Hàng loạt bệnh “rình rập” học sinh trước năm học mới

Ngày 27/08/2015 09:47 AM (GMT+7)

Ngoài các căn bệnh truyền nhiễm như: cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng…các học sinh còn đối mặt với nhiều căn bệnh không lây nhiễm khác như: béo phì, tật khúc xạ, cong vẹo cột sống…

Để chuẩn bị cho năm học mới an toàn, hiệu quả và không dịch bệnh, ngày 27/8 Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí nhằm Truyền thông phòng chống dịch bệnh trong trường học.

Theo Cục Y tế Dự phòng, thời điểm bắt đầu vào năm học mới, có rất nhiều bệnh lây nhiễm có thể xuất hiện và lây lan trên diện rộng như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… Ngoài ra, Cục Y tế Dự phòng cũng cảnh báo không nên chủ quan với các dịch bệnh mới nổi như MERS-CoV, Ebola.

Chia sẻ với phóng viên, TS Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay cả nước có hơn 20 triệu học sinh, học tại 40.000 trường học trong cả nước. Theo TS Bắc, trường học là môi trường thuận lợi để các dịch bệnh phát triển do đây là nơi tập trung đông người. Bởi vậy, nếu trường học không đảm bảo vệ sinh môi trường thì đây sẽ là “mối nguy” lớn gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Hàng loạt bệnh “rình rập” học sinh trước năm học mới - 1

Trước thềm năm học mới, rất nhiều căn bệnh có thể lây lan vào trường học.

Ngoài những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, TS Bắc cho biết thêm, bệnh tật xảy ra trong trường học đang có nguy cơ gia tăng đối với các nhóm bệnh liên quan đến học đường như: béo phì, tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, rối nhiễm tâm trí…Tuy đây không phải là những căn bệnh lây nhiễm, nhưng cũng là vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay.

“Sức khỏe ở lứa tuổi học đường còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm, ví dụ như cận thị hiện nay chiếm khoảng 35% học sinh và đang có xu hương gia tăng, nhất là ở các thành thị. Ngoài ra, tình trạng thừa cân, béo phì đang là vấn đề nhức nhối ở lứa tuổi học đường, đây là căn bệnh rất nguy hiểm, là tiền thân của bệnh ung thư, đái tháo đường, tim mạch khi trưởng thành …”, TS Bắc nhấn mạnh.

Nguyên nhân gây nên tình trạng trên, TS Bắc cho rằng, một phần là do công tác đảm bảo vệ sinh trường học còn nhiều nơi chưa đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Không chỉ có vậy, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức tới vấn đề sức khỏe học đường.

“Hiện nay, nhiều trường học còn chưa thật sự chú trọng đến y tế học đường, chưa có cán bộ chuyên trách về y tế để khám và tư vấn định kỳ cho học sinh, để từ đó có những phát hiện và hướng dẫn cách phòng bệnh tật cho các học sinh”, TS Bắc chia sẻ.

Chính vì lý do trên, vấn đề truyền thông phòng chống dịch bệnh trong trường học là vô cùng cần thiết, muốn làm được như vậy thì bản thân các trường học, chính quyền địa phương phải tích cực tham gia công tác phòng bệnh, vệ sinh trường học để phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ nhằm phân loại sức khỏe cho các học sinh là rất quan trọng. “Đây không phải khám để điều trị, mà khám để nhằm mục đích phát hiện ra các căn bệnh như: tật khúc xạ, tai mũi họng, rối nhiễm tâm trí…điều này nhằm giúp giáo viên có sự phân loại để dạy cho học sinh đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, nhằm giúp học sinh có hướng điều trị thích hợp khi bệnh mới ở giai đoạn đầu”, TS Bắc nhấn mạnh.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự