Lao vào dập lửa như thiêu thân

Ngày 05/06/2013 05:50 AM (GMT+7)

Dù đã có lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp, một người dân vẫn liều chết xông vào tham gia dập lửa.

Vụ cháy xảy ra chiều qua (13h, ngày 3/6) tại cây xăng Quân đội trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) dù không làm chết người nhưng đã tạo ra cảnh tượng hãi hùng bởi sự bùng cháy không thể kiểm soát nổi trong suốt 5 tiếng đồng hồ.

Gần 1.000 cảnh sát đã được huy động với xe thang, vòi rồng đầy đủ nhưng đã phải chiến đấu vô cùng vất vả.

Tại hiện trường lúc đó, không ít chiến sĩ đã tỏ ra vô cùng mệt mỏi, ngồi phịch xuống đất với vẻ mặt thất thần. Nhiều người trong số đó đã bị thương phải vào viện cấp cứu. Hiện 9 chiến sĩ bị thương thuộc các Phòng Cảnh sát PCCC quận Đống Đa, Hoàn Kiếm và Long Biên đang nằm điều trị tại bệnh viện Xanh Pôn.

Liều chết vì nhiệm vụ

Hầu hết những chiến sĩ cứu hỏa khi được hỏi đều thừa nhận, họ chưa từng chiến đấu với ngọn lửa nào vất vả, khó khăn đến thế.

Lao vào dập lửa như thiêu thân - 1

Các chiến sĩ cảnh sát PCCC đang được điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn

Người lính cứu hỏa Phạm Văn Phúc (Phòng Cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm) nói rằng, anh đã vào ngành được 2 năm, tham gia chữa cháy trong khá nhiều vụ hỏa hoạn tại Hà Nội.

“Chưa bao giờ gặp một đám cháy lớn như vậy.” – Anh Phúc nói.

“Lúc đó vẫn biết là nguy hiểm nhưng trong hoàn cảnh đó, chắc chắn bạn cũng như tôi, sẽ không hề thấy sợ hãi". - Chiến sĩ này nói.

Anh Phúc kể: "Khi đám cháy được dập tắt lần đầu, tôi và anh em thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, khi tôi cùng 5 đồng đội đang dọn dẹp, dùng phễu múc xăng đổ vào thùng phuy thì đám cháy lại bất ngờ bùng lên. Ngọn lửa phả thẳng vào mặt khiến cả 5 anh em đều choáng váng". Hậu quả, chiến sĩ Phúc và đồng đội bị thương ở vùng mặt và tay.

Lao vào dập lửa như thiêu thân - 2

Chiến sĩ Nguyễn Trung Thủy: "Có lẽ tôi là người đầu tiên bị thương"

Nhiều người vẫn cho rằng, dập lửa từ xăng dầu kỵ nhất dùng nước. Tuy nhiên, trong vụ cháy chiều qua, nước chảy lênh láng chảy khắp hiện trường, tràn ra đường.

Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm xác nhận, lúc đó, lực lượng cứu hỏa bắt buộc phải phun nước hạ nhiệt bởi nhiệt độ bồn xăng đang lên rất cao. Nếu không phun nước mà phun bọt chống cháy vào ngay, nhiệt độ cao sẽ làm bột phân huỷ, mất luôn tác dụng.

Trong 5 tiếng đồng hồ, tổng cộng đã có khoảng 600 khối nước được phun vào bồn lửa liên tục.

Chiến sĩ Nguyễn Trung Thủy (cùng đội với anh Phúc) nhớ lại: "Có lẽ tôi là người đầu tiên bị thương. Chính tôi khi đó đang cầm vòi phun vào đám cháy. Ai ngờ, hơi nóng từ trong bồn ùa ra táp rát cả mặt. Tôi cố chạy ra lấy nước đá dội vào mặt. Lúc này tôi mới biết mình đã bị bỏng. Rồi tôi chạy thẳng vào Bệnh viện 108 để sơ cứu. Đến khoảng 16h, tưởng đám cháy đã tắt, tôi liền ra giúp đồng đội thu gom đồ đạc, đúng lúc ngọn lửa cháy trở lại. Tôi đành bỏ việc dập lửa, cùng tham gia dìu anh em vào bệnh viện".

Bác sĩ Nguyễn Thống, trưởng Khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, hầu hết các chiến sĩ bị thương đều không đáng lo ngại. Nặng nhất là trường hợp của chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh (cũng là cảnh sát cứu hỏa của quận Hoàn Kiếm). Chiến sĩ này bị ngạt khói dẫn tới hôn mê. Hiện đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải theo dõi đặc biệt.

Tay không vẫn cứu hỏa

Dù cảnh sát cứu hỏa đã được huy động rất đông, nhưng một người dân vẫn liều chết xông vào tham gia dập lửa. Đó là anh Ngụy Đình Mạnh (một người bán quán phở ở gần đó).

Mặc dù không được trang bị quần áo và dụng cụ chữa cháy, anh Mạnh vẫn bất chấp nguy hiểm xông tới dập lửa. Hậu quả là anh Mạnh đã bị thương nhập viện cấp cứu. Anh Mạnh bị bỏng phần bàn tay, hiện cũng đang điều trị tại bệnh Xanh Pôn.

Anh Mạnh cho biết, anh là một trong những người có mặt ở đám cháy từ đầu. Khi đang bán hàng, nghe hô cháy thì anh Mạnh chạy sang xem. Mọi người bỏ chạy hết, riêng anh Mạnh ở lại cùng lực lượng PCCC lao vào dập lửa.

Anh Mạnh còn thấy một nhân viên bán xăng bị lửa táp vào mặt. Khi đang cùng các chiến sĩ PCCC hắt cát vào đám cháy, anh bị lửa táp vào cánh tay. Khi ngoảnh lại, anh cũng thấy một chiến sĩ cứu hỏa bị lửa táp vào cổ và vai.

Lao vào dập lửa như thiêu thân - 3

Anh Ngụy Đình Mạnh với vết thương trên cơ thể

Theo Thượng tá Trần Văn Vụ, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm, cháy xăng dầu không chỉ khó dập mà còn rất độc hại. Tiếp cận đám cháy lâu, hít nhiều khí xăng, lại gặp nhiệt độ cao nên dễ gây bỏng hô hấp.

Về quy định an toàn cây xăng, Thượng tá Vụ cho biết, khoảng cách giữa cửa hàng xăng với công trình công cộng xung quanh phải bảo đảm ít nhất 50m, cách đường điện cao thế 1,5 lần chiều cao cột điện và cách các điểm có tính chất nguy hiểm, dễ cháy nổ 100m.

Thượng tá Vụ nhận định, quận Hoàn Kiếm có hơn 10 cây xăng nhưng hiện đa số đều không đáp ứng đúng quy định này.

Cảnh Kiên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan