Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân

Ngày 05/01/2015 14:12 PM (GMT+7)

Cảnh ùn tắc dưới những giàn giáo thi công của tuyến đường sắt trên cao tại Hà Nội lại tái diễn, trong khi mối lo tai họa rình rập trên đầu vẫn hiện hữu.

Sau những ngày nghỉ Tết dương lịch, giao thông Hà Nội lại ùn tắc nghiêm trọng. Hiện tượng ùn ứ tại các điểm lắp đặt giàn giáo thi công của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông lại tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, tại một số công trình đang thi công, an toàn lao động vẫn đang bị xem nhẹ khiến người dân không khỏi lo ngại về hiểm họa từ những công trình này.

Hiểm họa vẫn treo trên đầu

Sau vụ đứt cáp cần cẩu, rơi thép làm một người chết (6/11), ngày 13/11, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã ra văn bản chấp thuận triển khai thi công các hạng mục dự án này.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 1

Lưới chống rơi mục rách nát nhưng vẫn không được thay thế.

Thế nhưng mới đây (28/12) lại tiếp tục xảy ra sự cố sập giàn giáo đè bẹp chiếc xe taxi, rất may không thiệt hại về người. Như vậy, chưa đầy hai tháng sau khi rà soát độ an toàn của dự án đường sắt trên cao đã xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng.

Nhiều người đang đặt ra câu hỏi về kết quả đợt kiểm tra an toàn mà Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) thực hiện.

Từ các động thái nêu trên, có nhiều vấn đề đặt ra buộc Bộ GTVT phải trả lời một cách cụ thể. Người dân có quyền “nghi ngờ” về cam kết an toàn được phát ra sau khi xảy ra vụ tai nạn thứ hai.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 2

Cột trụ đang thi công nhưng vẫn không có lưới chống rơi.

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hiện có nhiều đơn vị thi công vẫn xem nhẹ vấn an toàn thi công.  Hầu hết lưới chống rơi đã rách nát nhưng các đơn vị thi công vẫn không thay thế. Nhiều nơi thi công trên cao nhưng vẫn không có lưới chống rơi gây nguy hại đến người đi đường.

Sắt thép tại các hạng mục trên cao được đặt một cách bừa bãi mà không được cố định. Chỉ cần sơ sót tác động vào là các thanh thép nặng hàng chục kg có thể rơi xuống người tham gia giao thông ở phía dưới.

Bên cạnh đó, nhiều công nhân phải làm việc trong môi trường nguy hiểm. Một số công nhân khi thi công không mang dây an toàn. Nhiều người phải đứng trên hai chiếc ván mỏng để làm việc.

Khi cẩu sắt thép lên cao nhiều đơn vị thi công vẫn không có người ra hướng đẫn phân luồng xe.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 3

Các thanh sắt không được cố định có thể rơi xuống đường bất cứ lúc nào.

Đi đường vòng để tránh

Từ vụ tai nạn sập giàn giáo ở tuyến tàu điện trên cao đã hình thành tâm lý lo sợ trong người dân khi phải lưu thông trên tuyến đường này. Những vụ tai nạn xảy ra quá bất ngờ khiến người dân không kịp phản ứng.

Anh Hoàng Văn Thông (45 tuổi) hành nghề xe ôm dọc đường Nguyễn Trãi chia sẻ: “Hàng ngày, tôi vẫn thường chở khách dọc tuyến đường sắt trên cao. Sau khi xảy ra liên tiếp hai vụ tai nạn liên quan đến tuyến đường này  bản thân tôi rất lo sợ khi phải di chuyển qua các hạng mục đang thi công. Ai có thể đảm bảo rằng những vụ tai nạn tương tự như vậy có xảy ra nữa không?. Nếu không đảm bảo an toàn thì những người đi đường như chúng tôi cảm thấy rất lo sợ vì tai họa có thể đến với mình bất cứ lúc nào”.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 4

Một công nhân đứng trên chiếc ván gỗ mỏng để thi công.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 5

Những thanh sắt trên cao không được cố định rất dễ rơi xuống đường

Với tâm lý lo sợ, nhiều người đã chọn các tuyến đường khác để lưu thông. Đối với những cơ quan, trường học có tuyến đường sắt trên cao chạy qua, việc chọn đường khác để di chuyển là không khả thi. Mỗi lần di chuyển dưới tuyến đường này người dân lại mang trong mình tâm lý bất an.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 6

Người dân cảm thấy lo lắng mỗi lần đi dưới công trường đang thi công.

Anh Trần Quang Chiến sinh viên Đại học Khoa Học Tự Nhiên tâm sự: “Bây giờ nhiều người đã chọn cách di chuyển ở các con đường khác. Mỗi lần tôi tham gia giao thông dưới các hạng mục đang thi công  luôn cảm thấy bất an nhưng vẫn phải đi vì đây là con đường duy nhất dẫn tới trường. Tôi rất mong cơ quan chức năng và các đơn vị thi công sớm có các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn để chúng tôi an tâm khi tham gia giao thông dưới tuyến đường sắt trên cao”.

Dưới đây là những hình ảnh mới nhất về nguy cơ rình rập tại các điểm thi công tuyến đường sắt trên cao này:

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 7

Qua hai sự cố xảy ra ở tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, người tham gia giao thông hình thành tâm lý lo sợ mỗi khi đi dưới công trường đang thi công.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 8

Dù rất sợ những tai họa từ trên trời rơi xuống nhưng các phương tiện vẫn phải di chuyển qua hầm chui vì không có sự lựa chọn nào khác.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 9

Hàng ngày, có hàng nghìn lượt người tham gia giao thông dưới các hạng mục của tuyến đường sắt. Nhiều hạng mục thi công trên cao nhưng lưới chống rơi đã mục nát và chưa được thay thế. Nguy cơ tai nạn luôn rình rập người đi đường.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 10

Những ngày giáp tết, lưu lượng giao thông tăng đột biến trong khi đó lòng đường phải dành chỗ cho các đơn vị thi công để máy móc.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 11

Tiến độ thi công chậm tại ngã tư Khuất Duy Tiến khiến tình trạng giao thông ở đây khá phức tạp. Hàng ngày, lực lượng giao thông luôn túc trục để điều phối giao thông vì lưu lượng quá đông.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 12

Các phương tiện phải chuyển hướng sang đường dành cho xe bus vì đơn vị chặn đường để đảm bảo an toàn trong thi công . Điều đấy đã làm gia tăng áp lực lên tuyến đường dành riêng cho xe bus

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 13

 Nhiều người lo sợ  tai họa đến với mình nên không dám lưu thông vào các hầm chui.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 14

Sau khi xảy ra sự cố sập dàn giáo nhiều đơn vị chặn lối vào không cho các phương tiện đi vào hầm chui. Áp lực giao thông ngày càng tăng đối với các tuyến đường khác.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 15

Để thi công các hạng nục của tuyến đường sắt nội đô lòng đường nhiều nơi bị thu hẹp. Rất nhiều vụ va chạm giao thông đã xảy ra do nguyên nhân trên.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 16

Rất nhiều hố sâu nằm sát khu đân cư và đường cái. Mặc dù nằm sát khu đân cư nhưng đơn vị thi công vẫn không lắp rào chắn cũng như biển báo nguy hiểm. Nguy cơ tai nạn là điều không tránh khỏi mỗi lúc đêm tối khi lưu thông qua đây.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 17

Sau đợt nghỉ tết dương lịch nhiều hạng mục không thấy có dấu hiệu thi công. Những nơi thi công thì có rất ít công nhân làm việc đấn đến tiến độ không đảm bảo.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 18

Máy móc được để bùa bãi dưới lòng đường. Đèn cảnh báo nguy hiểm vẫn không bật sáng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nhất là vào ban đêm.

Hiểm họa từ hàng nghìn tấn sắt vẫn treo trên đầu dân - 19

Sau khi chặt hết các cây xanh để phục vụ tuyến đường sắt trên cao, các đơn vị đang rải thảm để mở rộng lòng đường.

Phạm Công
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot