Gian nan trở về Thủ đô sau lễ

Ngày 03/05/2013 15:17 PM (GMT+7)

Nhồi nhét hai người ghế, chém giá gấp đôi, tài xế chạy cẩu thả…là những chuyện người dân phải đối mặt khi kết thúc kỳ nghỉ lễ quay về Thủ đô làm việc.

Tính đến chiều 2/5/2013, đã có 34 xe vi phạm bị đình chỉ không cho vào bến.

Xe khách “chém” giá vé gấp đôi

Trên hành trình từ quê Nam Định về Hà Nội chiều ngày 1/5, chị Hòa (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) không khỏi “hết hồn” vì những pha phóng nhanh, lái ẩu của tài xế.

Chị Hòa chia sẻ: “Xe chạy trên đường cao tốc mà như đi trên một đoạn đường đầy ổ gà, ổ voi, sóc khủng khiếp và có những lúc cảm giác như xe bay nhấc hẳn bánh khỏi mặt đất rồi rơi xuống, tài xế phóng nhanh, chạy ẩu cho kịp tăng chuyến. Tôi đau hết cả người, cổ và vai, xe dừng mới hoàn hồn vì biết mình còn sống, không gặp tai nạn nào trên đường”.

Chuyến xe chị Hòa đi, không chỉ có tài xế chạy ẩu, phóng nhanh mà hành khách còn bị xếp hai người ngồi một ghế, có dãy ba người ngồi hai ghế hoặc ngồi ghế nhựa xếp sát nhau, chân không cử động nổi.

Ở đầu xuất phát từ Nam Định, xe cũng “không thèm” vào bến, đậu bắt khách ngay cạnh đường chỗ ngã tư gần siêu thị Big C rồi khi đến Giáp Bát, tài xế cũng miễn luôn khoản vào bến Giáp Bát để làm thủ tục mà tấp vào vỉa hè đường Kim Đồng trả khách.

Chị Hòa cho hay: “Xe vượt qua bến Giáp Bát, tấp vào vỉa hè đường Kim Đồng, trả khách chớp nhoáng rồi “phóng” ngay về Nam Định để kịp làm “cuốc” nữa”. Theo chị Hòa, cùng thời điểm đó, không chỉ có tuyến xe chị đi mà rất nhiều tuyến khác hành trình Nam Định, Hà Nam, Thái Bình … - Hà Nội trả khách kiểu này. “Nhìn đường Kim Đồng tấp nập không khác gì một bến xe mini tạm, nhiều cảnh sát giao thông có mặt ở khu vực đó cũng làm lơ”, chị Hòa nói.

Cùng tình cảnh chị Hòa, chị Mai quê ở Lý Nhân, Hà Nam thì khổ sở vì xe bỏ lốt (tuyến). Thông thường, tuyến xe Hòa Hậu, chợ Chanh (Lý Nhân – Hà Nam) – Giáp Bát sẽ chạy qua địa phận nhiều xã trong đó có xã Hòa Hậu để đón khách. Tuy nhiên, trong ngày 1/5, vì có nhiều khách đi nên xe đã tự ý bỏ lốt, không chạy qua địa phận xã này mà không thông báo trước.

Chị Mai bức xúc: “Hai vợ chồng tôi ra đường ngồi đợi cả gần tiếng đồng hồ không thấy xe đâu liền gọi điện cho tài xế xem xe có chạy không thì tài xế còn nói dối là xe đang tắc đường ở đoạn Phủ Lý không về kịp. Tôi nghe mà bực mình quá, không chạy thì nên thông báo trước cho hành khách khỏi họ mất công sức, thời gian chờ đợi, lỡ cả công việc của họ”.

Gian nan trở về Thủ đô sau lễ - 1

Khách đông đúc tụ tập quanh khu vực bến xe Giáp Bát (Ảnh minh họa)

Bị lỡ xe, hai vợ chồng chị Mai đành lóc cóc đi về nhờ bố mẹ chở xuống bến xe Nam Định để đi lên Hà Nội. Xe vừa ra đến đường cao tốc thì phụ lái đứng lên “tuyên bố”: “Giá vé xe hôm nay là 120.000 đồng, anh chị, cô bác nào không đi thì xin xuống ở đây!” trong khi giá vé của tuyến này ngày thường là 60.000 đồng/hành khách.

Hầu hết các tuyến xe trong ngày này đều tranh thủ “chặt chém” giá vé với mức tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi. Rất nhiều hành khách tuyến Thanh Hóa – Giáp Bát cho hay, đã bị chịu giá vé trong ngày 1/5 lên mức 250.000 đồng trong khi giá vé bình thường chỉ là 120.000 đồng/người.

Đình chỉ 34 xe vi phạm

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội, tính đến ngày 2/5, đã có 34 xe vi phạm bị đình chỉ. Trong đó có 21 xe vi phạm bị đình chỉ trong 5 ngày từ ngày 4/5 đến ngày 8/5 chủ yếu thuộc các tuyến Thanh Hóa – Hà Nội, Nam Định – Hà Nội.

5 tuyến bị đình chỉ 7 ngày bắt đầu từ ngày 4/5 thuộc các tuyến của xí nghiệp xe khách nam Hà Nội, Công ty Cổ phần vận tải hành khách Hải Hưng, Công ty TNHH Triệu Phố… do các lỗi xe xuất bến không trình phơi lệnh, không cho hành khách có vé lên xe, xe hết hạn đăng kiểm….

Ngoài ra còn nhiều xe bị đình chỉ với mức từ 7 ngày đến 20 ngày do các lỗi bán vé vượt giá quy định, tự động gọi khách lên xe, chở quá số người quy định….

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nếu hành khách mua vé tại bến thì sẽ không xảy ra tình trạng tăng giá, việc khách mua vé tại điểm đỗ xe hoặc trực tiếp mua của nhà xe và có tình trạng giá tăng lên 2 – 2,5 lần thì thiệt thòi đó trước hết thuộc về hành khách. Hành khách đã không tự bảo vệ được mình và chưa tuân thủ theo đúng quy định của Bộ giao thông vận tải là khi đi xe phải vào bến mua vé. Nếu mua vé trong bến, hành khách sẽ được bảo vệ quyền lợi của mình, bao gồm: có chỗ ngồi, bán đúng vé, chạy đúng giờ, đúng tuyến…

Trần Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan