Hơn 200 nhân viên, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc: Người trong cuộc lên tiếng

Ngày 14/04/2021 21:30 PM (GMT+7)

Nhiều cá nhân, bác sĩ chia sẻ họ quyết định nghỉ việc không phải do thu nhập giảm mà do mô hình quản lý có nhiều thay đổi không hợp lý. Một số mong muốn trở lại nếu như Bệnh viện Bạch Mai thay đổi.

Ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết từ 1-2-2020 đến cuối tháng 3-2021, số cán bộ, người lao động tại đây thôi việc và chuyển công tác là 221 người. Trong số này có 28 bác sĩ, bao gồm 1 phó giáo sư, 10 tiến sĩ.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng có 4 lý do chính khiến nhân viên thôi việc đó là việc tinh giản một số bộ phận, thu nhập giảm vì Covid-19, tâm lý căng thẳng sau các vụ lãnh đạo bệnh viện lâm vào vòng lao lý và áp lực đổi mới bệnh viện.

Trao đổi với phóng viên ngày 14-4, một bác sĩ từng công tác tại Bệnh viện Bạch Mai nay đã chuyển công tác cho rằng việc bệnh viện lấy lý do là dịch Covid-19, bệnh viện khó khăn về tài chính nên đã tinh giản hàng trăm lao động. Vậy tại sao trong thời gian này, bệnh viện vẫn tuyển dụng hơn 500 lao động, gấp nhiều lần số lao động bị buộc thôi việc và chuyển công tác tại bệnh viện. Bệnh viện cũng xây dựng bản đồ quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan mới, thay đổi hạ tầng, sửa sang, đập đi xây lại rất nhiều hạng mục như khu vực sân phía sau, khu vực mặt tiền... Rõ ràng giải thích của lãnh đạo bệnh viện về vấn đề này là không thoả đáng và chưa thật hợp lý.

"Với nhân lực chất lượng cao có lẽ họ đi đâu cũng được nhưng điều quan trọng nhất là môi trường làm việc phù hợp. Các bác sĩ mong muốn có môi trường làm việc chuyên nghiệp, phát triển các chuyên khoa học thuật, không phải môi trường chỉ thích đánh bóng, phô trương, làm hình ảnh...” - vị bác sĩ chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai đi nơi khác chia sẻ.

Hơn 200 nhân viên, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc: Người trong cuộc lên tiếng - 1

Khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai được cải tạo với khu vực ngồi chờ cho người nhà bệnh nhân

Theo một số bác sĩ, với mô hình quản lý mới, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai yêu cầu từng khoa phòng phải báo cáo kiểm điểm, đánh giá nhận xét, chấm điểm thi đua từng cá nhân. Bệnh viện học theo mô hình tư nhân, quản lý nhân sự của tư nhân là tốt, là đổi mới nhưng việc đãi ngộ với anh em lại không hợp lý. "Thời gian qua, nguồn thu, mà cụ thể là lương, giảm kinh khủng, tới 50-60%. Các quy trình, cơ chế đánh giá cũng không rõ ràng, dẫn đến câu chuyện soi mói, thù hằn cá nhân trong việc đánh giá. Cuối cùng, mọi người đều trong tâm thế đề phòng, rất mệt mỏi" - một bác sĩ cho biết.

Một số bác sĩ cho rằng với cách quản trị như hiện nay, sẽ còn nhiều nhân lực chất lượng cao rời bỏ Bệnh viện Bạch Mai và rời bỏ môi trường làm việc mà họ vốn muốn cống hiến trọn đời. "Với cá nhân tôi, nếu thay đổi cách thức quản trị, tôi vẫn mong muốn được trở về Bệnh viện Bạch Mai để làm việc và cống hiến chứ không phải vì thu nhập giảm"- bác sĩ này nói.

Hàng chục năm làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai ở cương vị lãnh đạo nhưng một bác sĩ đã nộp đơn xin nghỉ việc từ cuối năm 2020. Ông cho biết bản thân nghỉ việc do môi trường không còn phù hợp. "Với tôi, thu nhập giảm, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 không phải lý do khiến tôi thôi việc nhưng tôi được yêu cầu chuyển sang bộ phận khác không phù hợp chuyên môn. Nếu tôi chuyển, người trong ngành, học trò sẽ nghĩ gì khi mà công việc tôi gắn bó hàng chục năm qua nay lại phải đi làm một lĩnh vực mới tinh khi mà chỉ vài năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu. Bệnh viện Bạch Mai là thương hiệu lớn, ai cũng muốn gắn bó nhưng khi bệnh viện thay đổi mô hình, việc sử dụng người không hợp lý, còn bản thân mình thấy không được làm nghề đúng nghĩa, thấy không phù hợp nên tôi và nhiều y bác sĩ khác chọn cách ra đi" - ông chia sẻ.

Theo một bác sĩ, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt, dù tự chủ nhưng không thể biến thành doanh nghiệp tư nhân, quản lý theo mô hình tư nhân. "Nhiều người thấy tiếc cho thương hiệu Bệnh viện Bạch Mai khi để xảy ra những lùm xùm về chuyện nhân sự, quản lý bệnh viện thời gian qua, cá nhân tôi cũng vậy. Việc thay đổi là tốt nhưng phải phù hợp, phải lấy con người làm trung tâm"- vị bác sĩ nói.

Hơn 200 nhân viên, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc: Người trong cuộc lên tiếng - 2

Cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Thế Anh

Là một trong số hơn 100 nhân viên buộc phải thôi việc do tinh gọn, giải thể Đơn vị dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai, gần 1 năm nay, anh V. trở thành shipper (người giao hàng tự do) cho vợ bởi anh chưa tìm được công việc phù hợp. Từ chỗ thu nhập trung bình 8-9 triệu đồng/tháng khi làm việc ở Bệnh viện Bạch Mai, nhưng từ 1-5-2020, khi bị bệnh viện cho thôi việc, nguồn thu cả nhà trông chờ vào mối bán hoa quả và thực phẩm cho khách quen của vợ.

"Cả hai vợ chồng chưa bao giờ nghĩ đến việc anh V. bị cho thôi việc bởi chúng tôi đã có thời gian dài làm việc tại đây và cống hiến cho bệnh viện. Do sức khoẻ của tôi yếu nên 2 năm qua tôi đã xin nghỉ việc tại Bệnh viện Bạch Mai, còn chồng tôi làm việc ở Đơn vị dịch vụ từ năm 2004 đến thời điểm đó là 16 năm. Anh làm việc tại bệnh viện từ những ngày đầu có đơn vị dịch vụ, hợp đồng chính thức thời hạn 1 năm, ký lại hàng năm, từng được nhận bằng khen lao động xuất sắc của giám đốc bệnh viện. Khi đơn vị mới thành lập, lúc ấy khó khăn lắm vì tình trạng xe dù, xe cứu thương bên ngoài bệnh viện hoạt động công khai, thậm chí vào tận bệnh viện để giành việc vận chuyển bệnh nhân. Để bảo vệ người bệnh, tránh tình trạng xe "cứu thương dù", xe cấp cứu vận chuyển không phép chèo kéo, giành giật bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập Đơn vị dịch vụ để quản lý, ổn định tình trạng này. Chúng tôi từng mất tới 4 năm đầu mới ổn định được tình trạng xe dù bên ngoài vào tranh cướp bệnh nhân, thậm chí cũng có lúc đã phải đổ máu"- vợ anh V. chia sẻ.

Vợ anh V. cho biết cuối tháng 4-2020, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thông báo cho chồng chị và nhiều nhân viên khác về việc ai được ở lại làm việc còn ai sẽ phải nghỉ. "Lúc đi, anh ấy vẫn tràn đầy hy vọng. Đến nơi mới biết, gần như tất cả đều bị nghỉ. Những nhân viên thuộc đơn vị dịch vụ như chồng tôi bị buộc chấm dứt hợp đồng từ ngày 1-5-2020, cách thời điểm thông báo khoảng hơn 10 ngày. Sau đó, bệnh viện hỗ trợ 1 tháng lương với số tiền là 3 triệu đồng. Đáng nói là, trong khi rất nhiều người làm việc lâu năm lại cho nghỉ thì nhiều trường hợp mới làm việc 1-2 năm lại được giữ lại. Khi thông báo nghỉ là nghỉ luôn, bệnh viện cũng chưa từng hỏi nguyện vọng của anh em thế nào. Tôi thấy việc cho thôi việc là không thoả đáng, không có tình người, không nhân văn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang khó khăn, rất khó kiếm việc mới”- vợ anh V. nghẹn ngào.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng những nhận xét về việc bệnh viện có nhiều điểm bất hợp lý trong mô hình quản trị là không có cơ sở. Theo ông Thành, việc thay đổi nếp nghĩ, nếp làm hàng chục năm không dễ dàng, thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn rất khó khăn, nhất là khi tâm lý mọi người luôn muốn hướng tới những điều dễ dàng, thuận lợi.

Ông Thành cũng cho biết Giám đốc Bệnh viện có đưa ra một số quy định chặt chẽ hơn về giao tiếp, ứng xử, lề lối làm việc. Có những quy định trước đây không đưa thành chế tài nhưng giờ nếu nhân viên có lỗi giao tiếp, ứng xử khiến bệnh nhân, người nhà bức xúc, có đơn thư sẽ bị đưa ra hội đồng bệnh viện kỷ luật.

Hơn 200 cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc: Lãnh đạo bệnh viện nêu 4 lý do
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng trong số hơn 200 người này có quá nửa là lao động phổ thông, chỉ có 28 bác sĩ và người có trình độ tiến sĩ, học...
Theo N.Dung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h