Lái xe và những “canh bạc” mạo hiểm

Ngày 21/06/2013 08:21 AM (GMT+7)

Tại sao gần đây tai nạn xe khách xảy ra liên tục? Mỗi lần cướp đi nhiều sinh mạng oan uổng. Tất cả chỉ do một phút giây lơ đễnh, vô trách nhiệm của tài xế, hay đằng sau đó còn nhiều áp lực khác?

Phóng viên Báo Giao thông thâm nhập vào nhiều chuyến xe để lý giải câu chuyện này.

Kỳ 1: Những chuyến xe sinh tồn

Sở hữu xe tiền tỷ, chở hàng trăm lượt khách mỗi ngày, nhưng chủ xe nơm nớp lo phá sản, tuy nhiên nỗi lo cơm áo gạo tiền đẩy lùi nỗi sợ tai nạn lại phía sau. Những chuyến xe lao đi trong đêm, tăng tốc để “cướp” khách của xe khác là chuyện thường ngày ở huyện...

“Cả nhà mình trên xe”

Đó là tâm sự của chủ xe Lệ Sơn với chúng tôi trên hành trình từ Điện Biên về Hà Nội. Trên chiếc xe BKS 27B-000.91 mới cóng trị giá tới 4 tỷ đồng, anh Sơn không ngại dốc bầu tâm sự: “Do đầu tư cho xe chạy tuyến Mường Lay - Mỹ Đình quá lớn chưa thu hồi được vốn nên trên tuyến mới này, vợ chồng tôi chỉ dám góp 30% giá trị xe. Nhưng với từng ấy thì cả nhà mình đã chuyển lên xe, tới đây bỏ nốt nồi niêu, bếp vào cốp là hoàn chỉnh”. Không giấu được sự lo lắng, vợ anh chia sẻ: “Tuyến mới mở, khách lèo tèo vài người. Chưa biết “sống, chết” ra sao. Toàn bộ giấy tờ nhà đã đem thế chấp để mua xe”.

Còn Dũng Bi, một chủ xe thuộc thế hệ 8X nhưng đã có thâm niên lái xe 12 năm chạy tuyến Giáp Bát - Điện Biên thì làm một phép tính nhẩm: “Em vay ngân hàng 3 tỷ bằng sổ đỏ của bố vợ cho mượn, mỗi tháng lãi ngân hàng 35 triệu, cộng với tiền dầu hơn 7 triệu/chuyến, tiền lương lái phụ xe, chi phí hai đầu bến và các khoản linh tinh... tất tật ngót nghét 200 triệu/tháng. Chuyến nào có khách còn đỡ lo, “móm” vài chuyến là như ngồi trên đống lửa vì trên lý thuyết nhà có còn là của bố mẹ vợ nữa đâu”.

Lái xe và những “canh bạc” mạo hiểm - 1

Xe nhiều, khách vắng, các chủ xe lo nơm nớp không biết phá sản lúc nào Ảnh: Viết Huy

Tuy nhiên, 2 trường hợp trên vẫn còn may mắn hơn doanh nghiệp A.T tại Lai Châu. Khi trào lưu xe khách chạy đêm bắt đầu rộ, từ một chủ xưởng gara sửa chữa xe nằm ngay sát bến xe liên tỉnh, nhận thấy cơ hội làm ăn, ông chủ tên S đã mang tất cả đất đai, gia sản thế chấp vay ngân hàng để mua dàn xe, chạy chọt xin mở tuyến Lai Châu - Mỹ Đình với số vốn vay lên đến gần chục tỷ đồng. Do thiếu kinh nghiệm quản lý, không cạnh tranh nổi với các xe khác, sau gần 2 năm, ông S mất đất, mất nhà và nợ ngân hàng 3,4 tỷ chưa biết trả cách nào.

Chỉ riêng tại Điện Biên, hiện có 4 đơn vị vận tải khách đường dài với cả trăm đầu phương tiện, trong đó Công ty cổ phần vận tải ô tô Điện Biên có số xe lớn nhất với 34 xe chạy liên tỉnh. Ông Hà Xuân Mai - Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty cổ phần xe khách Điện Biên cho biết: “Hiện đơn vị có hai hình thức góp vốn: 100% hoặc 30 -40% tùy theo điều kiện kinh tế của lái xe. Nếu góp 100% thì lái xe chỉ phải nộp phí quản lý, còn trường hợp góp vốn theo tỉ lệ thì mức khoán tùy góp vốn và nốt chạy xe”. Thực tế có đến 70, 80% lượng phương tiện được vay vốn bằng sổ đỏ hoặc thế chấp ngay bằng phương tiện đang hoạt động.

Mối nguy khi cung vượt cầu

Tính ra có khoảng 1.100 chỗ cho một lượt từ Điện Biên đi Hà Nội, trong khi đó theo thống kê, bình quân lượng khách xuất bến mỗi ngày chỉ đạt từ 30 đến 40%. Cung vượt cầu quá rõ nhưng bến xe không có quyền điều tiết số lượng xe hoạt động”, ông Nguyễn Công Thành - Bến trưởng Bến xe khách Điện Biên cho biết.

Ông Nguyễn Công Thành - Bến trưởng bến xe khách tỉnh Điện Biên cho chúng tôi biết mật độ xe khách đang quá dày trên địa bàn tỉnh. Chỉ riêng tuyến từ Điện Biên đi Hà Nội mỗi ngày có 32 xe đời mới từ 29 đến 43 chỗ xuất bến từ 16h đến 20h30’. Không chỉ đi Hà Nội mà mỗi ngày từ Điện Biên cũng có hơn chục lượt xe đi các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Nghệ An, Thanh Hóa.

Chủ doanh nghiệp Xuân Long (Điện Biên) Nguyễn Đức Long cho biết: “Bình quân một chuyến xe giường nằm từ Điện Biên về Hà Nội và ngược lại mất từ 7 đến 8 triệu đồng tiền dầu, cộng với chi phí ăn nghỉ, lương của lái phụ xe, tiền bến bãi, phơi lệnh và hao mòn cũng suýt soát cả chục triệu. Với giá vé 350.000đ/người thì ít nhất mỗi lượt xe phải 15 khách đi thẳng, nhà xe mới tạm hòa”. Chủ hãng nói thế, còn tài xế thì đơn giản chỉ chốt một câu: “Cung vượt cầu, không tranh cướp khách thì chỉ có chết đói”.

Là lái xe nhiều năm chạy đường dài Hà Nội - Điện Biên, anh Phạm Anh Tuấn đã không chịu nổi áp lực cạnh tranh trên tuyến cũ, đành tham gia vào tuyến Điện Biên - Nghệ An là tuyến mới. Tuy nhiên, mọi thứ cũng chả sáng sủa hơn khi “Đất đai, nhà cửa mang cầm cố hết cho ngân hàng, vay hơn 2 tỷ để mua xe góp vốn với công ty cổ phần chạy tuyến mới, gần 2 năm trời chưa kịp bù lỗ thì nay, Sở GTVT lại cho đơn vị khác mở một tuyến mới chỉ cách bến đang hoạt động tại Nghệ An chưa đầy 20km và lộ trình đi gần như trùng nhau” - Anh Tuấn than “như vậy chỉ còn mỗi nước mất nhà thôi”.

Ví dụ trên chỉ là một minh chứng cho chuyện bất cập hiện nay trong điều hành tuyến vận tải khách liên tỉnh dẫn đến việc mạnh ai nấy xin mở tuyến, nốt và hệ quả là cùng nhau… chết chùm.

Theo Anh Đức (giaothongvantai.com.vn)
Nguồn:

Tin liên quan