái từng là Trưởng ban chọn đề thi Olympic Toán quốc tế (IMO) và Trưởng ban giám khảo IMO 2007, tham gia IMO Advisory Board và nhiều lần dẫn đoàn học sinh Việt Nam đi thi Toán quốc tế.

Nhưng, bồi dưỡng, đầu tư vào việc đó như thế nào xét trong khung cảnh đầu tư cho giáo dục “đại trà”, lại là một câu hỏi lớn.

Chúng ta không thể chỉ tập trung vào HSG, mà phải nâng cao mặt bằng chung và cuối cùng cung cấp nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Trong khi cần có nền giáo dục thích hợp cho mọi người, thì đó lại là cái khó mà ngành giáo dục gặp phải.

Không thể đối xử với một tập hợp học sinh như với một tập hợp công cụ thuần nhất nào đó. Cứ nhìn vào một số lĩnh vực khá đặc thù thì rõ. Để trở thành một “cao thủ võ lâm”, người ta phải lên núi theo thầy nhiều năm, chứ không thể học trong một lớp “đại trà”, nơi chỉ thích hợp với những người định theo nghề “mãi võ bán thuốc”.

Không chỉ với “người tài” mà với người bình thường, nếu xét một cách “lý tưởng”, cũng cần có phương pháp giảng dạy riêng. Nhưng hiển nhiên là không thể cho mỗi người một chương trình riêng, hệ thống giáo viên riêng. Vì thế, tất yếu phải làm giáo dục “đại trà”!

Tuy nhiên, trong khi chưa thể có đủ trường lớp, thầy giỏi cho số đông, thì việc tập trung đào tạo một số ít nhằm “bồi dưỡng nhân tài” là một điều không thể tránh khỏi.

Cần nói thêm một điều, ở Việt Nam hiện nay, con em những gia đình khá giả có thể theo học những loại hình trường “quốc tế”, trường “chất lượng cao” với học phí cũng cao ngất ngưởng. Việc tạo điều kiện học tập tương tự cho những học sinh tài năng xuất thân từ các gia đình nghèo hơn chỉ có thể nhờ Nhà nước.

Trên thực tế, đã có rất nhiều em học sinh nghèo, nhờ được học ở các trường chuyên mà trở thành những người xuất chúng. Như vậy, việc đầu tư vào hệ thống THPT chuyên đã góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

Ở những nước phát triển, hệ thống “giáo dục đại trà” đã đạt đến chất lượng nào đó. Hơn nữa, đối với những học sinh có năng khiếu hoặc ham thích môn học nào đó, điều kiện để tiếp cận tài liệu, sách báo, thầy giáo giỏi cũng hết sức dễ dàng.

Những điều kiện như vậy có thể còn tốt hơn nếu so với những gì các học sinh THPT chuyên của chúng ta có được. Có lẽ đó là lý do mà ở các nước phát triển, nhu cầu về một hệ thống trường chuyên không được đặt ra.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là ở các nước đó không tồn tại những trường THPT rất đặc biệt. Mà thực chất, việc tuyển chọn học sinh, những điều kiện học tập ở đó cũng không khác gì “trường chuyên”.

Vì sao nước ta vẫn "đuối"?

Thành tích của học sinh phổ thông nước ta tại các kỳ thi Olympic quốc tế cho thấy rõ rằng, chúng ta có thể đào tạo được những người đạt trình độ đỉnh cao quốc tế ở hầu hết các môn học. Đó là một thành tích rất đáng tự hào.

Nhưng nếu có cuộc thi “sinh viên giỏi quốc tế”, tôi chắc thành tích của sinh viên ta sẽ không thể cao như vậy, và sẽ còn thấp hơn nếu có cuộc thi “cao học quốc tế”, “nghiên cứu sinh quốc tế”, và đặc biệt kết quả sẽ rất thấp nếu thi “giáo sư quốc tế”!

Dĩ nhiên không có các kỳ thi giả tưởng đó, vì không cần thi, người ta đã biết ai thắng, ai thua bởi chỉ cần nhìn vào sự phát triển của nền khoa học công nghệ mỗi nước là biết ngay.

Vậy tại sao chúng ta ngày càng đuối sức trong cuộc chạy maraton đến mục tiêu cuối cùng là phát triển khoa học, kinh tế và xã hội? Nói cho cùng, tất cả đều do sự đầu tư công sức, tiền bạc của xã hội cho từng giai đoạn.

Thành tích cao của chúng ta phần nhiều do hệ thống trường chuyên mang lại. Các trường chuyên được sự quan tâm lớn của Nhà nước, và đặc biệt là các gia đình học sinh. Sự đầu tư cho một bộ phận HSG của chúng ta ở bậc phổ thông có lẽ cũng không thua kém các nước khác.

Tuy nhiên, đến bậc ĐH và cao hơn nữa thì rất khác. Chúng ta chưa đầu tư đúng mức đến việc xây dựng những trường ĐH ngang tầm quốc tế.

Nhưng đối với xã hội thì lớp người tốt nghiệp ĐH mới thực sự là hạt nhân của sự phát triển, chứ đâu phải là học sinh tốt nghiệp phổ thông.

Xem ra, người ta biết đầu tư đúng chỗ hơn ta. Bởi thế nên càng lên, họ càng vượt hẳn chúng ta. Trong khi mỗi tỉnh thành nước ta đều có một trường chuyên, không kể 4 trường chuyên phổ thông đặt ở các đại học (ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM), thì chúng ta chưa có lấy một cơ sở đào tào sau ĐH nào được đầu tư lớn để có thể hy vọng ngang tầm quốc tế.

Cũng như vậy, không nhiều giáo sư của chúng ta có được điều kiện làm việc “ngang tầm quốc tế”, nên cũng khó hy vọng trong một thời gian gần, nền khoa học chúng ta có thể đạt được tầm cao mong muốn.

Nói cho cùng, các nhà quản lý giáo dục cần xem lại chính sách đầu tư, và cần mạnh dạn có những đột phá trong đầu tư vào đào tạo ĐH và sau ĐH, như chúng ta từng đột phá trong việc xây dựng các lớp chuyên phổ thông để có kết quả như ngày hôm nay.

Thấy gì từ những tấm huy chương

Có người cho rằng, có quan trọng gì đâu cái huy chương vàng Olympic toán học, vì thực ra nó nào có liên quan thiết thực gì đến kinh tế, xã hội.

Nếu nói vậy thì chắc cũng chẳng nên thi chạy 100 m, 5000 m, thi đi bộ làm gì, khi mà có thể dùng ôtô, máy bay! Các cuộc thi đó đều chứng tỏ khát khao của con người trong việc nâng cao khả năng của mình, cả về cơ bắp lẫn đầu óc. Và thắng lợi trong những cuộc thi đó không thể nói là không có ý nghĩa!

Lại cũng có người đánh giá quá cao các tấm huy chương đã đạt được, và cho rằng nếu những “nhân tài” đó chưa được phát huy, trọng dụng thì có nghĩa là xã hội đã có lỗi.

Tôi nghĩ rằng, trong cuộc chạy maratông đến đỉnh cao của khoa học, những tấm huy chương vàng Olympic mới là sự ghi nhận thành công của một km đầu tiên.

Chỉ những người quyết tâm cao, kiên trì suốt cả chặng đường mới có thể đến đích trước. Vì thế, tôi vẫn thường khuyên học sinh của mình sau khi các em được huy chương vàng: hãy quên ngay thành tích đó, và nếu có nhớ thì cũng chỉ nên nhớ về nó như một kỷ niệm đẹp của thời học sinh, chứ không phải như một thành công trong cuộc đời.

“Vinh danh” học sinh giỏi cũng là điều tốt, nhưng nên nhớ rằng, vinh quang bao giờ cũng đồng thời là một gánh nặng, nhất là đối với tuổi trẻ.

Nếu như các bạn trẻ cần quên ngay tấm huy chương vừa nhận được, thì các nhà quản lý lại đừng bao giờ quên tấm huy chương đó, vì nếu biết đầu tư đúng lúc, từ những tấm huy chương Olympic, xã hội có thể có những tài năng thực sự, những người mang lại lợi ích lớn lao cho nước nhà.

Theo Thanh Hùng (Infonet)
Nguồn:

Tin liên quan