Năm 2016, bệnh bại liệt có thể bị xóa sổ hoàn toàn

Ngày 22/04/2016 08:37 AM (GMT+7)

2016 có thể là năm chúng ta loại bỏ được một trong những căn bệnh thảm khốc nhất lịch sử loài người.

Nỗ lực để tiêu diệt virus bại liệt "một lần và mãi mãi" có thể đang bước vào những giai đoạn cuối cùng.

Từ đầu năm đến nay, chỉ có 9 trường hợp bại liệt được xác nhận trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán rằng, vào thời điểm này trong năm tới, con số ca nhiễm bại liệt có thể bằng không.

Năm 2016, bệnh bại liệt có thể bị xóa sổ hoàn toàn - 1

Một nhân viên y tế cho một đứa trẻ uống vắc xin bại liệt tại Chaman, Pakistan. Ảnh: Asianet-Pakistan

"Chúng ta nhất định phải giữ được áp lực để giải quyết căn bệnh này, nhưng chúng tôi nghĩ rằng, cuối cùng chúng ta cũng có thể dừng sự lây lan  của căn bệnh vào cuối năm nay hoặc cuối mùa thấp điểm (mùa đông) năm tới", Giám đốc dự án Loại trừ bệnh bại liệt của WHO, Michel Zaffran, cho biết.

Bại liệt sẽ trở thành căn bệnh thứ hai mà chúng ta "hất cẳng" khỏi hành tinh. Và điều đó là nhờ một sự hợp tác y tế công cộng toàn cầu lạ thường.

Năm 2016, bệnh bại liệt có thể bị xóa sổ hoàn toàn - 2

Fawad Rahmani, 11 tuổi, mắc bệnh bại liệt kể từ khi lên 2. Cậu sống ở Kabul, Afghanistan, một trong số ít các quốc gia vẫn đang chiến đấu với bệnh bại liệt

Theo báo cáo của BBC News, chỉ trong hai tuần, bắt đầu từ 17/4, 155 quốc gia đã bắt đầu chuyển đổi sang loại vắc xin mới được tạo ra để nhắm đến mục tiêu là 2 chủng virus bại liệt còn lại. (Có 3 chủng virus bại liệt đã được xác định gồm poliovirus type 1 (PV1), type 2 (PV2), và type 3 (PV3). Chủng type 2 của virus bại liệt đã bị thanh toán vào năm 1999).

Loại vắc xin mới chủ yếu được phân phát tại các quốc gia đang phát triển, nhưng những nước giàu có như Mexico và Nga cũng tham gia sử dụng. Vì nó vẫn dùng đường uống, các nhân viên cứu trợ sẽ không cần đào tạo bổ sung.

Năm 2016, bệnh bại liệt có thể bị xóa sổ hoàn toàn - 3

Một chuyên gia vật lý trị liệu giúp hai đứa trẻ bại liệt vào năm 1963. Ảnh: CDC (PHIL)/ Charles Farmer

Mặc dù sự chuyển đổi đã được trù bị từ trước với khối lượng công việc hậu cần khổng lồ - một trong số đó là 18 tháng lên kế hoạch - có vẻ như đây sẽ là chiếc đinh cuối cùng được đóng vào cỗ quan tài cho căn bệnh dai dẳng kéo dài suốt hàng thiên niên kỷ.

Theo các chuyên gia y tế, dù 3/4 số người bị nhiễm bại liệt không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, sẽ có 1/200 người có dấu hiệu liệt.

Trong số những người có triệu chứng bệnh, có đến 10% bệnh nhân sẽ tử vong nếu bị liệt cơ hô hấp.

"Trong những trường hợp rất hiếm, các virus type 2 có thể đột biến và dẫn đến bại liệt, thông qua cơ chế được gọi là lưu truyền virus có nguồn gốc vắc xin", Tiến sĩ Stephen Cochi đến từ Trung tâm kiểm soát và Phòng chống bệnh Hoa Kỳ (CDC), nói. "Vì vậy, bỏ type 2 trong vắc xin mới sẽ loại trừ nguy cơ đó - và đảm bảo chúng ta có một loại vắc xin hiệu quả hơn với liều ngang bằng".

Năm 2016, bệnh bại liệt có thể bị xóa sổ hoàn toàn - 4

Một nhân viên y tế đánh dấu các ngón tay của một đứa trẻ sau khi cho bé uống vắc-xin bại liệt ở thành phố miền bắc Ấn Độ Chandigarh. Ảnh: Thomson/ Reuters

Năm 2016, bệnh bại liệt có thể bị xóa sổ hoàn toàn - 5

Virus bại liệt. Ảnh: CDC/ Joseph Esponsito

Lịch sử của bệnh bại liệt trải dài từ thời Ai Cập cổ đại, vào khoảng 3.500 năm trước, với một bệnh nhân rõ ràng đã được đề cập trên một tấm bia đá.

Âm thầm tồn tại qua hàng thiên niên kỷ, chỉ đến thế kỷ 20, dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát. Trong những năm 1940 và đầu 1950, có trung bình 35.000 ca bại liệt mỗi năm chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ. Số lượng bệnh nhân bắt đầu giảm nhanh chóng khi vắc xin bại liệt lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1955.

Nhằm nối tiếp những thành công trong việc chủ động tiêu diệt bệnh đậu mùa vào năm 1980, một chương trình tiêm chủng bại liệt lớn trên toàn thế giới đã được thỏa thuận vào năm 1988. Đó chính là Dự án Sáng kiến thanh toán bại liệt toàn cầu (GPEI) - với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CDC, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Rotary, Quỹ Bill and Melinda Gates và các chính phủ trên khắp thế giới.

Theo WHO, vào năm 1988, khi [Dự án Sáng kiến thanh toán bại liệt toàn cầu] bắt đầu, bệnh bại liệt gây ảnh hưởng lên 1.000 trẻ em trên toàn thế giới mỗi ngày. Kể từ đó, hơn 2,5 tỷ trẻ em đã được tiêm chủng ngừa bại liệt, nhờ sự hợp tác của hơn 200 quốc gia và 20 triệu tình nguyện viên, cùng với 11 tỷ đô la Mỹ từ sự đóng góp đến từ các nước.

Hiện nay, bệnh bại liệt đã được kiểm soát triệt để trên toàn cầu, các ca bệnh giảm xuống tới 99% so với thời điểm dịch bùng phát ở Mỹ (từ 350.000 trường hợp năm 1988 xuống còn 74 trường hợp vào năm 2015). 

Năm 2016, bệnh bại liệt có thể bị xóa sổ hoàn toàn - 6

Một bé gái được sử dụng vắc xin bại liệt đường uống. Ảnh: CDC/ Flickr

Chỉ còn Afghanistan và Pakistan, hai quốc gia nổi tiếng về sự bất ổn là vẫn có thông báo xác nhận các trường hợp mắc bệnh. Một khu vực đặc biệt như Châu Phi cũng đã vắng bóng bại liệt, kể từ  khi ca bệnh cuối cùng được chẩn đoán ở Somalia vào ngày 11/8/2014.

Theo WHO, kể từ năm 1988, khoảng 13 triệu người bị liệt do bệnh bại liệt gây ra đã có thể bước đi và 650.000 người đã được cứu sống. Chương trình tiêm chủng vĩ đại này không chỉ giúp cứu sống con người mà nó còn mang lại nhiều lợi ích khác. Những lợi ích kinh tế lâu dài đã được ước tính lên tới 50 tỷ đô la Mỹ.

Theo Nguyệt Phong (IFL, SA)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h