Hoàng hậu xấu nhất lịch sử Trung Quốc: Ngoại tình, khiến cả triều đại diệt vong

Ngày 02/04/2023 10:50 AM (GMT+7)

Vị hoàng hậu này được ví như con chuột chù xấu xí, hung dữ, là người đã khiến cả một triều đại diệt vong.

Năm 265, Tư Mã Viêm lật đổ Tào Hoán, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tào Ngụy và thành lập nhà Tây Tấn của Trung Quốc. Vào những năm đầu của triều đại Tây Tấn, dưới tình hình tương đối ổn định trong cả nước và sự chăm chỉ của người dân, nền kinh tế xã hội đã dần phục hồi sau thời Tam Quốc. 

Nhưng khoảng thời gian tốt đẹp không kéo dài lâu, sau khi Tư Mã Viêm qua đời, đứa con trai ngu ngốc của ông ta là Tấn Huệ Đế (Tư Mã Trung) lên nắm quyền và sủng ái Giả Nam Phong. Sự thịnh vượng của nhà Tây Tấn sớm biến mất nhanh như chớp chảo.

Giả Nam Phong là con gái của Giả Sung, một khai quốc công thần của nhà Tây Tấn. Vào thời Tào Ngụy, Giả Sung đã cống hiến hết mình cho cha con Tư Mã Chiêu - Tư Mã Viêm. Sau khi kết hôn với Quách Hòe, Giả Sung không có con trai, chỉ sinh được 2 người con gái là Giả Nam Phong và Giả Ngọ.

Quách Hòe bản chất hay ghen tuông trong khi Giả Ngọ lại khá phóng đãng. Lớn lên trong một gia đình như vậy, Giả Nam Phong tính tình vừa ghen tuông lại vừa phóng đãng. Bà còn thừa hưởng được khả năng giỏi quan sát chính sự trong triều và tài thao lược từ phụ thân. Tất cả những điều này đều tạo tiền đề để Giả Nam Phong bước lên sân khấu chính trị trong tương lai.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quay lại với Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung, con trai của Hoàng hậu Dương Diễm và Tấn Vũ Đế. Ông bẩm sinh ngu ngốc, 7-8 tuổi chưa đọc được chữ nào. Ban đầu, Tấn Vũ Đế không muốn đưa Tư Mã Trung lên làm thái tử vì quá ngờ nghệch. Tuy nhiên, Hoàng hậu Dương lại cực cưng chiều con, nhất quyết đòi nhà vua lập cậu con trai này làm trữ quân. Chính vì sủng ái Hoàng hậu Dương nên Tấn Vũ Đế không còn cách nào khác là chiều lòng mỹ nhân.

Vào năm 271, khi Tư Mã Trung 13 tuổi, Tấn Vũ Đế và Hoàng hậu Dương muốn chọn một người vợ cho thái tử. Lúc này nhà Tây Tấn lại đang đối diện với họa ngoại xâm, muốn cử Giả Sung ra biên giới đối phó. Lệnh vua ban ra, Giả Sung không thể cãi lại dù trong lòng không muốn rời kinh thành. Khi ấy, một bằng hữu trong triều hiến kế, bảo Giả Sung hãy gả con gái cho thái tử, như vậy hoàng đế sẽ không để ông phải rời kinh.

Nghe được sách lược này, Giả Sung bắt đầu một loạt các hoạt động "ngoại giao" để tiến cử con gái lên hoàng đế. Quách Hòe, vợ ông cũng gửi nhiều lễ vật quý giá cho hoàng hậu, xin được kết thông gia với nhà vua. Sau khi nhận quà, Hoàng hậu Dương đã đồng ý và quyết định hôn sự của Tư Mã Trung.

Ban đầu, Tấn Vũ Đế đã nghe danh con gái Giả Sung ngoại hình vừa lùn vừa xấu, tính lại hay ghen, phóng đãng nên không đồng ý. Tuy nhiên, Dương hoàng hậu nói rằng Hoàng đế đã nghe được những lời đồn nhảm nhí của các đại thần và bà nhất quyết chọn con gái Giả Sung cho con trai mình.

Khi ấy, Giả Nam Phong 15 tuổi, em gái Giả Ngọ 12 tuổi. Ban đầu, thái tử định kết hôn với Giả Ngọ vì cô xinh đẹp hơn chị gái, nhưng Giả Ngọ rất thấp, gầy và nhỏ, không thể mặc vừa quần áo của người lớn. Cuối cùng, Tư Mã Trung đành cưới Giả Nam Phong.

Dương hoàng hậu cũng cho rằng Giả Nam Phong lớn hơn Thái tử 2 tuổi, chín chắn hơn, có thể bù đắp cho khuyết điểm ngu si đần độn của chồng. Nhưng bà không ngờ rằng quyết định của mình không chỉ rước một con chuột chù xấu xí hung dữ vào nhà mà còn khiến nhà Tây Tấn diệt vong.

Vào tháng 2/272, Giả Nam Phong được gả vào cung. Lúc này, Tấn Vũ Đế và Hoàng hậu Dương mới gặp cô con dâu xấu xí này. Khi đó, cả 2 người đều hối hận nhưng đã quá muộn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau khi Giả Nam Phong vào tẩm cung của thái tử, mặc dù cô xấu xí nhưng lại nhanh chóng giành được tình yêu và sự tin tưởng của thái tử ngốc nhờ vào sự quyến rũ độc nhất vô nhị của mình. Dần dần, Tấn Vũ Đế và hoàng hậu mới cảm thấy nhẹ nhõm khi con trai yên bề gia thất.

Tư Mã Trung là thái tử nhưng chỉ số IQ không cao. Giả Nam Phong là thái tử phi thì bản tính lanh lợi, can đảm sớm bộc phát, cộng thêm tính ghen tuông, dối trá nên thái tử cuồng vợ một cách mù quáng. Trong mọi chuyện, Tư Mã Trung đều dựa dẫm vào vợ khiến Giả Nam Phong càng trở nên độc đoán, kiêu ngạo. Thái tử ngốc nghếch không chỉ khiến Tấn Vũ Đế cảm thấy bất an, lo lắng mà ngay cả quan lại triều thần cũng bàn ra tán vào. Tuy nhiên, vì uy nghi của hoàng gia mà không ai dám lên tiếng.

Vào cung vài năm, Giả Nam Phong nhờ tài mưu lược đã thu phục được một nhóm người trong triều thần trở thành tri kỷ của mình. Vì bản tính độc ác, hung bạo, hay ghen nên bà khiến Tư Mã Trung vừa sợ, vừa sủng ái, lại vừa nghe lời răm rắp.

Giả Nam Phong được sủng ái, có địa vị cao trong Đông Cung nên những phi tần khác của thái tử đều không gặp may. Rất ít người trong số họ được thái tử ban mưa móc. Khi một phi tần có thai, Giả Nam Phong đã dùng cách hãm hại khiến cô sảy thai. Biết con dâu tàn độc như vậy, Tấn Vũ Đế định phế truất nhưng lại bị các đại thần can ngăn.

Giả Nam Phong đi cùng người chồng ngốc nghếch, đối mặt với cuộc đấu đá nội bộ phức tạp giữa triều đình nhiều năm. Đến khi Tấn Vũ Đế qua đời, Tư Mã Trung lên ngôi, Giả Nam Phong bắt đầu ngồi vững ngôi hoàng hậu và nhanh chóng thao túng triều đình. Người đàn bà xấu xa, tàn độc này đã gây ra loạn Bát vương kéo dài 16 năm, sau đó khiến nhà Tấn diệt vong.

Ngoài ngoại hình xấu xí và sự đa mưu, túc trí thì hoàng hậu Giả Nam Phong còn nổi tiếng là hoang dâm vô độ. Không những vắt kiệt sức của chồng, bà còn quan hệ với nhiều đàn ông cường tráng trong cung. Có người dù trai tráng khỏe mạnh nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu của hoàng hậu, đã phải bỏ trốn sau một đêm phục vụ bà.

Theo sử sách ghi lại, người đàn ông phục vụ Giả Nam Phong nhiều nhất có tên là Lạc Nam, một kẻ vô danh tiểu tốt. Dù hoàng hậu xấu ma chê quỷ hờn nhưng Lạc Nam vẫn thốt ra những lời nịnh nọt giả dối để lấy lòng bà. Sau mỗi lần hoan ái, hắn được ban thưởng rất nhiều vàng bạc châu báu. Về sau, Lạc Nam đang hí hửng mang tặng phẩm từ trong cung đi ra thì bị quân lính bắt lại. Sau khi nếm đòn tra tấn và cung khai mọi hành vi của mình, chuyện xấu của hoàng hậu Giả Nam Phong cũng theo đó mà đồn khắp trong ngoài cung.

Một người phụ nữ như Giả Nam Phong chắc chắn không bao giờ an phận sống bên một người chồng ngốc nghếch. Bà sớm đã âm mưu đoạt quyền từ Tấn Huệ Đế, đặc biệt là khi thấy bản thân chỉ sinh được 4 người con gái.

Sợ khi Tấn Huệ Đế chết đi thì quyền lực trong tay cũng biến mất, Giả Nam Phong đã âm mưu hãm hại con trai duy nhất của chồng là Tư Mã Duật. Bà cho người dụ thái tử uống rượu say rồi lừa chép thư phản nghịch được soạn sẵn. Sau đó, Giả Nam Phong lấy cớ này ép Tấn Huệ Đế phế thái tử. Bất chấp lời can gián của triều thần, Tấn Huệ Đế đã làm theo lời hoàng hậu. Về sau, đề phòng hậu họa, Giả Nam Phong còn hạ sát Tư Mã Duật ở nơi giam cầm.

Trước sự ngang ngược và tàn bạo của người đàn bà này, chú của Tấn Huệ Đế là Triệu vương Tư Mã Luân đã hợp sức với Tư Mã Quýnh khởi binh. Vào tháng 4/300, Giả Nam Phong bị quân khởi nghĩa bắt sống, sau đó bị ban rượu độc ép chết ở tuổi 44, kết thúc cuộc đời của hoàng hậu xấu xí nhất lịch sử Trung Hoa.

Rửa lỗ rồng cho hoàng đế là gì mà các cung nữ tranh giành nhau mỗi ngày?
Các cung nữ trong cung phải tranh giành nhau, thậm chí phải hối lộ người quản lý chỉ để phục vụ hoàng đế công việc này.

Thâm cung bí sử

BẢO LINH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thâm cung bí sử