Hà Nội: "Sổ liên lạc điện tử" miễn phí dành cho phụ huynh năm học 2018-2019 có gì mới?

Ngày 12/09/2018 08:04 AM (GMT+7)

Năm học 2018 - 2019, Hà Nội triển khai áp dụng "Sổ liên lạc điện tử" tại các trường học phổ thông, thông qua ứng dụng trên điện thoại smartphone và tin nhắn SMS hoàn toàn miễn phí.

Sắp hết cảnh “mua” tin nhắn giá cao?

Những năm gần đây, chỉ với một chiếc điện thoại di động có đăng ký số điện thoại sử dụng dịch vụ sổ liên lạc điện tử, phụ huynh có thể cập nhật thông tin học hành của con. Sổ liên lạc điện tử là hình thức gửi tin nhắn SMS về điểm số, kết quả học tập, rèn luyện, sức khỏe của học sinh hàng ngày tại trường.

Tuy nhiên, sổ liên lạc điện tử ở nhiều trường hoạt động chưa hiệu quả, tiêu tốn một khoản tiền của phụ huynh hàng tháng nhưng thông tin nhận được hàng ngày khá sơ sài.

Chưa kể, không ít phiền toái phát sinh như: nghẽn mạng, mất sóng điện thoại thì không nhận được tin nhắn, các tin nhắn không có dấu khó đọc… Thậm chí, đã từng xảy ra sự cố hi hữu khiến phụ huynh cảm thấy “choáng”.

Cụ thể, cách đây mấy năm, 1.700 phụ huynh của Trường THCS Ba Đình đã nhận được tin nhắn của nhà trường với nội dung: “THCS Ba Đình: Con ông bà học ngu như bò. Tôi không hiểu ông bà có biết dạy con không nữa?". Cơ quan chức năng đã vào cuộc và tìm ra thủ phạm đã xâm nhập vào hệ thống để gửi tin nhắn miệt thị này.

Hà Nội: amp;#34;Sổ liên lạc điện tửamp;#34; miễn phí dành cho phụ huynh năm học 2018-2019 có gì mới? - 1

Nhiều ý kiến cho rằng tin nhắn SMS hiện nay chưa phát huy hiệu quả và tốn kém. Ảnh: Q.A

Đầu năm học này, thông tin Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai sổ liên lạc điện tử miễn phí trong năm học 2018 - 2019 khiến nhiều phụ huynh cảm thấy hào hứng.

Chị Thu Phương có con học trường tiểu học T.H (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi tháng đóng 30.000 đồng tiền sổ liên lạc điện tử, mỗi ngày nhà trường nhắn về điện thoại 1 tin nhắn. Nội dung chủ yếu là con học các tiết trong thời khóa biểu, phụ huynh nhớ kèm cặp thêm con. Lâu lâu mới có tin nhắn giá trị thông báo về lịch nghỉ học, sự cố bất thường phụ huynh lưu ý tới con… Nếu có sổ liên lạc điện tử miễn phí, phụ huynh sẽ được tiết kiệm một khoản”.

Tương tự, anh T.V.Tuấn có con học trường Tiểu học Đ.T.C.A (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Các cô sẽ vất vả hơn vì ngoài dạy học, còn cập nhập thông tin hàng ngày lên hệ thống về điểm học, tình hình học tập, nhận xét của từng học sinh. Nhưng nếu có thông tin thường xuyên và miễn phí như thế phụ huynh cũng rất yên tâm, xóa đi khoảng cách và giảm áp lực cho giáo viên vì đỡ phải hỏi trực tiếp”.

Theo nhiều phụ huynh, hiện nay hình thức kết nối với giáo viên hàng ngày đã đa dạng hơn trước thông qua Facebook, chat nhóm trên Zalo... nên việc duy trì sổ liên lạc điện tử chủ yếu là tin nhắn về điện thoại như hiện nay là thực sự không cần thiết và có phần lãng phí.

Nắm bắt tình hình học tập qua ứng dụng

Theo ghi nhận, đầu năm học 2018 - 2019, các trường công lập trên địa bàn chưa tổ chức thu tiền trường, trong đó có tiền sổ liên lạc điện tử. Các phụ huynh cũng kỳ vọng bớt đi khoản tiền này hàng tháng sẽ đỡ tốn kém, lãng phí bởi theo chủ trương của Sở GD&ĐT Hà Nội, sổ liên lạc điện tử mới sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với các trường đang áp dụng (chủ yếu dưới dạng tin nhắn SMS).

Hà Nội: amp;#34;Sổ liên lạc điện tửamp;#34; miễn phí dành cho phụ huynh năm học 2018-2019 có gì mới? - 2

Phương thức thực hiện sổ liên lạc điện tử tại Hà Nội trong năm học 2018 -2019. Ảnh: Sở GD&ĐT Hà Nội.

Liên quan về vấn đề này, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ngày 4/9, Sở đã ban hành văn bản số 3689/SGDĐT-VP về việc hướng dẫn triển khai sổ liên lạc điện tử dành cho phụ huynh học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT, TT GDNN-GDTX.

Sở đã hoàn thiện và cho triển khai hệ thống phần mềm “Sổ liên lạc điện tử” miễn phí trên môi trường website và môi trường ứng dụng điện thoại thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin giữa tia đình và nhà trường.

Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: "Phần mềm “Sổ liên lạc điện tử” được liên thông với các nội dung đánh giá và nhập điểm của các phần mềm "Sổ điểm điện tử" và "Quản lý kết quả Giáo dục Tiểu học".

Tất cả các trường đều lập kế hoạch triển khai cụ thể, yêu cầu toàn bộ giáo viên thực hiện đúng các quy định của Sở, của Ban giám hiệu nhà trường về việc nhập điểm số các bài kiểm tra (đối với trường THCS, THPT, TT GDNN-GDTX), thông tin kết quả học tập định kỳ (đối với trường tiểu học), nhập kết quả kiểm diện điểm danh hàng ngày để cha mẹ học sinh có thể nhận được đầy đủ thông tin kịp thời.

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, bắt đầu từ ngày 5/9, các đơn vị tổ chức giới thiệu, tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các chức năng “Sổ liên lạc điện tử” đến cha mẹ học sinh, cung cấp đầy đủ các tài khoản truy cập, các tài liệu hướng dẫn cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh đến cha mẹ học sinh.

Dự kiến, chức năng SMS của "Sổ liên lạc điện tử" miễn phí sẽ được thực hiện từ năm 2019.

Giải mã các ký hiệu và chữ số trên thẻ Bảo hiểm y tế năm 2018
Nhìn vào thẻ BHYT, người dân có thể biết mức hưởng BHYT, nơi sinh sống, bệnh viện đăng ký điều trị...
Theo Quang Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h