Nếu có dịch MERS-cov, Đà Nẵng sẽ làm gì?

Ngày 09/06/2015 10:20 AM (GMT+7)

Sở Y tế TP Đà Nẵng đã đưa ra bốn tình huống nếu dịch MERS-cov xuất hiện.

Hiện tại, dịch MERS-cov được xem là mối quan tâm, lo ngại lớn không chỉ cho ngành y tế mà cả cộng đồng. Trong khi đó, Đà Nẵng được xem là một trong những nơi có nguy cơ bệnh dịch này lan tràn vào. Bởi, sân bay Quốc Tế Đà Nẵng và cảng biển tại địa phương này, mỗi tuần có khá nhiều chuyến tàu, máy bay và rất nhiều người dân tại các vùng có dịch đến.

Do đó, hiện tại, Sở Y tế TP Đà Nẵng đang ra sức kiểm soát, tìm cách phát hiện nếu có dịch trong thời gian sớm nhất và kiểm soát, đồng thời diệt dịch. Mới đây, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến (Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng) đã đưa ra bốn tình huống phòng chống dịch MERS-cov.

Nếu có dịch MERS-cov, Đà Nẵng sẽ làm gì? - 1

Hành khách đến sân bay Đà Nẵng

Tình huống 1, khi chưa ghi nhận ca bệnh, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác giám sát, sẵn sàng thu dung, điều trị, xử lý ổ dịch tại các địa phương, đơn vị. Tăng cường giám sát hành khách tại cửa khẩu, đo thân nhiệt và tờ khai y tế đối với hành khách từ vùng có dịch trở về, kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu.

Tổ chức tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân có yếu tố dịch tễ liên quan thông qua hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia và giám sát các trường hợp nghi ngờ tại các cơ sở khám chữa bệnh tại cộng đồng, trang bị, chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, sinh phẩm y tế để xét nghiệm chẩn đoán xác định dịch MERS-cov.

Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh cũng như tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, đẩy mạnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chóng lây nhiễm chéo tại các bệnh viện. Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị, khu vực cách ly riêng để khám và điều trị các trường hợp nghi ngờ nhiễm dịch MERS-cov không được để lây nhiễm trong bệnh viện.

Tình huống hai, khi ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam nhưng chưa xuất hiện tại TP Đà Nẵng. Huy động toàn bộ hệ thống giám sát y tế từ thành phố đến xã, phường, thôn, tổ dân phố tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng nhắm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, tiến hành cách ly, điều trị và xử lý theo quy định của Bộ Y tế không để dịch lây lan ra cộng đồng. Tăng cường công tác giám sát tại cửa khẩu, bến xe, bến phà, nhà ga… Phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh xâm nhập vào thành phố để xử lý theo quy định.

Tình huống ba, phát hiện ca dịch MERS-cov xâm nhập vào TP Đà Nẵng. Thực hiện theo quy trình giám sát các ca bệnh đầu tiên. Từ 1 đến 36 bệnh nhân sẽ điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng và bệnh viện Phụ sản – Nhi. Tổ chức e kíp thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữ bệnh, thực hiện tiếp nhận bệnh nhân theo phân tuyến của mạng lưới điều trị đã xây dựng, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.

Thực hiện nghiêm ngặt tổ chức cách ly đối với bệnh nhóm A, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm tại các bệnh viện. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tác các đơn vị khám, chữa bệnh.

Các đội cáp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu. Tăng cường giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần đầu cuối. Tiếp tục duy trì kiểm tra sàng lọc, phát hiện các trường nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua máy đo thân nhiệt từ xa.

Triển khai việc khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu, tăng cường giám sát trọng điểm, giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng chưa rõ nguyên nhân để xét nghiệm, xác định sự lưu hành biến đổi mức độ lây lan. Tổ chức thường trực phòng chống dịch tại các đơn vị y tế.

Nếu có dịch MERS-cov, Đà Nẵng sẽ làm gì? - 2

Bệnh viện Đà Nẵng sẽ là nơi tiếp nhận bệnh nhân nếu phát hiện có người bị nhiễm dịch MERS-cov

Tình huống bốn, dịch lây lan trong cộng đồng. Tăng cường giám sát các chùm ca bệnh dịch MERS-cov tại cộng đồng. Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại khi cần thiết, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.

Đồng thời, tiếp tục triển khai giám sát dịch MERS-cov thông qua hệ thống giám sát trọng điểm cúm. Thực hiện quyết liệt việc phân tuyến, triển khai bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân theo quy định nhằm giảm tải các bệnh viện tuyến thành phố.

Các bệnh viện chủ động triển khai kế hoạch mở rộng việc thu dung, điều trị bệnh viện. Làm thông thoáng buồng bệnh tại khu vực cách ly điều trị nhằm giảm nồng độ virut, tập trung tối đa nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật để điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Bộ Y tế khẳng định, đến nay, tại Việt Nam chưa có bất kì trường hợp nào nhiễm dịch MERS-cov. Cả ba ca nghi nhiễm dịch MERS-cov đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

Trong khi đó, đến tối 8/6, Hàn Quốc xác nhận có thêm 23 trường hợp nhiễm dịch MERS-cov, nâng tổng số ca nhiễm lên 87. Ngoài ra, nước này cũng có thêm một cụ ông 80 tử vong vì dịch bệnh này.

Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, bộ này sẽ đóng cửa 1.869 trường học trên cả nước. CNN cho biết trong đó có 1.255 trường học tại tỉnh Gyeonggi giáp ranh Seoul. Số còn lại nằm ở khu vực Gangnam gần Bệnh viện Samsung Seoul, vốn là bệnh viện bị ảnh hưởng nặng nhất trong thành phố.

Nhật Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot