KTT Thành Công, Hà Nội: Dân hoang mang ôm đồ chạy nạn

Ngày 15/07/2015 10:24 AM (GMT+7)

Mỗi trận dông lốc ập đến lại có nhiều gia đình ôm đồ chạy nạn. Có những gia đình có đến 4 thế hệ cùng vác chăn màn ra khỏi nhà. Chuyện thật như đùa đó đang hiển hiện ở khu tập thể Thành Công (Ba Đình - Hà Nội).

Vữa trần rơi trúng đầu

Bà Nguyễn Thị Thu sống ở dãy nhà E tập thể Thành Công cho biết hàng trăm hộ dân ở đây lo nơm nớp khi những trận mưa kéo dài. “Tường ẩm thấp, trẻ con người già mắc bệnh, trần nhà nứt nẻ dột không tài nào khắc phục được vì trần nhà nứt theo hệ thống”. Hàng trăm hộ dân ngày đêm nơm nớp khi sống trong khu tập thể đã xuống cấp nhiều năm nay.

Theo bà Thu thì: “Khu tập thể Thành Công được xây dựng đã lâu, nayxuống cấp nghiêm trọng. Gia đình tôi ở đây từ những ngày đầu đến nay đã bốn thế hệ cả con, cháu và hai chắt cùng sống chung căn hộ với diện tích sử dụng 28 mét vuông. Có hôm thằng cháu chạy nhảy ở cầu thang thì bị lớp vữa trần nhà rơi xuống. May nó chỉ bị thương tích nhẹ”.

Ông Long (56 tuổi) sống ở trên tầng 5 tập thể này nói đầy lo lắng: “Mỗi lần bão về là những hộ trên cao, sát với cầu thang, chúng tôi lại phải vác chăn màn chạy sang trường học phía sau để lánh nạn vì tường rung mạnh, nhà mưa dột. Nhiều căn hộ có trần, tường nhà long tróc từng mảng vữa rất nguy hiểm. Vừa rồi, khu tập thể phải thuê thợ hàn về hàn hàng loạt những lan can bị hở cốt thép tránh tình trạng bị bật bung rơi xuống. Sau mỗi trận dông lốc, các vết nứt lại há rộng thêm một chút, khiến chúng tôi rất hoang mang”.

KTT Thành Công, Hà Nội: Dân hoang mang ôm đồ chạy nạn - 1

Sống trong nguy hiểm. ảnh: HP

Trong một căn phòng chật chội, "già nua" của khu nhà D khu tập thể Thành Công, những ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm, 4 chiếc quạt hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ mát cho các thành viên gia đình bà Nguyễn Thị Lan ăn bữa cơm trưa. Nhà bà có đến 7 người, mà diện tích chỉ có 29m2. Riêng việc nhồi nhét quần áo, đồ dùng đã chật, chưa nói đến sinh hoạt hàng ngày.

Bà Lan cho biết: “Như nhiều khu tập thể khác, hầu như hộ dân nào ở đây cũng phải cơi nới và rất dễ thấy những chỗ nứt toang hoác. Có những “chuồng cop” nằm cheo leo giữa không trung. Nhìn rất ái ngại. Người dân chúng tôi rất khao khát khu nhà được sửa chữa, cải tạo để thoát khỏi cuộc sống khổ cực”.

Bà Lan nói thêm: “Mùa đông còn đỡ, vào mùa hè tất cả các phòng đều nóng, bí như cái lò bánh mỳ. Ngày rằm, mồng một nhiều hộ đốt vàng mã, hun luôn các hộ ở đây. Một số ít hộ hiện vẫn dùng bếp than, mùi than xộc lên các tầng trên ngột ngạt có những lúc tưởng ngất đến nơi”.

Muốn gần vợ, phải ra… nhà nghỉ!

KTT Thành Công, Hà Nội: Dân hoang mang ôm đồ chạy nạn - 2

Cầu thang nhà D nứt toác.

Đứng dưới sân nhà, bà Lan chỉ lên lên các bậc cầu thang nói đầy lo lắng: “Đấy, cầu thang nứt toác ra thế này. Việc bong tróc từng mảng là chuyện thường xuyên. Nhưng có lúc nó gãy cả cầu thang thì sao? Anh thấy có nguy hiểm không”. Theo bà Lan, những vết nứt cầu thang, hay vết nứt ở trần tầng 5 kéo dài dọc tòa nhà đã xuất hiện từ lâu. Một số hộ tự động sữa chữa nhưng do bị xuống cấp cả hệ thống nên được một thời gian ngắn đâu lại trở lại đấy.

Cũng như các khu tập thế khác, khu nhà tập thể Thành Công ban đầu được xây cho cán bộ, công nhân viên chức ở. Sau này, đây là "điểm đến" phù hợp cho nhiều gia đình kinh tế còn chật vật. Anh Nguyễn Hoàng C., quê ở Nghệ An, về Hà Nội lập nghiệp, dồn tất tần tật tiền nong mua một căn hộ ở tầng 1. Gốc trong giấy tờ chỉ khoảng 16m2, nhưng cơi nới hành lang ra được gần 30m2. Hai vợ chồng với một đứa con, thêm người trông cháu mà diện tích nhà chỉ có vậy. Anh C. nói nửa thật nửa đùa: “Nhà không có phòng ngủ, lại có người giúp việc. Vợ chồng muốn làm “chuyện riêng” buộc phải ra nhà nghỉ. Nhưng đáng sợ nhất là cái bể phốt. Vì hệ thống này quá cũ, lại lâu ngày không được thông tắc nên nhiều lúc đi vệ sinh ấn xả không xả được. Nhiều lúc phát nản nhưng cũng phải “sống chung với lũ” chứ biết làm sao”. Ngoài những bất cập đó, đôi lúc anh C lại giật mình bởi tiếng rơi một mảng tường, mảng cầu thang, lan can...

Nhiều người dân nơi đây bày tỏ nguyện vọng chung là muốn được sửa chữa, nâng cấp tòa nhà để thoát cảnh sống khổ cực, chật vật mà bất an Đâu phải chỉ các nhà đua ra ban công, “chuồng cọp” mà còn "cấy" rất nhiều bồn nước trên nóc. Nhà đã cũ, xuống cấp, liệu còn khả năng chịu đựng bao lâu?!

Những ai chưa từng hoặc chỉ thi thoảng đặt chân đến hẳn khó mà hình dung được hoàn cảnh ăn ở của hàng trăm hộ dân sống nơi này. Tuy vậy, các cư dân ở đây vẫn điềm nhiên sống và bao thế hệ đã sinh ra, bám trụ rồi trưởng thành trong chính môi trường này. “Biết làm thế nào được. Qua đài báo còn biết khu nhà tập thể H36 ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, cứ như sắp sập đến nơi. Ở Hà Nội này phải đến hàng nghìn hộ dân như chúng tôi sống trong sợ hãi từng ngày từng giờ thế này” - bà Lan ngậm ngùi! Đến giờ, khi cơn lốc đô thị hóa đã lan đến mọi ngõ ngách Thủ đô, nhiều khu chung cư với thiết kế hiện đại mọc lên khắp nơi. Thì trong nội thành, thậm chí ở những khu trung tâm của Thủ đô vẫn còn rất nhiều người dân sống trong các chung cư cũ chỉ biết thở dài lo lắng.

Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước có hơn 200 nhà chung cư với khoảng 10.000 hộ dân sinh sống đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cần phải phá dỡ khẩn cấp. Phần lớn trong số đó tập trung tại TP.HCM, Hà Nội và chủ yếu được xây dựng từ trước năm 1991.

Theo Bộ này, việc xây dựng lại chung cư cũ còn chậm trễ do, hầu hết nhà chung cư cũ đều nằm trong khu vực trung tâm, là nơi cần hạn chế phát triển dân số nhằm tránh gây quá tải về hạ tầng. Do vậy phương án cải tạo, xây dựng lại các khu nhà ở này thường bị hạn chế về chiều cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất… nên không bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Theo Hà Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot