Hoảng loạn với học sinh hết đánh thầy lại đòi tự tử

Ngày 29/04/2016 00:09 AM (GMT+7)

Thay vì tìm cách gỡ mâu thuẫn, học sinh ngày nay lại rất manh động. Nếu như các em không phản kháng bạo lực lại thầy cô thì lại ngấm ngầm viết tâm thư đòi tự tử.

'Có chuyện' lại viết tâm thư tự tử

Từ khóa học sinh tự tử, học sinh đánh thầy cô càng ngày càng thêm nhiều dữ liệu bởi tin này chưa kịp nguội lạnh thì lại có tin khác xảy ra khiến thầy cô, phụ huynh bàng hoàng còn dân mạng thì sốc nặng. 

Nhiều học sinh bức xúc đã không kìm chế được bản thân phản kháng một cách tiêu cực như đánh thầy cô vỡ mũi, trọng thương. Và trong trường hợp các em không tìm cách giải quyết được thì lại chọn con đường cùng là tự tử. Không ít những tâm thư các em để lại thấm đẫm nước mắt của phụ huynh. Điều đáng nói là nguyên nhân dẫn đến vụ việc lại vô cùng đơn giản như bị thầy nhắc nhở, thi trượt...

Ví dụ như trường hợp của nam sinh lớp 9 một trường THCS Quảng Ngãi đã uống thuốc diệt cỏ tự tử vì nghi ngờ lấy trộm tiền hay mới đây nhất là vụ tâm thư đòi tự tử do một nữ sinh của trường THCS Vũ Tiến, Thái Bình viết, nguyên nhân được cho là do thầy hiệu trưởng... nghi ngờ.

"Em cũng là một con người như bao người khác và em cũng suy nghĩ được. Em thực sự rất bức xúc và tuyệt vọng vì thầy giáo nghi ngờ em", đó là câu trong bức tâm thư "Lời chăng chối vì bị thầy hiệu trưởng nghi ngờ" của em V.T.M.D.

Hoảng loạn với học sinh hết đánh thầy lại đòi tự tử - 1

Bức tâm thư định tự tử của học sinh Thái Bình được chia sẻ mới đây (ảnh internet)

Cô Nguyễn Thị Thu Huệ, hiệu trưởng trường mầm non Baby, TP.HCM chia sẻ, không chỉ có các em học sinh lớp lớn, ngay cả lớp mầm non các em cũng thể hiện sự phản kháng của mình với thầy cô. Theo cô Huệ, trường từng có học sinh bị cô giáo nhắn nhở thì thách thức luôn cô: "Cô đánh em đi rồi em cho cô lên tivi". Cô Huệ cho biết những lúc như vậy cô giáo đó sẽ đi ra ngoài để cô giáo khác đến trò chuyện với các em.

Phải chăng, các em đang thiếu sự quan tâm cần thiết của nhà trường và cha mẹ để rồi khi có sự cố nhỏ xảy ra các em lại giải quyết một cách vô cùng cảm tính và bốc đồng?

Các em cần được đối thoại

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội  cho biết, bản thân bà  đã tư vấn khá nhiều trường hợp dạng này.

"Các cháu đang lứa tuổi dậy thì, thường có tâm lý bất ổn. Việc các cháu thích xử lý vấn đề bằng các biện pháp tiêu cực cũng rất nhiều. Theo tôi, lý do của tình trạng này ngoài việc hoocmon của các cháu chưa ổn định thì còn vì các cháu có quá ít mối quan tâm và niềm vui trong cuộc sống. Ngoài việc học hành và bạn bè, các cháu chẳng có hoạt động thú vị nào như: hoạt động xã hội, thể thao, hay các câu lạc bộ. Nói tóm lại, khi cuộc sống quá nghèo nàn, xu hướng tiêu cực hóa mọi quyết định thường được đẩy lên cao", TS Hương bày tỏ.

Ngoài các nguyên nhân nêu trên còn có nguyên nhân xuất phát từ việc niềm tin vào thầy cô và nhà trường bị khủng hoảng nghiêm trọng. Số lượng giáo viên trong cả nước rất đông đảo nhưng vài vụ việc tiêu cực bị đẩy lên cao, biến thành quan niệm sai lệch khi cho rằng nhà trường không đáng tin cậy, nhà trường xấu xa và học sinh cần phải tìm cách phòng chống lại mọi thứ của nhà trường.

Quan niệm này sẽ gây ảnh hưởng vô cùng xấu đến quá trình giáo dục trẻ em trong trường học. Nếu con có bức xúc gì, các cha mẹ thay vì đối thoại với nhà trường, tin tưởng vào họ để phối hợp cùng nhà trường giải quyết thì lại tìm cách đối đầu như: biểu tình, uy hiếp tinh thần, thậm chí cả đòi đền bù thiệt hại, đòi sa thải thầy cô giáo… Điều này đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ của giới trẻ và việc thách thức thầy cô không còn là điều đáng ngạc nhiên nữa.

"Theo tôi, ở bất kể một lĩnh vực nào trong xã hội chúng ta cũng có kẻ nọ người kia. Không thể phủ nhận là tồn tại những thầy cô đã hành xử chưa đúng chuẩn mực cho lắm. Điều này đã khiến cho trẻ càng thêm thiếu lòng tin vào giáo viên và sẵn sàng đối đầu với họ thay vì hợp tác để phát triển".

Trao đổi về giải pháp giải quyết vấn nạn này, TS Hương cho rằng: "Một lần nữa nội quy nhà trường phải được xây dựng lại cho chặt chẽ và nghiêm túc hơn. Các quy định đối với giáo viên cũng phải được công khai cho học sinh biết để các em tin tưởng vào sự công tâm của nhà trường. Khi có nội quy rõ ràng, chặt chẽ, quy định cả các chế tài xử phạt đàng hoàng, nhà trường nên thực thi nội quy đó nghiêm túc với mọi đối tượng kể cả giáo viên. Có lẽ chỉ có cách đó mới giúp cho nhà trường trong việc hình thành nhân cách tốt đẹp của trẻ.

Còn về phía phụ huynh, các vị cần thiết phải tạo điều kiện cho con em mình được đối thoại trực tiếp với thày cô giáo, tìm cách giải quyết vấn đề, bình tĩnh trong việc xử lý và mọi việc cần đứng trên quyền lợi của các con. Nếu các con phạm lỗi, cần thiết phải để các con chịu trách nhiệm với các hành vi ứng xử sai trái của mình. Tuyệt đối tránh việc đưa định kiến của mình vào trong các tình huống này. Chỉ có các biện pháp công bằng, nghiêm túc, và thẳng thắn mới có thể giải quyết triệt để mọi việc".

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự