GS.VS Phạm Minh Hạc: “Đòn roi thầy phạt mà nên người là một sự ngộ nhận”

Ngày 18/05/2019 15:58 PM (GMT+7)

Những ngày qua, dự luận xã hội hết sức quan tâm đến các vụ việc giáo viên xử phạt học sinh, trong đó gần nhất có thể kể đến vụ giáo viên bắt học sinh lớp 9 quỳ gối sát bục giảng ở ngoại thành Hà Nội, hay sự việc nữ giáo viên ở Hải Phòng đánh, tát liên tiếp vào HS khi các em đang làm bài kiểm tra.

Xung quanh câu chuyện giáo viên đánh học sinh tại Hải Phòng, giáo viên phạt học sinh quỳ gối ở Hà Nội, PV đã có cuộc trò chuyện với GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

GS.VS Phạm Minh Hạc: “Đòn roi thầy phạt mà nên người là một sự ngộ nhận” - 1

Giáo viên Trường Tiểu học Quán Toan (Hồng Bàng, Hải Phòng) có hành vi đánh nhiều học sinh trong giờ kiểm tra ngày 8/5. Ảnh cắt từ clip.

Thời xưa cũng hiếm chuyện phạt bằng roi

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra tình trạng giáo viên xúc phạm thân thể, danh dự học sinh thông qua hình thức phạt roi, bắt quỳ… ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

- GS.VS Phạm Minh Hạc: Trước đây điều này rất ít xảy ra, hình phạt nặng nề chỉ có ở thời phong kiến “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Ngày nay, pháp luật quy định rõ không được xúc phạm thân thể trẻ em, song vẫn có giáo viên cố tình vi phạm.

Nếu nói rằng vì áp lực mà phạt học sinh đến mức đó quả là hết sức vô lý. Áp lực thành tích, thi đua là tự giáo viên đặt cho nhau chứ trong giáo dục học trò không có kỷ luật nào phản cảm như thế. Với học sinh chưa ngoan, vẫn có phương án giáo dục, nếu kỷ luật cũng phải mang tính giáo dục là chính.

Nhiều người cho rằng, “thời xưa” việc phạt học sinh rất phổ biến và có tác dụng, là người công tác lâu năm trong ngành Giáo dục, ông nghĩ sao về quan niệm này?

- GS.VS Phạm Minh Hạc: Thời xưa, phạt roi, bắt quỳ là bình thường, đó là thời của các thầy đồ dạy chữ Nho. Còn thời thế hệ tôi, hồi trước 1945 giáo dục chưa phát triển lắm, nhưng tôi không nhớ cũng không thấy ai bị thầy giáo đánh.

Giáo dục nước ta từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và sau đó là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đến nay, chuyện giáo viên phạt roi học trò đã bị lên án, dù có nhưng cũng chưa xảy ra nhiều và trở thành hiện tượng được đề cập nhiều như hiện nay.

Tôi còn nhớ, cách đây 20 năm, tôi có đến các trường học, thấy giáo viên có thước bằng gỗ lim dài và to, dùng để đánh học trò chứ không phải là công cụ dạy học. Khi bàn về vấn đề này, chúng tôi (Bộ GD&ĐT - PV) đều không tán thành, muốn bãi bỏ.

Thành công, nên người không phải do đòn roi

Một số ý kiến, trong đó có cả giáo viên cho rằng, nhờ những hình phạt mà nhiều người nên người, thành công như hôm nay. Điều này có đúng không, thưa ông?

- GS.VS Phạm Minh Hạc: Tôi nghĩ có bộ phận giáo viên nghĩ như thế, nhưng chắc không phải là đa số. Bị đánh roi mà trưởng thành, đó là sự ngộ nhận. Đánh không thể thành người, thành công được. Thành công của con người là do ý chí, tinh thần ham học.

Trước đây, tôi và lứa học trò hiếu học từ ngoài vào Thủ đô để học, nên rất có ý thức, chăm học, không gây gổ, đánh nhau bao giờ. Nên tôi khẳng định, có thành công do nhà trường, do thầy cô và chí khí của người học vượt khó, chứ không phải là đòn roi. Những người thành công đều là con nhà nghèo, ham học, còn những người ngỗ ngược, không tài năng thì rất khó để thành công.

Các vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm thân thể, danh dự học sinh, nguyên nhân có phải từ cách dạy học “rập khuôn” đã lạc hậu trước đây?

- GS.VS Phạm Minh Hạc: Trước tiên, chúng ta phải đánh giá xem tỷ lệ giáo viên hiện nay đang áp dụng hình thức kỷ luật đã lạc hậu như trước đây là bao nhiêu, cần có con số cụ thể mới đưa được giải pháp. Tôi nghĩ, chỉ cần điều tra, khảo sát trong khoảng 3 tháng là kết quả. Vậy nên, nhiều hay ít cũng khó đưa ra nhận xét nếu chưa có con số cụ thể.

Tuy nhiên, nếu giáo viên 1% cũng là xấu và trong giáo dục không mong muốn có điều đó. Chúng ta cần xem có bao nhiêu cô giáo dùng thước đánh từng học trò trong lớp như cô giáo ở Hải Phòng vừa qua chẳng hạn. Tôi nghĩ, là số nhỏ trên phạm vi cả nước, nhưng hiện nay chưa có thống kê, không có số liệu để đánh giá, chỉ cần số liệu của vài tỉnh trong một khu vực có thể có kết quả để đánh giá thực trạng hiện nay.

Dù Bộ GD&ĐT liên tiếp chấn chỉnh, có những quy định cụ thể, song vẫn có giáo viên vi phạm. Phải chăng quy định chưa rõ ràng và chưa nghiêm?

- GS.VS Phạm Minh Hạc: Trước đây chưa có hình thức xử phạt giáo viên đánh học trò, nhưng ngày nay Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản để chỉ đạo việc này, nghiêm cấm và xử phạt giáo viên đánh học sinh, báo chí, truyền hình nêu cả rồi, ai cũng biết nhưng vẫn có giáo viên vi phạm.

Hiện nay, quy mô lớn số lượng hơn 1 triệu giáo viên, học sinh cũng tới trên 24 triệu học sinh, những sai phạm của giáo viên rất có thể xảy ra vì quy mô lớn như vậy. Do đó, cần có những quy định cụ thể hơn về vấn đề này, từ các văn bản luật tới nội quy của nhà trường phải chú ý hơn, hạn chế những hành vi phản giáo dục xảy ra trong nhà trường.

Ngoài ban hành các quy định, chấn chỉnh lại đạo đức nhà giáo, công tác đào tạo hiện nay cần chú trọng điều gì?

- GS.VS Phạm Minh Hạc: Một vài thập kỷ nay, các nhà trường sư phạm chủ yếu đào tạo về tay nghề, chuyên môn thôi. Chỉ lo dạy về chuyên môn, bộ môn thôi, điều này chưa đúng, trước hết, môi trường sư phạm phải dạy để làm người. Nhưng chuyện này đã lãng quên, hiện các trường sư phạm đang khôi phục lại, đào tạo giáo viên không phải dạy chữ không thôi, trường phổ thông phải dạy để làm người.

Tôi cũng mong rằng các cơ quan quản lý, nhà trường sư phạm, các nhà trường phổ thông làm vấn đề này phải làm một cách triệt để và khoa học hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

GS.VS Phạm Minh Hạc: “Đòn roi thầy phạt mà nên người là một sự ngộ nhận” - 2

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: Q.Anh

“Trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay, đòi hỏi người giáo viên không chỉ có trình độ, chuyên môn, đạo đức mà còn phải có phương pháp giáo dục đề cao vai trò của con người, đề cao tính nhân văn. Ngành Giáo dục cũng phải có sàng lọc, nếu những giáo viên không xứng đáng là thầy cô giáo thì nên sa thải, nên đi làm việc khác vì làm thầy không chỉ dạy chuyên môn và cả đạo đức, lối sống cho học sinh”

GS.VS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).

Cô giáo tát và đánh tới tấp vào đầu học sinh lớp 2 khiến MXH lại dậy sóng
Trong giờ kiểm tra, cô giáo không chỉ to tiếng mà còn dùng tay và thước đánh nhiều học sinh đang ngồi trong lớp.
Theo Quang Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ bị bạo hành