Khốn khổ với học ca 3 giữa thành phố

Ngày 29/08/2016 08:42 AM (GMT+7)

Trong giờ nghỉ trưa, thầy cô và các em nhỏ tại một số trường tiểu học ở Biên Hòa (Đồng Nai) phải căng mắt cho giờ học ở trường. Vì trường lớp quá tải nên các em đành học ca 3.

Trưa 24-8, PV có mặt tại điểm nóng về tình trạng học ca 3 của TP Biên Hòa (Đồng Nai) là Trường Tiểu học Trảng Dài (phường Trảng Dài).

13 giờ 30, hàng trăm em học sinh khối 2, khối 4 chuẩn bị vào học buổi chiều. Trong khi đó, học sinh các lớp ca 3 (học từ 10 giờ 30 đến 14 giờ) chuẩn bị ra về nên từ sân trường đến hành lang cứ nháo nhào.

Khốn khổ với học ca 3 giữa thành phố - 1

Lúc mọi người ngủ trưa (12 giờ) thì các em lớp 3 tại Trường Phan Đình Phùng (phường Long Bình, Biên Hòa) phải tập trung cho việc học. Ảnh: VŨ HỘI

Nhịn đói đi học xuyên trưa

Chị Nguyễn Hoài Thanh có hai con đang học Trường Tiểu học Trảng Dài. Con gái lớn thì học buổi sáng, bé thứ hai thì học ca 3 nên ăn xong lo đi đưa đón con cũng hết cả ngày.

Cùng tình trạng đó, bà Vũ Thị Tươi có con học lớp 3 của Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình, TP Biên Hòa) cho biết: “Khi tôi ít việc thì buổi trưa con được ăn uống đầy đủ, hôm bận thì cho con ăn tạm cái bánh ngọt và cầm hộp sữa đi học. Đến 2 giờ chiều tan học về nhà mới được ăn cơm trưa. Thấy con vậy, mọi người trong gia đình ai cũng xót ruột nhưng chẳng biết làm sao”.

Nhiều phụ huynh làm công nhân, làm giờ hành chính vì không có thời gian đưa đón con đi học vào khung giờ tréo ngoe như vậy nên đành gửi con luôn cho cô giáo chủ nhiệm. Mỗi sáng họ đi làm là chở con đến nhà cô, 10 giờ cô giáo sẽ đưa các cháu đến trường rồi 2 giờ chiều thì đưa về nhà mình. Đến chiều muộn, phụ huynh ghé nhà cô giáo đón con về.

Chị Bích Hương (nhà khu phố 3, phường Trảng Dài) cho biết buổi sáng vợ chồng đều làm công nhân nên không thể đưa đón con trong buổi trưa. Vì vậy chị đã thuê một người hàng xóm có con học cùng trường ca 3 nấu cơm cho con ăn vào buổi trưa rồi đón con về, mỗi tháng trả hơn 1 triệu đồng. “Hôm trước được nghỉ phép, tôi về sớm đón con. Đứng bên ngoài cửa sổ nhìn vào thấy con ngồi học vật vờ, mỏi mệt, nhiều lúc ngủ gục xuống bàn mà lo quá. Học xuyên trưa kiểu này, làm sao chúng nó tập trung vào bài giảng của giáo viên được” - chị Hương nói.

Cô trò đều mệt nhoài

Lo lắng cho các em nhỏ học ca 3, cô Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (Long Bình), cho biết nếu không học ca 3 thì học trò không có chỗ nào để ngồi học. Nhưng học vào giờ này, cứ đến tầm gần cuối buổi thì nhiều em ngồi ngáp ngắn, ngáp dài, mệt, không tập trung học được. Khi học sinh lớp ca 3 chuẩn bị ra về, học sinh của các khối khác chuẩn bị vào học buổi chiều, không khí ồn ào là trong lớp các em mất tập trung.

“Các giáo viên sẵn sàng dạy vào giờ trưa để học sinh có chỗ học nhưng nhìn các em thương vô cùng. Mặc dù cô giáo đã dặn các em phải ăn cơm trước khi đến lớp và mang nước uống theo để đảm bảo sức khỏe nhưng nhiều gia đình cha mẹ làm công nhân không chuẩn bị kịp cho các em được. Do đó nhiều em phải nhịn đói đi học. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo các cấp quan tâm, đầu tư hơn nữa cho giáo dục, nhanh chóng xây thêm trường mới mong xóa được ca 3, ổn định việc dạy, học cho trẻ” - cô Thủy nói.

Bé NTH, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Trảng Dài, nói: “Mẹ con đi làm thuê cho nhà người ta nên đi sớm, cha đi làm thợ xây nên không kịp về nấu cho con ăn. Buổi trưa con thường hay nhịn đói, chiều đi học về con mới được ăn. Mà học buổi trưa buồn ngủ lắm chú à!”.

Tất cả đều... kêu cứu

Lường trước được tình trạng ca 3 nên trước khi năm học mới bắt đầu, ban giám hiệu Trường Tiểu học Trảng Dài đã đi khảo sát tình hình cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn TP để thuê, mượn phòng cho học sinh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đủ chỗ học phù hợp.

“Việc thuê mượn chỉ là bài toán trước mắt, còn về lâu dài thì tất cả giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân trong phường mong muốn TP sớm khởi công xây dựng thêm trường học mới. Như vậy việc học ca 3 mới được giải quyết triệt để để các em và phụ huynh an tâm” - đại diện ban giám hiệu  Trường Tiểu học Trảng Dài nói.

Thầy Đoàn Kim Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, cho biết toàn trường chỉ có 29 phòng học nhưng có tới 73 lớp với hơn 3.300 học sinh. Để học sinh có chỗ học, nhà trường buộc phải cho gần 700 học sinh khối 3 học ca 3. Ngoài ra, phòng hội đồng cũng được dành luôn cho học sinh buổi chiều học. Cả thầy cô, phụ huynh, học sinh đang phải cố gắng thích ứng tốt nhất để không ảnh hưởng đến dạy và học.

Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cũng đã kiến nghị UBND tỉnh nhanh chóng cho thu hồi các dự án đã giao cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Biên Hòa nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả giao cho ngành giáo dục xây.

Khốn khổ với học ca 3 giữa thành phố - 2

Khi học sinh ca 3 tan học cũng là lúc học sinh khối buổi chiều chuẩn bị vào học Trường Tiểu học Trảng Dài. Ảnh: VŨ HỘI

Theo Phòng GD&ĐT TP Biên Hòa, năm học 2016-2017 trên địa bàn có 55 trường tiểu học và 31 trường THCS. Trong khi đó, tổng số học sinh tiểu học, THCS toàn TP hơn 142.000 em, tăng 8.100 em so với năm học trước. Trong khi đó việc đầu tư xây dựng trường lớp trên địa bàn TP vẫn chưa đáp ứng kịp cho nhu cầu. Do đó áp lực về số lượng học sinh vẫn còn rất lớn ở một số trường tiểu học, THCS gây tình trạng quá tải phải học ca 3, đặc biệt ở các trường tiểu học: Trảng Dài (32 lớp), Phan Đình Phùng (14 lớp), Nguyễn Chí Thanh (bốn lớp), Phan Bội Châu (sáu lớp)...

________________________________

Hiện trên địa bàn còn nhiều trường quá tải dẫn đến tình trạng học ca 3. Không những vậy số lượng học sinh trong mỗi lớp 50-60 em. Vì vậy, Phòng Giáo dục đề nghị Sở GD&ĐT đề xuất với UBND tỉnh nhanh chóng có biện pháp trước mắt để đảm bảo công tác giảng dạy và học tập trong nhà trường.

Ông BÙI VĂN PHƯỢNG, Phó Trưởng phòng GD&ĐT tỉnh Đồng Nai

Theo Vũ Hội
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h